Sunday, November 24, 2024
No menu items!
spot_img

Dĩ Vãng

Nguyễn Ngọc Diệp

Tác giả trong dịp quay lại Oregon viếng thăm Intel. Đằng sau là con trai lớn. (ảnh: Nguyễn Ngọc Diệp)

(Tiếp theo)

Giã từ Oregon, chúng tôi quay về với gia đình ở TX. Chồng muốn mở văn phòng nha khoa nên kêu tôi nghỉ việc ở Intel. Tôi nộp đơn. Ai cũng tiếc nhưng tôi quyết định phụ giúp chồng, nhờ vậy mà chúng tôi có được chút sự nghiệp như bây giờ. Tôi tự hài lòng vì hy sinh một việc tốt của tôi lại đổi được không biết bao nhiêu việc cho bao nhiêu người, từ người thân đến người bản xứ.

Chúng tôi khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Thời gian đầu sống nhờ vào tiền thất nghiệp từ Intel. Tôi quán xuyến đủ mọi việc ở phòng mạch từ quản lý tới kỹ thuật, quảng cáo, tiếp tân, trả lời điện thoại… Tôi hăng hái đổ không ít mồ hôi thậm chí là vô vàn nước mắt cho phòng mạch đầu tiên ấy! Nhưng rồi mọi nỗ lực được cũng được đền bù xứng đáng với thành quả của ngày hôm nay.

Nội ơi! Ngoại ơi! Con đã trở về!

Nhờ chút lương thực tập đầu tiên mà tôi về cùng mẹ để thăm ngoại. Đau, nhớ và thương lắm! Nội đã không còn nữa! Bờ sông xưa nơi, nội ngồi lúc từ biệt, đã lở vô tận trong sân sau gần cả chục mét. Cảnh cũ đâu? Người xưa đâu? Một cảm giác thật bơ vơ, trống vắng lạ thường. Chỉ biết lặng lẽ lần tìm lại những âm vang của tuổi thơ: Tiếng tặc lưỡi não nuột của thằn lằn, tiếng gà gáy tinh sương mà hồi bé chỉ làm tôi muốn ngủ nướng thêm, tiếng bà con chào hỏi nhau, “Thưa Mợ Ba! (Mẹ tôi) Mèn ơi! Lâu ngày quá hỏng gặp, Mợ khoẻ hả?” “Ờ! Khoẻ! Oanh khỏe hả? Chị ba Nết khoẻ chứ Oanh?”

Rồi tiếng kèn xe Honda đon đả. Tiếng xe đạp lạch cạch buồn tênh như những phận đời quanh năm nghèo khó. Văng vẳng phía bên kia bờ sông Đức Tân, huyện Tân Trụ là tiếng gọi đò ơi ới, tiếng ông Tư Dậy đi câu, cất sáu câu vọng cổ vang vang trên sông nước nghe mùi mẫn làm sao! Vậy mà thời gian, hay còn gì khác, đã làm trôi đi, nhoà nhạt những thanh âm yêu dấu của tuổi thơ, của tiềm thức?

Sau đó tôi còn có dịp về thăm ngoại đôi lần trước khi ngoại về với tổ tiên. Vuông nhà ngoại, phía trước là đống rơm mà khi bé tôi thường cùng ông ngoại rút rơm cho trâu bò ăn. Kế cây rơm là khoảng đất trống ngoại hay ngồi rốc tầu dừa phơi khô bó lại để dành nhóm lửa. Cọng dừa ngoại chặt ra chất vô kho làm củi.

Xéo xéo bên hông nhà là chuồng bò, mỗi lần tôi về thì ngồi trên lan can coi bò nhai cỏ, còn con bé là tôi nhìn chúng nhai đi nhai lại trong cơn mưa rào mà lòng buồn não nuột vì nhớ mẹ. Cái sân tráng xi măng trước nhà là nơi tôi hay coi ông ngoại dẫn trâu đạp lúa thay vì đập trong bồ. Lúa chín cắt xong đem về xếp tròn chung quanh rồi cho trâu bò leo lên đi tới đi lui cho hột lúa rời ra. Mỗi khi trâu vểnh đuôi lên là tôi cầm cái ky chạy lẹ tới đưa ông ngoại. Xong cái việc tự nhiên đó, trâu lại tiếp tục nhiệm vụ của mình…

Tôi lặng lẽ nhìn quanh vườn. Cây vú sữa ngọt lịm, sai quằn trái mà mỗi lần hái phải vài thúng đâu rồi? Còn cây sa-bô-chê là sà sát đất nay ở đâu? Kia là cái giường hộc loại có ngăn bên dưới để cất dấu đồ đạc quý giá, mà thủa nhỏ, tôi đã nhiều phen u đầu vì nó! Còn hồ nước nữa, nơi mà đám con nít năm bảy đứa tụi tôi hay leo lên chơi ô quan, đánh đũa… Hồi đó bé xíu, trên dưới 10 tuổi mà tụi tôi leo lên tận nóc hồ nước cao quá đầu người! À! Nhớ rồi! Chúng tôi lấy một cái ghế đẩu chênh vênh lên đống đá xanh ông ngoại xây nhà còn dư. Lúc đó chẳng trách bà cố cứ mắng chị Chi là đứa bày đầu hay “mụ bà nắn lộn” phải là con trai mới đúng.

***

Khi văn phòng nha khoa đã ổn định và sau khi sanh cháu gái, tôi nộp đơn vô làm cho Bộ Ngân Khố với ước nguyện phục vụ và đóng góp chút sức mọn cho nước Mỹ. Rồi cơ duyên đưa đẩy, tôi lại được làm việc cho một công ty thông dịch quốc tế. Đó cũng chính là dịp may để tôi có thể sử dụng tiếng Việt và vì vậy trở về gần hơn với cội nguồn của mình. Rồi cái nghiệp dĩ thông ngôn ấy trở thành “nghề tay trái” lúc nào chẳng hay.

Ngẫm nghĩ lại cuộc đời này, qua Mỹ và lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, tôi đã vươn lên từ túng thiếu tới đủ ăn, đủ xài rồi có một chút thành tựu cho mình, cho gia đình, và san sẻ với người. Bà nội, ông bà ngoại chắc hẳn cũng mỉm cười nơi chín suối. Cậu em tôi cũng đã có nghề dược sĩ để nuôi thân.

Giấc mơ Mỹ! The American Dream! Thấm thoát mà cũng đã ba đời: ông bà, cha mẹ, rồi đến các con tôi, mà tôi hy vọng sẽ còn được tiếp nối nhiều đời sau nữa với “Giấc mơ Mỹ” luôn tròn đầy, đẹp tươi.

Cuộc sống đã dạy tôi biết trân trọng những giá trị thực bên trong một con người, đó là tri thức, chữ tín, làm việc hết mình và sự chân thành với người. Còn nữa: thật thà, ôn hòa, cần cù, nhẫn nại, kiên trì là những giá trị mà không một thứ vật chất nào trên đời này có thể đánh đổi được.

Tôi có lẽ cũng giống mẹ tôi, là rất hào sảng, nhưng lại tằn tiện với chính mình. Có lẽ do tình cảnh luôn thiếu hụt đã dạy tôi biết tiết kiệm, biết thông cảm và san sẻ tình thương với nhiều người. Thiếu thốn một thời gian dài gần như cả tuổi thơ cho tới khi làm ra tiền cũng đã dạy tôi tánh chịu khó. Làm con cả đã tôi luyện tôi thành người có trách nhiệm, biết lo. Bần cùng và túng thiếu cũng đã dạy tôi lòng kiên trì và ý chí cầu tiến.

Tôi thầm cảm ơn những bước cần cù nhẫn nại của người đi trước, những thăng trầm, khó nhọc đã tôi luyện tôi như ngày hôm nay. Cảm ơn những chuyến đi ngược xuôi của dòng đời đã đưa tôi đến những chân trời của địa cầu, tham quan thế gian để mở mang tầm mắt. Cảm ơn ba mẹ đã sanh thành, dưỡng dục và nuôi dưỡng những đức tính mà con có được. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi thực hiện được những việc muốn làm. (Hết)

(Chuyện ngày xưa – Chuyện ngày nay)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments