Hoa Kỳ và 5 đồng minh hôm thứ Sáu 9/6 lên án việc sử dụng các hoạt động thương mại tạo thành sự cưỡng ép kinh tế. Bản tuyên bố chung của 6 nước không nêu rõ tên của các quốc gia khác nhưng dường như nhắm vào Trung Cộng.
Úc, Anh, Canada, Nhật Bản và New Zealand cùng đưa ra tuyên bố với Hoa Kỳ, nhấn mạnh rằng “sự cưỡng ép kinh tế liên quan đến thương mại và các chính sách cũng như những hành xử phi thị trường” đe dọa hệ thống thương mại đa phương và “làm tổn hại đến quan hệ giữa các quốc gia”.
Tuyên bố được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo G7 hồi tháng trước đã nhất trí về một sáng kiến mới nhằm chống lại sự cưỡng ép kinh tế và cam kết hành động để đảm bảo rằng bất kỳ chủ thể nào cố gắng vũ khí hóa sự lệ thuộc kinh tế đều sẽ thất bại và phải đối mặt với hậu quả.
Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản và Canada cũng là thành viên của G7.
Các quốc gia này bày tỏ lo ngại về “việc bao cấp tràn lan”, các hành vi phản cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước, việc bắt buộc phải chuyển giao kỹ thuật và sự can thiệp của chính phủ vào quá trình ra quyết định của các công ty.
Washington đã thường xuyên nêu lên những lo ngại như vậy về các hoạt động thương mại của Bắc Kinh, và khi trao đổi với các phóng viên về tuyên bố chung, một quan chức thuộc văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã nêu ra việc Trung Cộng áp đặt lệnh cấm nhập cảng từ Litva sau khi Litva cho phép Đài Loan mở một văn phòng có chức năng như một đại sứ quán.
Trung Cộng, nước coi Đài Loan có chính quyền dân chủ là một phần lãnh thổ của mình, đã đình chỉ việc nhập cảng thịt bò, sữa và bia từ Litva vào năm ngoái.
Vào tháng 5, Bắc Kinh đã phản đối các tuyên bố của G7, bao gồm cả tuyên bố về cưỡng ép kinh tế, nói rằng Hoa Kỳ đang “cố gắng hết sức để dệt ra tấm lưới chống Trung Cộng ở thế giới phương Tây”.
Trong tuyên bố chung hôm 9/6, Hoa Kỳ và 5 đồng minh của họ cũng nêu lên những lo ngại về nạn cưỡng bức lao động.
“Chúng tôi cũng vô cùng lo ngại về việc sử dụng lao động cưỡng bức, bao gồm cả lao động cưỡng bức do nhà nước bảo trợ, trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tất cả các hình thức lao động cưỡng bức đều là sự xâm hại trắng trợn nhân quyền, cũng như các vấn đề kinh tế, và có mệnh lệnh đạo đức phải chấm dứt những cách hành xử này”, họ nói trong tuyên bố. (Reuters)