Thursday, July 4, 2024
No menu items!
spot_img
HomeBình LuậnBẻ gãy UNCLOS trên Biển Đông, Trung Cộng làm càn

Bẻ gãy UNCLOS trên Biển Đông, Trung Cộng làm càn

Bình luận của Hoàng Thành

Tàu Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10) của Trung Cộng cùng với đoàn tàu hộ tống gồm các tàu hải cảnh và dân quân biển, cuối cùng đã rời vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam sau 28 ngày liên tục “cày nát” trong vùng nước này. Thông tin được loan báo khi Đối thoại an ninh thường niên Shangri-La (SLD20) vừa kết thúc.

_________

Trung Cộng cướp Hoàng Sa và quậy phá xung quanh Trường Sa của Việt Nam kéo dài hàng chục năm có lẻ. Theo các chuyên gia, tranh chấp ở vùng biển Tư Chính, Vũng Mây này, nếu nhìn từ lịch sử, bắt nguồn từ năm 1993, đến nay đã là 30 năm, và nên biết rằng cuộc khủng hoảng năm 1993 từng rất nghiêm trọng, vì Bắc Kinh cho đấu thầu khai thác ngay trên vùng biển ấy. Việt Nam phải đưa tàu hải quân “Quang Trung” ra đuổi họ mới rút (1). Lần này, tình hình nghiêm trọng không kém, đến mức Nhà nước buộc phải cho báo chí công khai tố cáo những hành động táo tợn của Trung Cộng ngay trong vùng độc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Ngày 27/5, Tuổi Trẻ “chạy” bài gây chấn động “Trung Cộng âm mưu gì ở Biển Đông?” Lý lẽ chất vấn khá gay gắt phản ánh sự bức xúc bao trùm trong công luận. (2)

++Việt Nam “lẫn lộn” đến bao giờ?

Về báo chí truyền thông, phải ghi nhận thời gian qua, Việt Nam phản ứng khá nhậy bén. Báo “lề phải” nào cũng được phép “còi to cho vượt” cùng một nội dung đã được “trên” duyệt. Tuy nhiên, nhìn về phương diện Nhà nước thì phản ứng vừa thiếu, lại vừa yếu, như bao “chuyện thường ngày ở huyện”. Ngày 3/6, trong khuôn khổ Đối thoại an ninh quốc phòng Shangri-La lần thứ 20, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tướng Hoàng Xuân Chiến đã có cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Cộng Lý Thượng Phúc. Chắc gặp cũng chỉ để “bắt tay”, vì không thấy các bên ngồi vào bàn để nói chuyện. Nhắc đến nội dung trao đổi giữa hai ông Thượng tướng, nghe buồn hẳn. Ông Chiến chuyển lời thăm hỏi của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và mời Bộ trưởng Lý Thượng Phúc thăm chính thức Hà Nội. Không thấy báo đưa “ông Lý vui vẻ nhận lời”, chỉ nghe Lý Thượng tướng nhấn mạnh quan hệ hợp tác quốc phòng hai nước tiếp tục thực hiện theo nhận thức chung đã được lãnh đạo cấp cao thống nhất, đặc biệt là sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (3)

Phải đánh giá thế nào đây? Lãnh đạo hai Bộ Quốc phòng Việt Nam và Trung Cộng coi chuyện Trung Cộng đang làm càn và quậy phá trong khu vực EEZ của Việt Nam từ tháng 3 trở lại đây là chuyện nhỏ? Hay Việt Nam không muốn “vạch áo cho người xem lưng” nên chỉ đưa tin là mời Tướng Lý sang Hà Nội để nói chuyện phải quấy? Cũng có thể rút kinh nghiệm xương máu của cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến – người từng bị Samdech Hun Sen đề nghị kỷ luật, vì bị cho là có lỗi với Phnom Penh dịp COVID tàn phá vùng biên giới hai nước – đành “ngậm miệng” để khỏi vạ lây. Chuyện Cựu Chủ tịch nước “bị trả về địa phương” ít người biết nguyên nhân sâu xa. Theo tin rò rỉ từ nội bộ, ông Phúc bị mất chức là vị “can tội quá hăng hái” trong việc ký thỏa thuận chồng lấn với Indonesia sau 12 năm đàm phán. Trung Cộng rất căm vụ này.

