Sunday, November 24, 2024
No menu items!
spot_img
HomeThế GiớiCuộc chiến Ukraine: Những thách thức trong việc đào tạo phi công...

Cuộc chiến Ukraine: Những thách thức trong việc đào tạo phi công F-16

Phương Tây nay có kế hoạch đào tạo phi công Ukraine sử dụng chiến đấu cơ F-16

  • Jonathan Beale – Vai trò, Phóng viên quốc phòng, Na Uy

Các đồng minh phương Tây chuẩn bị công bố kế hoạch đào tạo phi công Ukraine lái những chiếc F-16 do Hoa Kỳ sản xuất khi họ nhóm họp tại Brussels trong hôm nay.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ quốc gia nào sẽ sẵn lòng cung cấp những chiếc máy bay phản lực này, cung cấp bao nhiêu chiếc, hoặc thậm chí là khi nào thì cung cấp.

Việc cung cấp cho Ukraine các chiến đấu cơ F-16 sẽ “không phải là viên đạn bạc” hay là “cách khắc phục nhanh chóng”, người đứng đầu Không Lực Na Uy cho biết. Thiếu tướng Rolf Folland nói cần có thời gian để Ukraine bồi đắp được năng lực vận hành các chiến đấu cơ phản lực của phương Tây, được trang bị vũ khí phức tạp.

Chúng tôi gặp nhau tại một cuộc tập trận lớn trên không của đồng minh đang diễn ra ở Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển. Cuộc tập trận có sự tham gia của 150 chiến đấu cơ – nhiều hơn nhiều so với số máy bay của toàn bộ Không Lực Ukraine.

Để giành được ưu thế trên không đòi hỏi một mức độ quy mô và tinh vi mà Ukraine sẽ không thể sao chép được. Thậm chí chỉ việc cung cấp một phi đội nhỏ F-16 cũng có thể là một thách thức lớn.

Pulse, một phi công người Bỉ, đã mất ba năm để điều khiển thành thạo chiếc F-16 của mình. Chúng tôi được yêu cầu dùng dấu hiệu cuộc gọi chứ không dùng tên thật của anh.

Ông cho chúng tôi xem chiếc F-16 của mình, được thiết kế ban đầu vào cuối thập niên 1970, rất lâu trước khi ông chào đời.

“Nó bay như một giấc mơ vậy”, ông nói. “Nhưng bay là phần dễ nhất. Những phần còn lại thì khó hơn.”

Những phần này bao gồm học cách vận hành radar, các thiết bị cảm ứng và vũ khí của chiếc F-16.

Ukraine, quốc gia hiện có nhiều phi công hơn máy bay, hy vọng sẽ rút ngắn thời gian đào tạo đó xuống còn vài tháng.

Pulse thấy việc cung cấp máy bay phương Tây cho Ukraine là điều hợp lý. Ông chỉ vào các thứ vũ khí trên chiếc F-16 của mình: tên lửa không đối không để tiêu diệt máy bay địch và bom để đánh phá các mục tiêu dưới đất.

“Điều đó rất quan trọng,” Pulse nói, “bởi vì với chiếc máy bay này thì ta có thể sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào trong kho của NATO.”

Nhưng sau đó là câu hỏi về việc duy trì bảo dưỡng các máy bay phản lực này.

Không quân Na Uy, giống như các lực lượng khác ở châu Âu, đã chuyển đổi sang F-35 hiện đại hơn. Vì vậy, về lý thuyết là họ có F-16 để cho Ukraine.

Tại căn cứ không quân Orlando, họ sử dụng hai chiếc F-16 cũ để huấn luyện các kỹ sư chuyên sửa chữa bảo trì máy bay. Điều đó có thể mất một năm – thậm chí lâu hơn đối với một kỹ thuật viên máy bay cấp cao.

“Bạn không thể giao một chiếc chiến đấu cơ và nói rằng đây, quý vị dùng đi!” Đại tá Martin Tesli, chỉ huy căn cứ và là cựu phi công F-16, nói.

Ông nói rằng vấn đề hậu cần theo sau là rất lớn – phụ tùng thay thế, phần mềm và vũ khí. Nhưng ông cũng hiểu sự cần thiết phải hiện đại hóa đội máy bay phản lực cũ thời Liên Xô của Ukraine.

“Tới một lúc nào đó, nếu họ không được cung cấp máy bay khác thì họ sẽ không có lực lượng không quân để tự vệ.”

Justin Bronk từ học viện Royal United Services Institute (Học viện Hoàng gia Các Dịch vụ Thống nhất) cho biết Ukraine có thể sẽ cần sự giúp đỡ của các nhà thầu phương Tây để duy trì hoạt động của những chiếc F-16 nào. Câu hỏi rõ ràng ở đây, đó là là quốc gia nào sẵn sàng chấp nhận những rủi ro rõ ràng khi đưa công dân của họ vào vị trí đó?

Giáo sư Bronk nói thêm rằng Nga nhiều khả năng sẽ nhắm mục tiêu vào các căn cứ không quân của Ukraine nhiều hơn nếu như Kyiv được cung cấp máy bay phản lực của phương Tây.

Đây là những lý do chính đáng, giải thích tại sao Hoa Kỳ từ lâu nay chống lại áp lực quanh việc cần cung cấp F-16 từ Ukraine. Vấn đề không phải là lo ngại về sự leo thang mà là về tính thực tiễn của việc vận hành và bảo dưỡng máy bay phản lực. Lầu Năm Góc cảnh báo rằng việc này sẽ vừa phức tạp vừa tốn kém.

Việc cung cấp cho Ukraine các chiến đấu cơ của phương Tây nhiều khả năng cũng không làm thay đổi đáng kể cuộc chiến trên thực địa.

Trung tá Neils Van Hussen, cựu phi công F-16 của Không Lực Hoàng gia Hà Lan, nói rằng “không một hệ thống vũ khí nào có thể thay đổi một cuộc chiến lớn”. Ông tin rằng những chiếc F-16 sẽ đơn giản mang lại cho Ukraine “khả năng duy trì những gì họ đang làm hiện nay”.

Thực tế của cuộc chiến này là ngay cả Nga, với lực lượng không quân hùng hậu, cũng không thể chiếm ưu thế trên bầu trời. Các hệ thống phòng không trên mặt đất đang giúp ngăn chặn, không để điều đó xảy ra.

Việc cung cấp cho Ukraine nhiều hệ thống phòng không hơn sẽ tiếp tục là ưu tiên trước mắt của phương Tây. Xây dựng lại lực lượng không quân là mục tiêu dài hạn (BBC).

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments