Sunday, June 30, 2024
No menu items!
spot_img
HomeKiến ThứcVUA BẢO ĐẠI-NGÀY TRỞ VỀ & THÂN CHÍNH

VUA BẢO ĐẠI-NGÀY TRỞ VỀ & THÂN CHÍNH

Vĩnh Anh

Là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, được vua cha Khải Định đưa sang Pháp du học khi mới được 9 tuổi (1922), 12 tuổi mất cha. Trong vòng 10 năm sống và học tập ở Pháp cho đến ngày hồi loan về nước để thân chính,   vua Bảo Đại đã mang theo mình những niềm tin và khát vọng để làm thay đổi diện mạo đất nước. Tiếc rằng, con đường của nhà vua trở về đã không được rải đầy bông hồng…

Hoàn cảnh ra đời và những tháng năm thơ ấu

Vào ngày 22 tháng 10 năm 1913 ( tức ngày 23 tháng 9 năm Quý Sửu), tại một phủ đệ tráng lệ nguy nga nằm soi mình bên dòng sông An Cựu, có một bé trai chào đời mang tên là Bé Vững, thường được gọi là Mệ Vững. Theo tập tục của Triều đình Huế, con của người trong hoàng tộc, dù trai hay gái đều được gọi là Mệ. Mệ Vững là con của bà Hoàng Thị Cúc, một phụ nữ bình dân làm việc trong phủ Phụng Hóa (sau này đổi tên thành Cung An Định), với người đứng đầu phủ là Phụng Hóa Công Nguyễn Phúc Bửu Đảo. Vì là con của hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Đảo, nên Mệ Vững được đặt tên là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy.

Nhưng cuộc đời thường có lắm bất ngờ, chỉ ba năm sau, thân phụ Mệ Vững là Phụng Hóa Công Bửu Đảo được đưa lên làm vua thay cho vua Duy Tân, trong một hoàn cảnh chính trị hết sức phức tạp do việc thay đổi liên tục nhiều đời vua. Ngày 18 tháng 5 năm 1916, Phụng Hóa Công Bửu Đảo lên ngôi lấy niên hiệu là Khải Định, liền phong cho bà Hoàng Thị Cúc làm Tam giai Huệ tần; rồi một năm sau được thăng lên làm Nhị giai Huệ phi.

Năm lên 9 tuổi (1922), Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy được sắc phong làm hoàng thái tử, và được vua cha Khải Định hết mực thương yêu và lo lắng. Cũng trong năm này, vua Khải Định sang Pháp dự cuộc đấu xảo tại hội chợ triển lãm Marseille, và mang Hoàng thái tử Vĩnh Thụy đi cùng. Tại Pháp, vua Khải Định đã quyết định gửi Vĩnh Thụy trọ học tại nhà ông bà Jean Francois Eugène Charles ở Paris.

Cũng cần phải nói thêm, ông Charles từng làm Khâm sứ Trung Kỳ ( 1913- 1919), rồi được cử làm Toàn quyền Đông Dương (1916-1917). Trong thời gian làm Khâm sứ Pháp tại Huế, chính ông Charles đã đề nghị đưa Phụng Hóa Công Bửu Đảo lên làm vua, để thay thế cho vua Duy Tân. Ngoài ra, vua Khải Định còn đặc biệt cử Lê Nhữ Lâm, là quan phụ đạo sang Pháp để giảng dạy cho hoàng thái tử về chữ Nho, chữ quốc ngữ, và Việt sử . Điều này cho thấy vua Khải Định rất quan tâm đến tiền đồ tương lai cho Vĩnh Thụy ngay từ lúc nhỏ để chuẩn bị thừa kế ngai vàng của mình sau này.

Ăn học tại Pháp được hai năm, Hoàng thái tử Vĩnh Thụy cùng ông bà Charles về thăm Việt Nam  và dự lễ ” tứ tuần đại khánh” của vua cha vào đầu năm 1924. Sau đó trở lại Pháp được hơn một năm, Hoàng thái tử Vĩnh Thụy lại quay trở lại Việt Nam một lần nữa để thọ tang và lên kế nghiệp vua cha, vì vua Khải Định băng hà vào ngày 6 tháng 11 năm 1925.

Trở thành hoàng đế khi mới 12 tuổi 

Hoàng thái tử Vĩnh Thụy chính thức đăng quang ngày 8 tháng 1 năm 1926, đặt niên hiệu là Bảo Đại, khi đó mới hơn 12 tuổi. Làm lễ thọ tang vua Khải Định xong, tháng 3 năm 1926, vua Bảo Đại tiếp tục sang Pháp học. Việc triều chính được giao cho các Phụ chánh thân thần là Tôn Thất Hân (được xem như là Nhiếp chính vương) và Viện trưởng Viện Cơ Mật,Thượng thư Nguyễn Hữu Bài đảm trách.

