Monday, September 30, 2024
No menu items!
spot_img
HomeThế GiớiHai ông Biden, Modi ca ngợi kỷ nguyên mới của quan hệ...

Hai ông Biden, Modi ca ngợi kỷ nguyên mới của quan hệ Mỹ-Ấn và các hiệp định

Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Ấn Độ Modi trong quốc yến ở Washington hôm 22/6/2023.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ca ngợi kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa hai quốc gia sau khi Nhà Trắng trải thảm đỏ đón ông Modi hôm thứ Năm 22/6.

Mặc dù cả hai nhà lãnh đạo đều không trực tiếp chỉ trích Bắc Kinh trong các tuyên bố chính thức, nhưng họ đều nói hàm ý đến chính phủ do ông Tập Cận Bình lãnh đạo.

“Sự cưỡng ép và tình trạng đối đầu đang phủ những đám mây đen lên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, ông Modi phát biểu trước Quốc hội Mỹ trong khuôn khổ chuyến thăm ở Washington. “Sự ổn định của khu vực đã trở thành một trong những mối quan tâm chính trong quan hệ đối tác của chúng ta”, vẫn lời ông.

Sau khi hai ông Biden và Modi hội đàm riêng trong hơn hai giờ, họ ra tuyên bố chung bao gồm lời cảnh báo về căng thẳng gia tăng và các hành động gây bất ổn ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và tự do hàng hải.

Trong quốc yến, được tổ chức ở khuôn viên phía nam của Nhà Trắng, có sự góp mặt của một số giám đốc điều hành các hãng ở Thung lũng Silicon trong danh sách khách mời, bao gồm Tim Cook của Apple, Giám đốc điều hành 23andMe Anne Wojcicki, Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai, Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman, cùng những người khác.

Ông Modi muốn nâng cao vị thế của Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ người và là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, trên trường quốc tế với tư cách là một cường quốc về sản xuất và ngoại giao trong khi cũng lèo lái mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc.

Gần đây, Washington có cái nhìn tiêu cực về mối quan hệ chặt chẽ của Ấn Độ với Nga trong khi Moscow gây chiến ở Ukraine. Ông Modi tránh đề cập trực tiếp đến Nga, nhưng nói với các nghị sĩ Mỹ rằng cuộc xung đột đang “gây ra nỗi đau lớn trong khu vực. Vì nó liên quan đến các cường quốc nên hậu quả rất nghiêm trọng”.

Mỹ và Ấn Độ đã công bố các thỏa thuận về chất bán dẫn, khoáng sản quan trọng, công nghệ, hợp tác không gian cũng như hợp tác và mua sắm quốc phòng.

Một số thỏa thuận nhắm đến đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Những thỏa thuận khác nhằm mục đích chiếm lĩnh thị trường về các công nghệ tiên tiến có thể là những nhân tố chính trên chiến trường trong tương lai. Hai nước cũng đã chấm dứt các tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới và Ấn Độ đã dỡ bỏ một số thuế quan đối với hàng hóa của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ nhưng Hoa Kỳ có mối quan hệ thương mại lớn hơn nhiều với Trung Quốc, EU và các nước láng giềng Bắc Mỹ.

Hai ông Biden và Modi đã ký một hiệp định cho phép General Electric sản xuất động cơ phản lực ở Ấn Độ để lắp cho máy bay quân sự của Ấn Độ, thông qua một thỏa thuận với Hindustan Aeronautics.

Các tàu của Hải quân Hoa Kỳ trong khu vực sẽ có thể vào các xưởng đóng tàu của Ấn Độ để sửa chữa theo một thỏa thuận hàng hải và Ấn Độ sẽ mua máy bay không người lái vũ trang MQ-9B SeaGuardian do Hoa Kỳ sản xuất.

Hãng sản xuất chip Hoa Kỳ Micron Technology lên kế hoạch mở nhà máy đóng gói và thử nghiệm hàng bán dẫn trị giá 2,7 tỷ đô la, sẽ được xây dựng tại bang Gujarat, quê hương của ông Modi. Hoa Kỳ cũng sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những người lao động có tay nghề cao của Ấn Độ được nhận và gia hạn thị thực Hoa Kỳ.

Ấn Độ cũng đồng ý tham gia Hiệp định Artemis do Hoa Kỳ đứng đầu về thám hiểm không gian và hợp tác với NASA trong sứ mệnh chung trên Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2024.

Ngoại trưởng Ấn Độ Vinay Kwatra nói rằng chuyến thăm cho đến nay “thực sự mang tính đột phá” và New Delhi tin rằng chuyến thăm sẽ giúp đưa mối quan hệ với Washington lên “tầm cao hơn” (Reuters)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments