Những giá trị văn hóa của Việt Nam Cộng hòa như ‘tình thương’, ‘tự do’ và ‘dân chủ’ là ‘sức mạnh mềm’ mà chính thể này để lại sau khi sụp đổ và đã chứng tỏ sức sống bất chấp sự lấn át và bóp nghẹt của nền văn hóa cộng sản, một nhạc sỹ từ trong nước nói với VOA.
Đã 48 năm từ ngày chế độ Cộng hòa ở miền Nam sụp đổ trước quân cộng sản Bắc Việt vào ngày 30/4 năm 1975, ngày nay chính quyền trong nước phải nhắm mắt làm ngơ trước sự phổ biến của những bản nhạc vàng và sách vở của chế độ cũ, nhạc sỹ Tuấn Khanh nói với VOA từ thành Sài Gòn .
‘Nền tảng vững chắc’
“Giờ đây đã có những cuốn sách nằm trong danh mục hơn 500 tác giả bị cấm của miền Nam đã được bày bán công khai trên đường phố Sài Gòn,” ông Khanh nói và nhận định rằng văn hóa của Việt Nam Cộng hòa là ‘sức mạnh mềm’ đối với chính quyền cộng sản.
Bản thân nhạc sỹ này là bằng chứng sống của nền văn hóa Việt Nam Cộng hòa. Ông tiếp thu cả hai nền văn hóa, Cộng hòa trước năm 1975 và Cộng sản sau năm 1975, và đã chứng kiến sự đấu tranh, giằng xé của hai luồng tư tưởng sau ngày đất nước thống nhất.
Tuy nhiên, cuối cùng những giá trị của Việt Nam Cộng hòa lại là ‘hành lang vững chắc’ giúp người nhạc sỹ này thoát khỏi những ảnh hưởng của nền văn hóa cộng sản mang tính tuyên truyền, ông cho biết.
Giải thích tại sao nền văn hóa nghệ thuật phát triển rực rỡ dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, ông dẫn ra trường hợp của nhà văn Dương Thu Hương, người vừa được trao giải Cino-Del-Duca, tức Giải Toàn cầu 2023 trong khuôn khổ Lễ hội Sách Paris, mặc dù bà Hương là người của chế độ miền Bắc và chưa từng sống trong nền văn hóa Việt Nam Cộng hòa.
“Tại sao bà có thể thành danh khi đã rời khỏi đất nước và thậm chí còn không có căn cước của một quốc gia, sống cô đơn trên văn đàn thế giới?” ông đặt vấn đề. “Bởi vì bà sống với tinh thần tự do và dân chủ.”
“Khi nào người Việt còn giữ cho nhau tinh thần tự do và ý thức dân chủ thì lúc đó mọi thứ vẫn còn hy vọng,” nhạc sỹ Tuấn Khanh nói.
Bên cạnh các giá trị tự do, dân chủ, người nhạc sỹ này còn chỉ ra các giá trị khác của Việt Nam Cộng hòa là ‘gìn giữ cho tương lai, xây dựng thế hệ mới với tình thương và sự chia sẻ’ và ‘nền giáo dục phi chính trị’.
Hồi tưởng về nền văn hóa Việt Nam Cộng hòa mà ông đã tiếp thu khi vào đại học, ông cho biết những giá trị đó ‘làm cho ông lớn lên’ nhưng đồng thời nó ‘khiến ông phải tồn tại một cách vất vả trong xã hội sau năm 1975’ vì ‘phải chống chọi một luồng văn hóa mới ập vào mình’.
“May mắn là tôi đã có được một cuộc đời được thừa hưởng di sản Việt Nam Cộng hòa dù không bao nhiêu nhưng nó giúp tôi nhận ra được thế giới của mình, những ý nghĩa đúng đắn nhất và những giá trị của cuộc sống một người Việt Nam là như thế nào,” ông bày tỏ.
Ông nói nhờ đó mà ông ‘đã nhìn nhận đất nước một cách tử tế hơn, đầy đủ hơn’ và ‘không thể bị thao túng bởi bất kỳ yếu tố chính trị nào trong giáo dục’.
“Nếu không có nền tảng mà tôi tiếp thu được từ Việt Nam Cộng hòa thì hôm nay tôi đã là người chà đạp tổ tiên mình. Tôi đã mắng chửi triều Nguyễn, chỉ biết tôn trọng Quang Trung, coi Trương Vĩnh Ký là người phản động bán nước chẳng hạn,” ông dẫn chứng.
‘Tuyên truyền giả dối’
Khi được hỏi tại sao không tiếp thu nền ‘văn hóa cách mạng’ sau năm 1975 như đã từng tiếp nhận nền văn hóa Việt Nam Cộng hòa, nhạc sỹ Tuấn Khanh nói ‘có những cú sốc liên tục’ đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của ông.
