Nguồn hình ảnh, Reuters – Prigozhin (trái) từng có hợp đồng phục vụ thức ăn từ Putin (giữa), thậm chí còn được đặt biệt danh là ‘đầu bếp của Putin’
Cuộc binh biến của nhóm lính đánh thuê Wagner cho thế giới thấy rằng, những nhân vật chủ chốt trong hệ thống chuyên quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin không còn đoàn kết nữa.
Chỉ vài ngày sau cuộc binh biến có vũ trang toàn diện đầu tiên ở nước Nga của Putin, Vladimir Putin chịu thiệt hại – nhưng chỉ huy lính đánh thuê Wagner-Yevgeny Prigozhin, cũng gánh chịu tương tự.
Chuyện gì đã xảy ra?
Căng thẳng giữa Yevgeny Prigozhin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga lên đến đỉnh điểm vào thứ Sáu và thứ Bảy, khi người đứng đầu Wagner yêu cầu giới lãnh đạo quân sự của Nga từ chức và lệnh cho quân đội của ông tiến hành “cuộc diễu hành của công lý” tới Moscow.
Cuộc binh biến kết thúc đột ngột như cách nó bắt đầu. Sau khi lực lượng Wagner chiếm được Rostov-on-Don, và tấn công ồ ạt một số khu vực trên đường đến thủ đô, Prigozhin được nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko gọi và quyết định rút lui.
Hôm thứ Hai, người đứng đầu Wagner đã công bố một đoạn ghi âm khẳng định ông không có ý định lật đổ chính phủ của Vladimir Putin – và tuyên bố rằng nó [cuộc binh biến] bị dẹp bỏ để tránh đổ máu.
Với chuỗi sự kiện diễn ra thần tốc – và sự trở lại nguyên trạng thậm chí còn thần tốc hơn, nhiều người cho rằng cuộc nổi loạn đã được dàn dựng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra rằng đó là thiệt. Nhà khoa học chính trị kiêm giáo sư tại Đại học Châu Âu ở St Petersburg, Vladimir Gelman, nói: “Rất khó để dàn dựng những sự kiện như vậy. Điều đó đòi hỏi kỹ năng chỉ đạo và diễn xuất tốt từ những người chưa từng thể hiện chúng ở nơi nào khác.”
Ủng hộ dành cho Prigozhin
Học giả nghiên cứu-Yevgeny Roshchin của Princeton nói rằng cuộc binh biến của Prigozhin cho thấy sự chia rẽ trầm trọng trong giới tinh hoa Nga, nơi quân đội đóng vai trò nổi bật, dù không phải là một tác nhân độc lập.
Prigozhin, một doanh nhân có quá khứ phạm tội, đã có thể xây dựng một công ty quân sự tư nhân bậc nhất với các thành viên có kinh nghiệm tác chiến, Roshchin, một học giả nghiên cứu cho biết.
“Rõ ràng là một số đơn vị quan trọng nhất của Wagner được lãnh đạo bởi các sĩ quan có uy tín,” Roshchin nói. “Và giành được sự ủng hộ của họ đã là một vấn đề lớn đối với ai đó thuộc giới làm ăn và chính phủ. Vì vậy, đây không chỉ là câu chuyện của Prigozhin. Đó là về sự ủng hộ dành cho ông Prigozhin trong giới sĩ quan.”
Ông nói thêm rằng một số sĩ quan này sẽ có liên hệ với Bộ Quốc phòng (MoD), tình báo và các nhóm quyền lực khác, nơi tập trung sự bất mãn với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và tình trạng của quân đội Nga.
Theo Gelman, sắc lệnh gần đây của Shoigu – rằng tất cả binh lính chiến đấu dưới quyền của Wagner ở Ukraine phải ký hợp đồng với MoD – có thể là động cơ thúc giục cuộc binh biến của Prigozhin.
Sắc lệnh này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ thủ lĩnh lính đánh thuê, người đã tuyên bố: “Không một chiến binh nào của Wagner sẽ đi theo con đường đáng xấu hổ này – sẽ không có chuyện hợp đồng.”
Gelman nói: “Điều này sẽ không thể chấp nhận được đối với Prigozhin. Về cơ bản, ông ấy sẽ mất quyền tự chủ và các lực lượng phụ thuộc của ông ấy sẽ nằm dưới sự kiểm soát của MoD. Ông ấy sẽ mất một phần đáng kể nguồn lực và sức ảnh hưởng chính trị của mình.”
Tuy nhiên, nếu cuộc nổi loạn của Prigozhin được thúc đẩy bởi mong muốn bảo vệ những gì ông đã xây dựng, thì ông đã thất bại. Như Điện Kremlin đã thông báo vào thứ Bảy, những lính đánh thuê Wagner không tham gia vào cuộc binh biến sẽ ký hợp đồng với MoD.
‘Không thể tiếp tục như thế này’
Theo Grigory Yudin, giáo sư tại Đại học Shaninka ở Moscow, với cuộc binh biến của Prigozhin, sự bất mãn đang hình thành trong các tầng lớp xã hội Nga đã lên đến đỉnh điểm. Ông nói rằng sự bất mãn bắt nguồn từ cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” không thể tiếp tục khả thi nữa ở tình hình hiện tại.
