Hôm qua, Tuần duyên Mỹ cho biết đã ghi nhận được những âm thanh dưới nước tại khu vực nằm trong phạm vi tìm kiếm tàu lặn chở 5 người mất tích trên đường tham quan xác tàu Titanic.
Trưa 21.6 (giờ VN), lực lượng Tuần duyên Mỹ cập nhật trên Twitter thông tin một máy bay săn ngầm P-3 của Canada đã phát hiện âm thanh lạ tại vùng biển Bắc Đại Tây Dương, theo báo USA Today. Vì thế, nỗ lực tìm kiếm được chuyển hướng với mục tiêu định vị nguồn gốc phát ra những âm thanh này.
Với chiều dài 6,5 m, tàu lặn Titan thuộc quyền sở hữu của Công ty thám hiểm biển sâu OceanGate (trụ sở bang Washington) đã mất liên lạc sau khi rời tàu mẹ vào sáng 18.6 (giờ địa phương) để thám hiểm xác tàu Titanic ở độ sâu 3.810 m.
Ai đang ở trên tàu ngầm mất tích khi tham quan xác tàu Titanic?
24 giờ cuối cùng của tàu Titan
Tính đến sáng qua, các tàu và máy bay của Tuần duyên Mỹ, Hải quân Mỹ, lực lượng vũ trang Canada đã rà soát hơn 20.000 km2 diện tích vùng biển Bắc Đại Tây Dương, theo Reuters dẫn lời đại úy Jamie Frederick của Tuần duyên Mỹ. Trong đó, một chiếc Lockheed P-3 Orion của Canada đã thả các phao sonar xuống biển và từ đó phát hiện âm thanh trong lòng biển.
Tàu Horizon Arctic đưa thiết bị tìm kiếm của quân đội Mỹ tiến hành tìm tàu lặn Titan
Reuters
Dù Tuần duyên Mỹ chưa xác định được nguồn gốc âm thanh, Đài CNN dẫn nội dung một văn bản truyền tin nội bộ của chính phủ Mỹ cho biết các đội ngũ tìm kiếm nghe được những tiếng gõ đập theo tần suất 30 phút/lần. Khoảng 4 giờ sau, một thiết bị sonar khác vẫn tiếp tục ghi nhận được những tiếng gõ đập tương tự.
Việc bắt được tín hiệu âm thanh vào ngày thứ ba của nỗ lực tìm kiếm trong lúc sứ mệnh tìm kiếm và cứu hộ tàu lặn Titan bước vào 24 giờ cuối cùng trước khi dưỡng khí trên tàu cạn sạch. Theo thiết kế, tàu lặn Titan có thể hoạt động dưới nước tối đa 96 giờ, có nghĩa là 5 người trên tàu cần phải được giải cứu vào sáng 22.6 (giờ địa phương) trước khi ô xy trên tàu cạn kiệt.
Những trở ngại lớn
Theo yêu cầu của Hải quân Mỹ, một tàu nghiên cứu Pháp mang theo tàu lặn rô bốt đã lên đường đến khu vực để tham gia tìm kiếm. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo các đội ngũ tham gia sứ mệnh giải cứu đang đối mặt những thách thức lớn trong việc định vị tàu lặn Titan lẫn giải cứu những du khách trên tàu.
Reuters dẫn lời ông Alistair Greig, giáo sư về kỹ thuật hàng hải của Đại học London (Anh), cho biết trong trường hợp xảy ra sự cố khi lặn, tàu Titan nhiều khả năng sẽ thả những vật nặng để quay trở lại mặt nước. Tuy nhiên, thiếu đi sự liên lạc từ Titan, việc định vị một con tàu có kích thước cỡ xe tải nhỏ trong lòng Đại Tây Dương rộng lớn là điều khó thực hiện được. Bên cạnh đó, tàu lặn bị khóa kín từ bên ngoài, khiến những người bên trong vô phương thoát ra ngay cả khi con tàu nổi lên mặt biển thành công.
Nếu tàu Titan bị mắc kẹt trên thềm biển, nỗ lực giải cứu càng gian nan hơn do áp suất thủy tĩnh ở độ sâu hơn 3.800 m và trong điều kiện tăm tối của đáy biển sâu. Và chuyên gia về Titanic Tim Matlin nhận định rằng hầu như vô phương triển khai sứ mệnh “tàu ngầm giải cứu tàu lặn” trên thềm biển do tàu ngầm hạt nhân chủ yếu hoạt động ở độ sâu 300 m. Thậm chí trong trường hợp định vị được con tàu, đáy biển tại khu vực này có địa hình lởm chởm với nhiều đồi, hẻm núi.
Hải quân Mỹ cũng có phương tiện trục vớt vật thể trên thềm biển, nhưng tàu chở theo phương tiện này chỉ di chuyển ở tốc độ tối đa khoảng 30 km/giờ. Trong khi đó, xác tàu đắm Titanic nằm cách bờ biển Newfoundland (Canada) khoảng 600 km, và thời gian còn lại trên tàu lặn Titan không còn nhiều.
Thảm họa được cảnh báo trước
Báo The New York Times hôm qua dẫn nội dung một lá thư đến từ giới lãnh đạo ngành công nghiệp tàu lặn Mỹ vào năm 2018, theo đó bày tỏ lo ngại về quá trình thiết kế và đóng tàu lặn Titan của Công ty OceanGate. Hơn 30 người đã ký vào lá thư, bao gồm các nhà hải dương học, các giám đốc điều hành công ty vận hành tàu lặn và những nhà thám hiểm biển sâu. Lá thư đề cập việc OceanGate liên tục quảng cáo tàu Titan không những an toàn mà còn vượt xa các tiêu chuẩn theo quy định của ngành, nhưng trên thực tế con tàu không trải qua quá trình thẩm định rủi ro. Cũng trong năm 2018, OceanGate đã sa thải ông David Lochridge khỏi vị trí giám đốc phụ trách hoạt động hàng hải của công ty sau khi ông cảnh báo về sự an toàn của tàu lặn Tita (TN).