Trong thời gian du học tại Pháp, một điều đáng nói ở đây dù nhà vua còn nhỏ (năm 1922 mới 9 tuổi), đang học, và sống trong một gia đình hoàn toàn là người Pháp, nói tiếng Pháp, tiếp xúc với xã hội Pháp trong vòng 10 năm, cho đến năm 1932 mới về nước; song nhà vua đã tỏ ra chịu khó cần mẫn học tập tiếng Việt, hiểu biết sâu sắc về nền văn hóa Việt Nam cũng như phương Đông; đó là nhờ công lao dạy dỗ của Phụ đạo Lê Nhữ Lâm. Chính vì thế, nên hoàng tử Vĩnh Thụy và sau này là vua Bảo Đại vẫn nói được tiếng Việt, dù là nói có phần hơi chậm.

 Bối cảnh trong nước trước ngày nhà vua trở về:

Trong giai đoạn từ 1926 đến năm 1932, mặc dù đã làm hoàng đế, nhưng vì bận du học tại Pháp, nên nhà vua hầu như không nắm rõ những diễn biến đã và đang xảy ra khá sôi động ở Việt Nam. Đó là hai vụ án quan trọng của Phan Bội Châu năm 1926 và vụ án Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) của Nguyễn Thái Học nằm 1930 xảy ra ở Bắc Kỳ. Kết quả Phan Bội Châu bị kết án “khổ sai chung thân”, nhưng trước phản ứng mạnh mẽ của dân chúng, nên người Pháp phải ký quyết định ngày 24 tháng 12 năm 1925 để ân xá cho ông. Cuộc khởi nghĩa của VNQDĐ vào ngày 10 tháng 2 năm 1930 bị thất bại, để rồi sau đó Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí của ông đã bị người Pháp đưa lên đoạn đầu đài để xử chém tại Yên Bái vào ngày 17 tháng 6 năm 1930.

Tại Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc Trung Kỳ, có phong trào “Xô Viết Nghệ Tĩnh” nổi dậy để phản đối người Pháp đã áp đặt sưu cao thuế nặng, gây ra thảm cảnh đói nghèo cho nông dân ở hai tỉnh này. Phong trào này được đặt dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc, về sau được đổi tên thành Hồ Chí Minh. Tại Nam Kỳ, đã lần lượt xuất hiện các đảng như đảng Lập hiến (1923), đảng Thanh Niên (1926), đảng Thanh Niên Cao Vọng (1926), và một số tờ báo như L ‘ Écho Annamite (Tiếng dội An Nam), La Tribune Indochinoise (Diễn đàn Đông Dương), Jeune Annam (Tân An Nam), Le Nhaque (Người Nhà Quê) để đòi hỏi cải cách tự do dân chủ, đấu tranh chống thực dân Pháp. Phần lớn các đảng phái và các tờ báo nói trên đều do những nhà trí thức yêu nước thành lập. Rồi sau đó, là sự xuất hiện các chính trị gia theo khuynh hướng chủ nghĩa cộng sản gồm hai phái Đệ tam và Đệ tứ Quốc tế.

Trở về Việt Nam

Hành trang trở về thân chính:

Năm 1932, nhận thấy đã đủ tuổi thành niên (19 tuổi), người Pháp liền đưa vua Bảo Đại về nước để điều hành việc triều chính. Có thể nói rằng, ngày trở về nước của nhà vua với hành trang chính trị mang theo mình chỉ là con số không. Tuy là đông cung thái tử trước đây và là quân vương sau này, nhưng vua Bảo Đại khi đi sang Pháp du học mới 9 tuổi, đến năm 12 tuổi lại mất cha, hơn nữa xa triều đình khá lâu, thêm vào đó lại sống trong môi trường xã hội Tây phương. Vì vậy, cho nên nhà vua không được rèn luyện qua môi trường thực tế, chưa hề trải qua bất cứ kinh nghiệm chính trường nào trong triều đình của Việt Nam.

Ngoài ra, nhà vua cũng không có được những người thân tín, hay đảng phái nào, hoặc thậm chí là không có những người trong hoàng tộc để đứng ra tư vấn, tham mưu, góp ý để giúp nhà vua điều hành việc triều chính. Và còn có một điều chúng ta phải ghi nhận, việc Pháp đưa vua Bảo Đại trở về Việt Nam cai trị để nhằm mục đích làm bù nhìn cho chúng. Nếu như nhà vua tự mình tách ra khỏi quỹ đạo chính trị do người Pháp đặt ra, thì ắt hẳn nhà vua cũng sẽ bị loại trừ giống như các vị vua Thành Thái, Duy Tân, hay Hàm Nghi mà thôi.