Trang mạng khá nhậy bén về các vấn đề đối ngoại của báo Nghệ An lần này đã dám phê phán chính sách bá quyền của Trung Cộng và âm mưu dùng các biện pháp “phi quân sự” để quậy phá nhằm độc chiếm Biển Đông. Đây là điểm son đáng ghi nhận (4). Tuy nhiên, trang mạng này vẫn mắc phải sai lầm cố hữu của các thế lực bảo thủ trong quân đội. Một mặt thừa nhận, Trung Cộng làm càn trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế. Nhưng mặt khác, lại đánh giá việc Mỹ đưa hàng không mẫu hạm và máy bay ném bom chiến lược tuần tra ở Biển Đông là gây căng thẳng và cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực. Một bên là xâm phạm các vùng EEZ của Việt Nam, bên kia là đưa lực lượng ra nhằm đối trọng lại các hành động xâm lấn ấy là hai hiện tượng khác nhau về bản chất. Không thể đánh đồng, không được phép “lẫn lộn” hành động xâm lược với các hoạt động chống lại những hành động xâm lấn ấy! (5)

++Luật pháp quốc tế – Công cụ hữu hiệu

Người dân Việt Nam chưa dám mơ, các nhà lãnh đạo đất nước có được tầm nhìn như các chính khách Phi Luật Tân. Việt Nam và Phi Luật Tân đều bị Trung Cộng chèn ép và bắt nạt trên Biển Đông như nhau. Với tinh thần khiêm tốn học hỏi, chúng ta phải thừa nhận Manila hiện đang đứng cao hơn Hà Nội mấy “cái đầu”. “Đứng cao hơn” ở đây là Manila đã biết khai thác tối đa bối cảnh quốc tế và khu vực – chưa bao giờ có những mặt thuận lợi như hiện nay (đương nhiên lúc nào cũng tồn tại những khó khăn phức tạp) – để phục vụ cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo (6). Phi Luật Tân đã tăng cường quan hệ với liên minh Mỹ-Nhật-Úc, bàn về các thỏa thuận quốc phòng mới, trong đó có vấn đề hợp tác trên Biển Đông. Phi Luật Tân cũng từng bị Trung Cộng bắt chẹt, không cho xuất khẩu chuối là mặt hàng chiến lược. Dân Phi thề ăn chuối thay cơm, chứ không chịu để cho Trung Cộng chèn ép.

Luật pháp quốc tế và môi trường quốc tế là những nhân tố Việt Nam cần phải tận dụng tối đa trong cuộc đối đầu về pháp lý với Trung Cộng. Trước cuộc gặp hôm 4/6 với các lãnh đạo Hà Nội, Thủ tướng Úc Albanese đã tuyên bố với các phóng viên rằng, Úc và Việt Nam có cùng quan điểm là các luật lệ hàng hải quốc tế cần phải được tôn trọng tại vùng Biển Đông. Ông khẳng định: “Chúng ta cần phải tôn trọng chủ quyền của các quốc gia trong khu vực và trên khắp thế giới”. Chuyến thăm của thủ tướng Úc diễn ra sau khi vào tuần trước Hà Nội cáo buộc tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Cộng và các tàu hải cảnh, tàu cá xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu tàu khảo sát của Trung Cộng rút khỏi vùng biển Việt Nam nhưng đã bị Trung Cộng phớt lờ, thậm chí phát ngôn viên Mao Ning còn trắng trợn tuyên bố, đấy là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Cộng. (7)