“Có những yếu tố tranh luận chính trị khác nhau xoay quanh Prigozhin. Có diễn ngôn quân phiệt cực đoan: không thể tiếp tục như thế này, chúng ta phải tiếp tục cuộc chiến một cách có tổ chức và quyết liệt hơn. Và sau đó là diễn ngôn kiến tạo hòa bình: nó có thể “Đừng tiếp tục như thế này, chúng ta nên thương lượng, nhất là khi rõ ràng là chúng ta khó có thể chiến đấu,” Yudin giải thích.
Đồng thời, Yudin cho rằng còn quá sớm để coi hành vi của Prigozhin là một nỗ lực nhằm chấm dứt chiến tranh. Ông lập luận rằng tất cả những gì nó cho thấy là sự hoài nghi ngày càng tăng trong lòng xã hội Nga đối với cuộc xâm lược Ukraine.
“Về phần Putin, ông ấy đã liên tục trong suốt một năm rưỡi, kể cho mọi người cùng một câu chuyện cổ tích. Và cảm xúc chung là mọi thứ không thể tiếp diễn như thế này. Đó là điều mà Prigozhin đã diễn dịch rất rõ.”
Vì sao Wagner hành quân đến Moscow lại gặp rất ít sự phản kháng?
Khi bắt đầu hành quân đến Moscow, Wagner đã tiến vào Rostov-on-Don gần như không gặp cản trở. Ở đó, như Prigozhin kể lại, họ đã chiếm được trụ sở của Cụm lực lượng phía Nam, và đoàn quân này đã đi qua một số khu vực của Nga mà không gặp bất kỳ sự phản kháng đáng kể nào.
“Tất nhiên, điều này sẽ bị ngăn chặn nếu Nga có một đội quân tập trung, có tổ chức và đội quân đó không đang đi chiếm lãnh thổ của nước láng giềng,” Yudin lập luận.
Chúng ta có thể kết luận được gì?
Gelman, giáo sư tại Đại học Châu Âu ở St Petersburg, tin rằng các sự kiện cuối tuần qua là bằng chứng cho thấy sự suy tàn sâu sắc của nhà nước Nga.
Gelman cho biết Nga đã thuê ngoài các nguồn lực đáng kể cho một cá nhân và giữ cho ông ta hoạt động trong nhiều năm. “Thông thường, [các công ty quân sự tư nhân] đang hoạt động ở xa biên giới của chính quốc gia đó, người ta thường đinh ninh rằng nhà nước kiểm đang soát họ.
“Nhưng ở nước Nga ngày nay, Wagner đã giành được quyền kiểm soát nhà nước, cạnh tranh trực tiếp với nhà nước và thậm chí đặt ra các điều khoản.”
Vẫn chưa rõ Prigozhin đã được hứa hẹn gì để đổi lại việc ngăn chặn lực lượng của ông ta trên đường tiến tới Moscow và điều họ đến một quân trại. “Vâng, nhà nước đã tìm ra các điều khoản phù hợp để ngăn chặn nhóm lính đánh thuê nắm quyền kiểm soát. Nhưng đó vẫn là một dấu hiệu đáng báo động về chức năng của nhà nước,” Gelman cảnh báo.
Ai thắng ai thua?
Ai cũng thua, Gelman khẳng định. “Putin đã cho thấy rằng ông ấy đã mất quyền kiểm soát trong một thời gian… Prigozhin đã quá bạo tay và bị đưa trở lại đúng vị trí của mình.”
Ông cũng lưu ý rằng các chỉ huy quân sự Nga – Shoigu và Gerasimov đã vô hình trong suốt cuộc đối đầu. Ông ấy nói điều này “hoàn toàn làm mất uy tín của chính họ, ngay cả với cấp dưới của họ.”
Tuy nhiên, Giáo sư Yudin, tại Đại học Shankia ở Moscow, nói rằng cuộc so găng giữa Prigozhin và giới lãnh đạo Nga không thể coi là đã dàn xếp êm xuôi.
Nhà phân tích chính trị Nikolai Petrov nói Putin trông yếu thế hơn trong mắt xã hội sau cuối tuần trước.
Học giả nghiên cứu của Princeton, Yevgeny Roschin, nói rằng cuộc binh biến của Prigozhin cho thấy sự chia rẽ trầm trọng trong giới tinh hoa Nga, nơi quân đội đóng vai trò nổi bật nhưng không phải là một tác nhân độc lập.
“Putin và chính quyền của ông ta từng ‘nuôi sống’ tất cả các bên chủ chốt bằng những xung đột nhỏ. Và sau đó bạn có một người nào đó bên trong nhóm thân tín bất chấp tất cả các quy tắc bất thành văn, chơi hết vốn liếng. Và đối với tôi, điều đó cho thấy sự chia rẽ trong giới tinh hoa đang sâu sắc hơn. Tất cả những gì Prigozhin đã làm là đưa ra tiếng nói đó.”
Chuyên gia an ninh người Anh, Edward Lucas, cảnh báo rằng sự suy yếu của Putin có thể dẫn đến “thời kỳ cam go”.
“Chúng ta có thể phải đối phó với một nước Nga nguy hiểm, khó lường trong ít nhất 10 năm. Thậm chí sẽ không có sự chắc chắn ở mức độ trên mặt mà chúng ta có với việc Putin nắm quyền.”
Hiệu đính bởi Biên tập viên tiếng Nga của BBC, Famil Ismailov BBC).