Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa khai mạc hội nghị toàn thể lần thứ 7 tại Hà Nội hôm 15/5 với trọng tâm là đánh giá uy tín của dàn lãnh đạo chóp bu của đảng, trong đó có các lãnh đạo tứ trụ, bao gồm cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đây là hội nghị trung ương giữa nhiệm kỳ của Trung ương Đảng khóa 13 vốn kéo dài từ năm 2021 đến 2026.
Mặc dù khóa này chưa đi được nửa nhiệm kỳ song đã có hàng loạt ủy viên Trung ương Đảng và thậm chí là cả hai ủy viên Bộ Chính trị là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã bị đảng loại khỏi chức vụ sớm vì ‘chịu trách nhiệm chính trị’ cho ‘sai phạm’ của thuộc cấp.
Đáng chú ý là Phúc từng là thành viên Bộ Chính trị được đánh giá tín nhiệm rất cao trong các khóa trước, trước khi bị Trung ương Đảng cho thôi chức và cho về nghỉ hưu hồi đầu năm nay.
Các nhân vật nằm trong diện được đưa ra để các ủy viên trung ương đánh giá xem có uy tín đến đâu, mà theo cách gọi của đảng là ‘lấy phiếu tín nhiệm’, bao gồm toàn bộ các ủy viên Bộ Chính trị và thành viên Ban bí thư Trung ương.
Các nhân vật Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai đều nằm trong diện được đưa ra xem xét tín nhiệm.
Phát biểu chỉ đạo về việc này trong phiên khai mạc hội nghị, Trọng được Tuổi Trẻ dẫn lời cảnh báo các ủy viên trung ương ‘không lợi lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ’.
Trước đó, mỗi nhân vật nằm trong diện được đánh giá tín nhiệm đã trình ra bản kiểm điểm cá nhân mà trong đó họ tự đánh giá các mặt mạnh, mặt yếu của bản thân theo các tiêu chí như kiên định lý tưởng đảng, đạo đức, lối sống, kỷ luật, kết quả công việc và giải pháp khắc phục yếu kém cũng như giải trình những điểm có nghi ngờ, trang mạng VnExpress cho biết.
“Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng và tính chất nhạy cảm của vấn đề, đề nghị các đồng chí Trung ương nghiên cứu kỹ các báo cáo kiểm điểm cá nhân của từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từ thực tế quan hệ công tác, thể hiện rõ chính kiến của mình về mức độ tín nhiệm đối với từng người”, Trọng được VnExpress dẫn lời nói.
Trọng cũng yêu cầu việc đánh giá các lãnh đạo phải bảo đảm ‘dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch’.
Kể từ khóa 11 (2011-2016), Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu áp dụng việc bỏ phiếu tín nhiệm tương tự như cách làm của nghị viện các nước dân chủ. Sau đó, đến lượt Quốc hội cũng làm theo mô hình này để lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh trong chính quyền do Quốc hội bầu.
Trung ương Đảng sẽ lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu theo ba mức tín nhiệm là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Kết quả phiếu tín nhiệm sẽ là cơ sở để đảng đánh giá cán bộ, làm quy hoạch nhân sự cũng như điều động, bổ nhiệm, giới thiệu lãnh đạo.
Theo quy định, những ai có 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên sẽ bị cho thôi chức hay giáng chức. Còn những ai có trên một nửa phiếu là phiếu tín nhiệm thấp nhưng chưa tới 2/3, sẽ bị xem xét cho thôi chức hay bị đưa ra khỏi quy hoạch trong tương lai.
Hội nghị trung ương 7 sẽ kéo dài đến ngày 17/5 và cũng sẽ đánh giá công tác lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư trong hai năm rưỡi đầu nhiệm kỳ.
(Theo VOA)