Ông nói nhờ vào những sách vở của Việt Nam Cộng hòa để lại và những gì mà ông đã học từ Việt Nam Cộng hòa là ‘sự thật, lẽ phải’ mà ông đã từ từ ‘phủ nhận những tuyên truyền của Đảng Cộng sản’.
Nhạc sỹ Tuấn Khanh chỉ ra ông đã đọc được những sự thật rằng ‘Karl Marx từng quan tâm đến Satan giáo, Lenin gần như là cuồng sát về cuối đời, hay Fidel Castro là một kẻ cuồng dâm và hoang tưởng’. “Nó rất khác với những mô tả của Đảng về những ‘lãnh tụ vĩ đại’ này,” ông nói.
“Thoạt đầu tôi không tin đâu. Tôi phải đi tìm hiểu rất nhiều tư liệu trên báo chí. Đến lúc Internet mở ra, tôi tìm thấy những dữ liệu liên quan xác nhận những điều này là sự thật.”
“Những cú sốc đó nó kéo dài và ngấm ngầm và phải nói rằng đó là quá trình tự thân mình đi tìm hiểu. Và tôi nghĩ không chỉ một mình tôi, hôm nay thế hệ trẻ hơn cũng đang tự thân tìm hiểu, thậm chí họ xuất thân từ những gia đình cách mạng như anh Nguyễn Lân Thắng chẳng hạn,” ông nói thêm.
Từ đó, người nhạc sỹ này nhận ra ‘các lãnh đạo cộng sản không hoàn toàn tốt đẹp như những gì họ nói’. “Việt Nam Cộng hòa không ngần ngại nói ra những cái xấu của xã hội hay của những người cầm quyền nhưng chính quyền cộng sản là một thế giới giống như cái bánh vẽ, chỉ có bề ngoài,” ông giãi bày.
Ông cũng chỉ ra những điều mà khiến ông mất niềm tin và chế độ như ‘vẫn để cho dư luận viên gọi những người phía bên kia là ‘ngụy’ và ‘tiếp tục bao vây và canh giữ nghĩa trang quân đội Biên Hòa, khiến mọi người khó mà viếng thăm’.
‘Có những người thỏa hiệp’
Ông nói ông thuộc về lớp người ‘chọn sống theo những gì mình đã được dạy dỗ và giáo dục từ nền văn hóa tự do’. Lớp người này, theo lời ông, ‘thậm chí đã bị cô độc trong xã hội Việt Nam trong nửa thế kỷ qua’.
“Từ đó hình thành những nhà văn, nhà báo, thậm chí là họa sỹ, nghệ sỹ độc lập không chịu sự kiểm duyệt của nhà nước bởi vì họ muốn được tự do theo ý thích của mình,” ông cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông nói có những người giống như ông nhưng ‘chọn thỏa hiệp với chế độ’ và ‘nói theo tiếng nói của chính quyền’.
“Có những người bị chế độ thao túng. Cũng có những người khi phát biểu trước công chúng thì họ nói tiếng nói của chính quyền, nhưng vào những lúc riêng tư thì họ mới nói tiếng nói của chính mình,” ông giải thích.
Bản thân ông lúc đầu cũng ‘chịu tác động rất nhiều khi tham gia hệ thống Đoàn Thanh niên Cộng sản’, nhạc sỹ Tuấn Khanh thừa nhận, và khi ông chứng kiến người này, người kia bị kết tội, ông đã tự đi tìm hiểu và nhận thấy ‘có sự sợ hãi đè nén khiến nhiều người không dám nói ra sự thật’.
“Có những người cũng tìm hiểu giống như tôi nhưng họ biết mà giữ trong lòng không nói ra,” ông nói thêm và cho biết ‘đó là lựa chọn của mỗi người’.
Tuy nhiên, từ trường hợp của nhà văn Dương Thu Hương, nhạc sỹ Tuấn Khanh nói có những người xuất thân từ miền bắc xã hội chủ nghĩa nhưng họ vẫn giữ bản chất của người Việt là ‘tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ phải’.
“Ngay cả trong cái nôi của nhà nước xã hội chủ nghĩa vẫn xuất hiện những con người tỉnh táo và nói lên tiếng nói của mình. Không phải là họ cô đơn mà chỉ là họ dám đứng lên để nói còn những người khác không dám nói thôi.”
Nhìn về tương lai, ông nói nền giáo dục của chính quyền cộng sản ‘đã để lại di chứng rất lớn là những cuộc tranh luận không bao giờ dứt’. “Có những người không suy nghĩ mà chỉ nói theo truyền thông Nhà nước,” ông nói.
“Nhưng mỗi ngày người ta lại nhận diện được sự thật nhiều hơn,” ông nói thêm. “Chắc lâu lắm thì người Việt mới có thể chấp nhận lẫn nhau.”
(VOA Tiếng Việt)