Một vụ phóng vệ tinh của Bắc Hàn hôm thứ Tư (31/5) đã kết thúc thất bại, khiến hoả tiễn đẩy và vệ tinh rớt xuống biển. Quân đội Nam Hàn cho biết họ đã thu hồi được các bộ phận của phương tiện phóng này, Reuters dẫn tin từ Bắc Hàn cho biết.
Hãng thông tấn trung ương Bắc Hàn KCNA đưa tin rằng hoả tiễn phóng vệ tinh mới “Chollima-1” đã thất bại do động cơ và hệ thống nhiên liệu không ổn định.
Vụ phóng này là nỗ lực phóng vệ tinh thứ 6 của quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này và là lần đầu tiên kể từ năm 2016. Nó được dự trù sẽ phóng vệ tinh do thám đầu tiên của Bắc Hàn lên quỹ đạo.
Vụ phóng đã gây ra báo động khẩn cấp và cảnh báo sơ tán ngắn tại một số vùng của Nam Hàn và Nhật Bản. Báo động đã được rút lại mà không có nguy hiểm hoặc thiệt hại nào được ghi nhận.
Tham mưu trưởng liên quân Nam Hàn hôm 31/5 cho biết quân đội đang tiến hành trục vớt để thu hồi các mảnh vỡ của hoả tiễn và vệ tinh đã rơi xuống biển.
Quân đội Nam Hàn đã chia sẻ hình ảnh các mảnh vỡ được vớt lên khỏi mặt nước, trong đó có một vật thể hình trụ lớn được buộc vào một chiếc phao.
Ông George William Herbert, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí hạt nhân và là nhà tư vấn hoả tiễn, cho biết các hình ảnh cho thấy ít nhất một phần của hoả tiễn, bao gồm “tầng giữa” được thiết kế để kết nối với tầng khác.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết các quan chức từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn đã tổ chức một cuộc điện đàm và “lên án mạnh mẽ” vụ phóng này.
“Ba nước sẽ cảnh giác cao”, tuyên bố cho biết.
Bắc Hàn cho biết họ sẽ phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên trong khoảng thời gian từ ngày 31/5 đến ngày 11/6 để tăng cường giám sát các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ.
Nam Hàn vào tuần trước lần đầu tiên phóng các vệ tinh lên quỹ đạo bằng một hoả tiễn được thiết kế và sản xuất trong nước, và Trung Cộng đã phóng ba phi hành gia lên trạm vũ trụ Trung Quốc trong chương trình luân chuyển phi hành đoàn hôm thứ Ba.
Hoả tiễn lao xuống biển “sau khi mất lực đẩy do động cơ giai đoạn hai khởi động bất thường”, KCNA đưa tin, trong một sự thừa nhận thẳng thắn bất thường về lỗi kỹ thuật của Bắc Hàn.
KCNA cho biết Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NADA) của Bình Nhưỡng sẽ điều tra “những khiếm khuyết nghiêm trọng” và hành động để khắc phục chúng trước khi tiến hành vụ phóng thứ hai càng sớm càng tốt.
NADA sau đó cho biết hoả tiễn này không bay vào lãnh thổ Nhật Bản. (VOA)