Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2023 vào hôm nay 04/06, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc nói một cuộc xung đột với Mỹ sẽ là “một thảm họa quá sức chịu đựng” cho thế giới, và quốc gia của ông tìm cách đối thoại thay cho đối đầu, theo tường thuật từ Reuters.
Trong bài phát biểu tại Singapore, ông Lý nói rằng thế giới đủ rộng lớn để Trung Quốc và Mỹ cùng nhau phát triển, bình luận này được đưa ra vài ngày sau khi ông từ chối gặp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin để đàm phán trực tiếp.
“Trung Quốc và Mỹ có những hệ thống khác nhau và khác biệt theo nhiều cách thức,” ông Lý nói trong bài phát biểu quan trọng trước quốc tế lần đầu tiên, kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc hồi tháng Ba.
“Tuy nhiên, điều này không nên ngăn cản hai bên tìm kiếm nền tảng và lợi ích chung để cùng phát triển mối quan hệ song phương và làm sâu sắc sự hợp tác,” ông nói. “Không thể phủ nhận một cuộc xung đột hay đối đầu nghiêm trọng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là một thảm họa quá sức chịu đựng cho thế giới.”
Trong đồng phục của lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, bài phát biểu của ông Lý trùng với thời điểm kỷ niệm 34 năm ngày ngày xảy ra Cuộc Thảm sát Thiên An Môn 1989.
Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã xấu đi liên quan đến một loạt các vấn đề, bao gồm hòn đảo theo thể chế dân chủ Đài Loan, các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và lệnh hạn chế xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc do Tổng thống Joe Biden ban hành.
Trong bối cảnh các đại biểu tại Đối thoại Shangri-La tranh luận về các nguy cơ xảy ra sự cố và những tính toán sai lầm trong bối cảnh gia tăng căng thẳng, hải quân Mỹ cho biết một tàu khu trục của Trung Quốc đã di chuyển “không an toàn” gần một tàu chiến Mỹ ở eo biển Đài Loan vào ngày thứ Bảy 03/06, nhấn mạnh đến những nguy hiểm từ vụ việc.
Quân đội Trung Quốc chỉ trích Mỹ và Canada vì “cố tình kích động rủi ro” sau khi các tàu chiến của hai quốc gia này cùng tiến hành một sứ mệnh di chuyển chung hiếm có, ngang qua vùng eo biển nhạy cảm Đài Loan.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ nói rằng các tàu của Mỹ và Canada đang hoạt động thường nhật và theo những sự tự do trên biển cả.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand nói Canada sẽ tiếp tục di chuyển nơi luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm eo biển Đài Loan, và “các quốc gia trong khu vực phải cùng tham gia có trách nhiệm”.
Trong bài phát biểu, ông Lý nói Trung Quốc sẽ không cho phép các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ và các đồng minh trở thành “một tiền đề thực thi quyền bá chủ hàng hải.”
Sau phát biểu của mình, các học giả trong khu vực đã liên tục hỏi ông Lý về vụ việc cũng như Trung Quốc gia tăng các hoạt động trên vùng Biển Đông có tranh chấp lãnh hải. Ông Lý đã không trả lời trực tiếp, và nói rằng các bước đi của những quốc gia ngoài khu vực này đang làm căng thẳng gia tăng.
Richard Marles, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc nói các nỗ lực của quốc gia ông nhằm cải thiện năng lực quân sự và sự hiện diện trong khu vực là nhằm mục tiêu “đóng vai trò đóng góp cho nền an ninh chung của Thái Bình Dương và duy trì một trật tự dựa trên luật pháp”.
“Đây là luận điểm mà chúng tôi liên tục gửi đến khu vực và thế giới kể từ khi công bố lộ trình tối ưu để đạt được năng lực tàu ngầm hạt nhân,” ông Richard Marles trả lời bên lề cuộc họp an ninh, đề cập đến hiệp ước Aukus giữa Úc với Mỹ và Anh Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đáp trả Trung Quốc trong bài phát biểu tại Shangri-La hôm thứ Bảy 03/06 vì đã từ chối tiến hành các cuộc đối thoại quân sự, khiến hai cường quốc này bị mắc kẹt trong sự khác biệt.
Ông Austin nói cuộc đối thoại “không phải là phần thưởng, mà là sự cần thiết”.
Ông Lý đã có sự kiềm chế hơn trong bài phát biểu của mình, mặc dù cũng có những ám chỉ không rõ ràng về Mỹ, với lời cáo buộc “một vài quốc gia” đang gia tăng cuộc chạy đua vũ trang và cố tình can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước khác.
“Tâm lý Chiến tranh Lạnh hiện đang trỗi dậy, làm gia tăng đáng kể các rủi ro an ninh,” ông Lý nói. “Nên tôn trọng lẫn nhau hơn là lối bắt nạt và bá quyền.”
Ông Lý, cá nhân nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ vào năm 2018 liên quan đến việc mua Trung Quốc vũ khí từ Nga, đã bắt tay với người đồng cấp Mỹ Austin vào bữa ăn tối ngày thứ Sáu 02/06, nhưng cả hai chưa có cuộc thảo luận sâu hơn, mặc cho phía Mỹ thường xuyên lặp lại yêu cầu có thêm những cuộc trao đổi về quân sự.
Bên cạnh những bài phát biểu và thảo luận, giới chức tình báo cấp cao từ hai phía đã tham dự một cuộc họp kín tại Singapore bên lề Đối thoại Shangri-La, theo nguồn tin độc quyền từ Reuters hôm nay.
Sau bài phát biểu của ông Lý, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, nhà ngoại giao có thâm niên Thôi Thiên Khải kêu gọi Mỹ giảm các cuộc triển khai quân sự gần Trung Quốc, một hành động được xem là “thiên chí” nếu các cuộc hội đàm quốc phòng cấp cao giữa hai siêu cường có thể được bắt đầu trở lại.
Trương Gia Dĩnh (Chong Ja Ian), nhà khoa học chính trị từ Đại học Quốc gia Singapore nói cách tiếp cận và giọng điệu của ông Lý dường như nhẹ nhàng hơn lập trường của phía Trung Quốc trong các cuộc họp thượng đỉnh trước đó, nhưng “nội dung vẫn không có gì thay đổi”.
“Đây là một sự phản ánh khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc, cho thấy bất kỳ hy vọng về một giải pháp nào đó đều là ngây thơ. Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ còn kéo dài,” ông Trương bình luận với Reuters. (BBC)