Thất vọng hơn, gần đây chúng ta chưa thấy Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có bất cứ tuyên bố nào lên án Trung Cộng trong các vụ vi phạm chủ quyền các vùng biển Việt Nam. Tiếp các quan khách nước ngoài, lần lượt có Thủ tướng Úc, hai đoàn Quốc hội Mỹ và đoàn do bà Tư lệnh Tuần duyên Mỹ dẫn đầu, Lãnh đạo Việt Nam không hề đề cập đến các vi phạm của Trung Cộng, ít nhất là theo báo Nhà nước. Trong khi các vị khách đều cam kết đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đông. Trả lời VNExpress về sự hiện diện của Tuần duyên Mỹ (USCG) trong khu vực có giúp được gì trong việc đối phó với tình trạng Trung Cộng gia tăng các hành động đánh bắt cá, thăm dò trái phép và đưa tàu hải giám vào vùng EEZ trong khu vực Biển Đông, mà điển hình như tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Cộng, bà nói: “Các quốc gia có thẩm quyền thực thi công lý trong lãnh hải của mình. USCG có vai trò liên kết với các lực lượng tuần duyên đối tác để giúp các quốc gia đủ khả năng hiện diện, kiểm soát trong vùng đặc quyền kinh tế. USCG giúp đỡ đào tạo các chuyên gia và phương cách giúp cho việc thực thi luật pháp cho lực lượng tuần duyên của các quốc gia đối tác trong khu vực”. (8)

500 đại biểu Quốc hội đang họp trong các phòng máy lạnh ở Ba Đình hầu như cũng chưa cảm nhận được sức nóng do việc tàu hải giám và hải cảnh Trung Cộng cùng các loại dân quân biển đã và đang dày xéo Bãi Tư Chính suốt cả tháng nay. Quốc hội chưa có phản ứng gì đối với hành động càn quấy của Trung Cộng. Giờ mới thấy cảnh báo trước đây của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa có tầm nhìn xa. Ông Nghĩa từng nhắc nhở Bộ ngoại giao, Viện Quan hệ Quốc tế phải rà soát kỹ về mặt công pháp quốc tế (9). Nói bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ là đúng nhưng chưa đủ, theo ông Nghĩa, phải bổ sung đầy đủ vào văn bản thêm phần “chủ quyền vùng biển và hải đảo”. Tương tự, việc gần đây Thủ tướng Phạm Minh Chính lên tận Vị Xuyên làm lễ dâng hương tại Nghĩa trang quốc gia là thông điệp đáng ghi nhận để động viên tinh thần yêu nước của muôn dân (10). Tuy nhiên, người viết bài này cùng chia sẻ với ý kiến của các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc đi dâng hương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nên đi thăm Văn phòng của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) ở Hà Nội và chỉ thị cho Bộ Ngoại giao yêu cầu Trung Cộng minh bạch hóa “yêu sách cấm biển” và chuẩn bị đưa việc làm vô thiên vô pháp của Trung Cộng ra trước Tòa án quốc tế. Trung Cộng nói rằng họ thực thi “quyền tài phán”, thì ít nhất Việt Nam phải yêu cầu họ làm rõ “quyền tài phán” đó của Trung Cộng xuất phát từ đâu? (11)

_______

Tham khảo:

1. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-needs-to-bring-china-to-international-court-06012023134012.html

2. https://tuoitre.vn/trung-quoc-am-muu-gi-o-bien-dong-20230527080913872.htm

3. https://www.vietnamplus.vn/doan-bo-quoc-phong-viet-nam-tham-du-doi-thoai-shangrila-lan-thu-20/866178.vnp

4. https://www.youtube.com/watch?v=1eEdZSymOK4

5. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/mistaking-us-for-china-is-to-support-enemy-07112020152937.html

6. https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Indo-Pacific/Philippines-to-step-up-ties-with-U.S.-Japan-Australia-coalition#

7. http://nz.china-embassy.gov.cn/eng/fyrbt/wjbfyr/202305/t20230526_11084484.htm

8. https://www.voatiengviet.com/a/tu-lenh-tuan-duyen-my-ket-thuc-chuyen-tham-viet-nam-cam-ket-dam-bao-an-ninh-hang-hai/7120152.html

9. https://www.youtube.com/watch?v=r0lTtuHHeeY

10. https://www.voatiengviet.com/a/tu-tuyen-bo-xa-hoi-dan-su-den-dang-huong-tuong-niem-o-vi-xuyen-/7118852.html

11. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-needs-to-bring-china-to-international-court-06012023134012.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Việt Nam Nhật Báo.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments