Tiến sĩ Đỗ Minh Thắng nhận xét mốc thời gian mà chính phủ Việt Nam đưa ra là khá “tham vọng”. Ông nói với BBC, việc loại bỏ điện than đồng nghĩa với việc phải có nguồn nhiệt điện khác thay thế để đảm bảo ổn định hệ thống.
“Câu hỏi đặt ra bây giờ chỉ là liệu điện khí hay hạt nhân sẽ đảm nhận vai trò đó. Với hiện trạng của Việt Nam, để có thể triển khai các nhà máy điện hạt nhân với sản lượng đủ để thay thế điện than trước năm 2040 có lẽ là quá gấp gáp”.
Để ổn định hệ thống khi loại bỏ nguồn điện than, câu hỏi đặt ra là liệu điện khí hay hạt nhân sẽ đảm nhận vai trò đó?
Ông Thắng phân tích rằng điện khí cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn vì theo dự báo khí sẽ còn hết trước than, đồng thời nói về tương lai dài hạn (sau 2050) thì có lẽ chỉ có hạt nhân mới đủ khả năng thay thế điện than.
Tương lai nào cho năng lượng tái tạo?
Hiện nay toàn thế giới đang đứng trước giai đoạn chuyển dịch năng lượng, khi mà các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ dần được thay thế bởi các nguồn năng lượng mới bền vững hơn, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Tiến sĩ Minh Thắng cho biết năng lượng tái tạo trong tương lai sẽ là một trong ba trụ cột chính trong cơ cấu nguồn điện.
Tuy nhiên do các đặc tính kỹ thuật của loại nguồn điện này mà nó không thể tồn tại và vận hành độc lập được, trừ khi có các phương án lưu trữ đi kèm, mà theo ông Thắng là tốn kém và không khả thi trên diện rộng với công nghệ hiện tại.
Những giải pháp khả thi mà chuyên gia này đề xuất là sử dụng điện gió ngoài khơi hoặc điện mặt trời.
“Không phải quốc gia nào cũng sở hữu một đường bờ biển dài và lãnh hải rộng lớn như Việt Nam. Đây là một lợi thế mà Việt Nam cần tận dụng”, ông nói.
Giải pháp thứ hai mà ông đề cập là điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà với mô hình tự sản tự tiêu, cũng là một giải pháp tốt để giảm phụ tải tại các thành phố lớn, lại tiết kiệm được chi phí truyền tải.
Chuyên gia ngành điện nhận định: “Một quốc gia không chuẩn bị tốt sẽ dẫn đến hậu quả mất an ninh năng lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và sản suất và đánh mất vị trí của mình trên bảng xếp hạng toàn cầu”.
Trước đó, trong một bài phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002 nhận xét: “Với tình hình thiếu điện như thế này thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng là một thách thức, và mục tiêu tăng trưởng 6,5% GDP năm nay có đạt được hay không cũng còn là một câu hỏi lớn.”
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thanh tra về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi tập đoàn này liên tục báo lỗ và đề xuất tăng giá điện (BBC).