Thân chính trong sự dè dặt và thận trọng:

Một trong những việc làm đầu tiên của vua Bảo Đại khi thân chánh, đó là nhà vua tuyên bố bãi bỏ nghi lễ triều kiến quá cung kính và rườm rà như việc quỳ lạy. Việc bỏ quỳ lạy, không chỉ được thực thi ở kinh đô, mà còn được phổ biến rộng rãi ở các tỉnh. Từ nay, các quan khi vào chầu, sẽ không còn quỳ gối và cúi rạp mình, rồi khấn đầu 3 lần, trán chạm đất mà không ngẩng lên nhìn mặt vua. Thay vào đó, các quan chỉ bước đi thong thả khi được xướng danh, xếp ngang hàng trước mặt vua. Việc bãi bỏ nghi lễ truyền thống này, được xem như biểu hiện đầu tiên của tinh thần dân chủ trong thể chế của nền quân chủ Việt Nam thời bấy giờ.

Tiếp đến, vào năm 1934, nhà vua ra lệnh giải tán tam cung lục viện, mở đầu cho việc giải phóng phụ nữ thời xã hội Việt Nam còn tục lệ đa thê. Sau đó, nhà vua thường xuyên tiếp xúc với các đại thần, thượng thư ở Viện Cơ Mật để hỏi han việc chính sự trong nước và đồng thời học cách tự cầm quyền.

Nhà vua vô cùng bàng hoàng khi nghe Viện trưởng Viện Cơ Mật, Thượng thư Nguyễn Hữu Bài báo cáo tóm tắt về nội dung của bản hiệp định Monguillot đã được ký kết giữa Pháp và Triều đình Huế mà đại diện là quan Phụ chánh thân thần Tôn Thất Hân. Hiệp định này được ký kết ngay, sau vài giờ vua Khải Định băng. Cùng đại diện cho triều đình Huế ký lúc đó có các quan ở Viện Cơ Mật như Nguyễn Hữu Bài, Tôn Thất Trạm, Hồ Đắc Trung,v.v…

Nội dung chính của hiệp định này là tập trung mọi quyền hành của triều đình Huế vào tay người Pháp cũng như tước bỏ mọi quyền hành của vị vua tương lai là Bảo Đại. Và có một điều chắc chắn là triều đình Huế lúc bấy giờ không có một vị đại thần nào dám đứng ra để chống đối với người Pháp về việc ký hiệp định này.

Do vậy, khi biết được sự việc của hiệp định nêu trên, vua Bảo Đại ý thức được nhà vua đang ở trong một hoàn cảnh vô cùng nan giải: một bên là người dân Việt đang khao khát tự do và độc lập và một bên Thực dân Pháp đang luôn tìm đủ mọi cách để thắt chặt sự thống trị.

Nếu như nhà vua tỏ vẻ thân thiện với Pháp thì sẽ bị dân chúng cho là bù nhìn, tay sai cho Pháp. Trái lại, nếu như nhà vua ngả hẳn về phía người dân thì sẽ bị người Pháp hạ bệ và lưu đày giống như các vị vua trước đây. Vì thế, nhà vua rất đắn đo, thận trọng đối với sự việc này cũng như hết sức dè dặt khi giải quyết và xử lý các vấn đề khác.

Ngày 10 tháng 12 năm 1932, vua Bảo Đại ra chỉ dụ tuyên bố với toàn dân về ý định thân chính, đồng thời nhà vua bày tỏ mong muốn thực hiện một cuộc cải cách hành chính mới mẻ của mình là thực hiện một chế độ quân chủ lập hiến. Theo như nhà vua, nền quân chủ lập hiến rất phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh xã hội của nước ta lúc bấy giờ, bởi vì nó vẫn tiếp tục bảo lưu truyền thống chế độ quân chủ cổ truyền. Mặc khác, nó vẫn mở ra những giá trị dân chủ, tôn trọng quyền nhân dân là trào lưu thịnh hành rất được nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng như Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Bỉ, Thái Lan…

Ngày trở về Việt Nam, vị vua trẻ tuổi Bảo Đại đem theo mình nhiều khát khao, lắm ước vọng; thế nhưng, con đường đi của nhà vua không những được bằng phẳng trơn tru, trái lại còn chứa đựng những gập ghềnh, rủi ro từ nhiều hướng.

(Vĩnh Anh)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments