Saturday, November 23, 2024
No menu items!
spot_img
HomeHOA KỲCựu giám đốc tố Trung Cộng dùng dữ liệu từ TikTok để...

Cựu giám đốc tố Trung Cộng dùng dữ liệu từ TikTok để theo dõi người biểu tình Hong Kong

Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew, một người Singapore, kịch liệt phủ nhận việc chính quyền Trung Cộng có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng trong cuộc điều trần tại Hạ viện Mỹ ngày 23/3/2023. (AP)

Một cựu giám đốc điều hành của ByteDance, công ty Trung Cộng sở hữu ứng dụng TikTok, cho biết trong một vụ kiện rằng một số thành viên của Đảng Cộng sản Trung Cộng đã sử dụng dữ liệu do công ty ByteDance nắm giữ để xác định và định vị những người biểu tình ở Hong Kong.

Ông Yintao Yu, trước đây là giám đốc kỹ thuật cho ByteDance tại Hoa Kỳ, cho biết chính những người đó truy cập vào dữ liệu người dùng ở Hoa Kỳ, một cáo buộc mà công ty ByteDance phủ nhận.

Ông Yu, người đã làm việc cho ByteDance vào năm 2018, đã đưa ra các cáo buộc trong một vụ kiện gần đây về vụ sa thải sai trái được đệ trình vào tháng 5 tại Tòa án cấp cao San Francisco. Trong tài liệu đệ trình tòa án, ông cho biết ByteDance có chứng chỉ “siêu người dùng” – còn được gọi là chứng chỉ thần thánh – cho phép một ủy ban đặc biệt gồm các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc tại công ty xem tất cả dữ liệu do ByteDance thu thập, bao gồm cả dữ liệu của người dùng ở Hoa Kỳ.

Hồ sơ vụ kiện nói rằng chứng chỉ này hoạt động như “cửa hậu cho bất kỳ rào cản nào mà ByteDance được cho là đã cài đặt để bảo vệ dữ liệu khỏi sự giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Hong Kong là một khu vực bán tự trị ở Trung Cộng có chính quyền riêng. Trong những năm gần đây, sau các cuộc biểu tình rầm rộ vào năm 2014 và 2019, thuộc địa cũ của Anh đã bị Bắc Kinh kiểm soát sâu rộng hơn.

Ông Yu nói ông thấy chứng chỉ thần thánh này được sử dụng để theo dõi những người biểu tình và nhà hoạt động dân quyền ở Hong Kong bằng cách giám sát vị trí và thiết bị, thông tin mạng, nhận dạng thẻ SIM, địa chỉ IP và thông tin liên lạc của họ.

ByteDance cho biết trong một tuyên bố rằng những lời cáo buộc của ông Yu là “vô căn cứ”.

“Chẳng hiểu sao ông Yu chưa bao giờ đưa ra những cáo buộc này trong 5 năm kể từ khi công việc của ông ấy cho Flipagram bị chấm dứt vào tháng 7 năm 2018,” công ty nói, đề cập đến một ứng dụng mà ByteDance sau đó đã đóng vì lý do kinh doanh. “Hành động của ông này rõ ràng là nhằm thu hút sự chú ý của giới truyền thông.”

ByteDance nói: “Chúng tôi có kế hoạch phản đối mạnh mẽ những gì chúng tôi tin là những tuyên bố và cáo buộc vô căn cứ trong đơn kiện này.”

Ông Charles Jung, luật sư của Yu và là đối tác tại công ty luật Nassiri & Jung, cho biết ông Yu quyết định đưa ra các cáo buộc vì ông “bất bình khi nghe lời khai gần đây của Giám đốc điều hành TikTok trước Quốc hội” khi ông Shou Zi Chew, một người Singapore, kịch liệt phủ nhận việc chính quyền Trung Cộng có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng.

“Nói sự thật một cách công khai trước tòa là nguy hiểm, nhưng sự thay đổi xã hội đòi hỏi sự can đảm để nói sự thật,” ông Jung nói. “Đối với ông ấy, điều quan trọng là chính sách công phải dựa trên thông tin chính xác, vì vậy ông ấy quyết tâm kể câu chuyện của mình.”

TikTok đang bị soi kỹ ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới về cách ứng dụng này xử lý dữ liệu và liệu nó có gây ra rủi ro an ninh quốc gia hay không. Một số nhà lập pháp Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng mối liên hệ của TikTok với ByteDance có nghĩa là dữ liệu mà nó nắm giữ phải tuân theo luật pháp Trung Cộng.

Họ cũng cho rằng ứng dụng có hơn 150 triệu người dùng hàng tháng ở Hoa Kỳ và hơn một tỷ người dùng trên toàn thế giới, có thể được sử dụng để mở rộng ảnh hưởng của Trung Cộng.

Trong phiên điều trần gay gắt tại Hạ viện Mỹ hồi tháng Ba vừa qua, các nhà lập pháp của cả hai đảng đã chất vấn ông Chew về mối quan hệ bị cáo buộc của công ty với Bắc Kinh, về bảo mật dữ liệu và nội dung có hại trên ứng dụng TikTok. Ông Chew liên tục phủ nhận việc TikTok chia sẻ dữ liệu người dùng hoặc có bất kỳ mối quan hệ nào với chính quyền Trung Cộng.

Để xoa dịu những lo ngại như vậy, TikTok đã nói rằng họ sẽ hợp tác với Oracle để lưu trữ tất cả dữ liệu của Hoa Kỳ trong nước Mỹ.

Trong một vụ kiện trước đó, ông Yu đã cáo buộc ByteDance đóng vai trò là “công cụ tuyên truyền” cho Đảng Cộng sản Trung Quốc bằng cách quảng bá nội dung mang tính dân tộc chủ nghĩa và hạ cấp nội dung không phục vụ mục tiêu của đảng. Ông cũng nói rằng ByteDance đã đáp ứng các đòi hỏi chia sẻ thông tin của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Yu cũng cáo buộc ByteDance lấy nội dung từ các đối thủ cạnh tranh và người dùng để đăng lại trên các trang web của mình nhằm phóng đại các chỉ số tương tác chính. Ông nói ông bị sa thải vì chia sẻ những lo lắng của mình về “hành vi sai trái” mà ông đã thấy với những người khác trong công ty.

Tại Trung Hoa lục địa, ByteDance vận hành Douyin, nhắm đến thị trường nội địa. TikTok là ứng dụng toàn cầu có mặt ở hầu hết các quốc gia. Nó cũng có mặt ở Hong Kong cho đến khi TikTok rút khỏi thị trường Hong Kong vào năm 2020 sau khi luật an ninh quốc gia được áp dụng sâu rộng.

Bất kỳ ai cố gắng mở TikTok từ bên trong Hong Kong sẽ thấy thông báo: “Chúng tôi rất tiếc phải thông báo với bạn rằng chúng tôi đã ngừng vận hành TikTok ở Hong Kong”. (VOA)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments