Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm, Công an tỉnh Đắk Lắk, lực lượng đặc nhiệm Quân khu 5 phối hợp triển khai phương án vây bắt những người tình nghi tham gia vụ nổ súng
Bộ Công an Việt Nam mới đây xác định vụ nổ súng ở hai trụ sở UBND xã tại huyện Cư Kui, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6 là hoạt động khủng bố có tổ chức bao gồm thành viên thuộc một tổ chức có trụ sở ở Mỹ.
Vụ nổ súng của hai nhóm gồm khoảng 40 người và hai trụ sở xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kui đã khiến chín người thiệt mạng gồm bốn công an, hai cán bộ xã và ba dân thường, theo số liệu do Bộ Công an công bố.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Công an cho biết đã có 74 người tình nghi bị bắt giữ bao gồm tất cả những người cầm đầu vụ tấn công.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước do Liên Hợp quốc tổ chức tại New York (Mỹ) hôm 20/6, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) nói trong số những người bị bắt có “đối tượng là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công.”
Tuy nhiên ông Phạm Ngọc Việt không nêu cụ thể tổ chức ở Mỹ này là tổ chức nào.
Trong một hội nghị do Ban Tuyên giáo tổ chức hôm 16/6 vừa qua, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an, được báo Nhà nước dẫn lời nói rằng, theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân do âm mưu của các thế lực thù địch, một số đối tượng FULRO lưu vong kích động một số người dân tộc thiểu số chia rẽ người Kinh với dân tộc thiểu số gây mất trật tự và gây tiếng vang ở nước ngoài.
Đài Á Châu Tự Do đã liên hệ với một số tổ chức người Thượng tại nước ngoài và được họ xác định không có liên quan đến vụ tấn công, thậm chí lên án bạo lực.
Người đại diện Bộ Công an khẳng định tại hội nghị quốc tế mới đây rằng:
“Đây là hoạt động khủng bố có tổ chức, được trang bị các loại vũ khí; hành vi rất manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính. Việt Nam mạnh mẽ lên án các cá nhân, tổ chức đã dung túng, hậu thuẫn, chỉ đạo cũng như số đối tượng đã trực tiếp gây ra vụ việc này; đồng thời, kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong điều tra vụ việc cũng như đấu tranh đối với các hoạt động tương tự.”
Trong bài phát biểu này, người đại diện Bộ Công an đã nêu ra bốn nguy cơ khủng bố ở Việt Nam bao gồm: Việt Nam có các mục tiêu bị khủng bố quan tâm, như trụ sở ngoại giao nước ngoài; nguy cơ từ dòng phiến quân IS dịch chuyển về Đông Nam Á từ Trung Đông; các nhóm khủng bố, bạo lực cực đoan triệt để lợi dụng sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội truyền bá chủ nghĩa cực đoan trên toàn thế giới; các tổ chức phản động lưu vong người Việt, các phần tử theo chủ nghĩa cực đoan lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo trú chân tại một số quốc gia thiết lập cơ sở, chân rết, tổ chức huấn luyện cho số đối tượng trong nước và cử người xâm nhập Việt Nam chỉ đạo thực hiện hành động khủng bố ở Việt Nam (RFA).