Saturday, November 23, 2024
No menu items!
spot_img
HomeTin nổi bậtTự do báo chí toàn cầu: Việt Nam tụt bốn bậc xuống...

Tự do báo chí toàn cầu: Việt Nam tụt bốn bậc xuống nhóm ba quốc gia cuối bảng

Việt Nam nằm trong khu vực đỏ (không có tự do báo chí) trong bản đồ của RSF 2023

Báo cáo toàn cầu về tự do báo chí năm 2023 của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) xếp Việt Nam vào nhóm ba quốc gia đứng cuối  bảng. Hai nước còn lại là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Trong báo cáo được RSF công bố nhân ngày Báo chí Toàn cầu 03/5, Việt Nam tụt bốn hạng kể từ năm ngoái và hiện đứng thứ 178 trên tổng số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, chỉ trên Trung Quốc (179) và Bắc Triều Tiên (180).

Trong năm tiêu chí đánh giá của RSF, Việt Nam có ba tiêu chí bị suy giảm so với năm 2022. Cụ thể, chỉ số chính trị giảm từ hạng 173 xuống 179, chỉ số kinh tế giảm từ 176 xuống 180, và chỉ số lập pháp từ 172 xuống 177.

Tuy nhiên, Việt Nam có hai tiêu chí chỉ số xã hội và chỉ số an ninh tăng trong năm 2023: đều từ vị trí 170 của năm 2022 lên vị trí 163 năm 2023.

Thứ hạng 178 năm nay là vị trí thấp nhất của Việt Nam kể từ khi RSF đưa ra bảng xếp hạng hồi năm 2002. Năm 2020 Việt Nam có thứ hạng 172, năm 2021- 175, và 174 trong năm 2022. Điều này cho thấy tự do báo chí của Việt Nam ngày càng suy giảm.

“Báo chí truyền thống của Việt Nam bị kiểm soát chặt chẽ bởi một đảng. Các nhà báo tự do và blogger thường xuyên bị cầm tù, biến Việt Nam thành nhà tù lớn thứ ba trên thế giới đối với nhà báo,” RSF nói về Việt Nam trong báo cáo năm 2023, kèm theo con số 42 nhà báo hiện đang bị bỏ tù ở quốc gia độc đảng này.

Trong số các nhà báo đang bị giam cầm có bốn blogger và cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do (RFA), đó là các ông Nguyễn Tường Thuỵ, Trương Duy Nhất, Nguyễn Lân Thắng, và Nguyễn Văn Hoá.

Bình luận về tự do báo chí ở Việt Nam, một nhà báo đề nghị giấu danh tính vì lý do an ninh, nói với RFA trong ngày thứ tư 03/5 rằng ông đồng tình với báo cáo của RSF:

“Có thể nói, chưa bao giờ giới bất đồng chính kiến, mà đại diện là các nhà báo độc lập ở Việt Nam rơi vào cảnh bị đàn áp khốc liệt như bây giờ.”

Người này cho rằng đàn áp tự do báo chí trở nên khốc liệt hơn từ khi Luật An ninh Mạng ra đời (2019), cùng với việc nhà cầm quyền sử dụng các điều khoản 117 và 331 của Bộ luật Hình sự 2015 trong việc kết án người đấu tranh. Thậm chí, Điều khoản 331 còn được sử dụng để giải quyết những tranh chấp dân sự.

“Dường như nhà cầm quyền Việt Nam bất chấp các chỉ trích quốc tế về vi phạm nhân quyền. Các cường quốc cần áp dụng các chế tài cụ thể về kinh tế, chính trị và văn hoá để buộc Hà Nội phải cải thiện hồ sơ nhân quyền, trong đó có quyền tự do báo chí và thông tin,” người này nói.

Bức tranh về truyền thông

Theo RSF, ở Việt Nam, các blogger và nhà báo độc lập là những nguồn tin tức và thông tin được đưa tin tự do duy nhất ở một đất nước mà tất cả các phương tiện truyền thông đều tuân theo chỉ đạo của Đảng Cộng sản vốn toàn quyền cai trị quốc gia từ năm 1975.

Với 64 triệu người dùng – con số cao thứ bảy trên thế giới – Facebook là mạng xã hội lớn nhất, nền tảng trực tuyến phổ biến và phục vụ như một công cụ chính để lưu hành tin tức và thông tin ở Việt Nam. Ứng dụng nhắn tin Zalo của Việt Nam cũng được sử dụng rộng rãi để chia sẻ thông tin.

Bối cảnh chính trị

Nhà nước độc đảng đặt mục tiêu kiểm soát mọi thứ và để đạt được mục tiêu này, quân đội đã phát triển Lực lượng 47, một đơn vị với 10.000 binh sĩ mạng có nhiệm vụ bảo vệ đường lối của đảng và tấn công tất cả những người bất đồng chính kiến trên mạng.

Luật An ninh Mạng 2019 yêu cầu các nền tảng lưu trữ dữ liệu người dùng ở Việt Nam và chuyển giao cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.

Khuôn khổ pháp lý

Quyền tự do báo chí được ghi trong Điều 19 của Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, Nhà nước sử dụng nhiều công cụ pháp lý để bỏ tù bất kỳ người nào đưa tin tức và thông tin gây hại cho chế độ.

Đó là các Điều 109 “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” Điều 117 “Tuyên truyền chống nhà nước,” và Điều 331 “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” với mức án cao nhất có thể lên đến 20 năm tù giam.

Bối cảnh văn hóa xã hội

Nhiều chủ đề bị kiểm duyệt bao gồm các nhà bất đồng chính kiến, các vụ tham nhũng liên quan đến các quan chức cấp cao, tính hợp pháp của Đảng, quan hệ với Trung Quốc và, tất nhiên, các vấn đề nhân quyền.

Các chủ đề được coi là ít nhạy cảm hơn, chẳng hạn như các vấn đề môi trường hoặc quyền của người đồng tính và người chuyển giới (LGBT), đang được xã hội quan tâm.

Sự năng động của cộng đồng người Việt hải ngoại đóng vai trò cơ bản trong việc trợ giúp và chuyển tiếp tiếng nói độc lập của đất nước, RSF nói trong báo cáo.

Sự an toàn của nhà báo

Theo RSF, Nhà nước Việt Nam gia tăng trấn áp đối với các nhà báo độc lập từ khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng áp đặt một đường lối bảo thủ hơn vào năm 2016. Bộ máy này đàn áp tất cả các sáng kiến báo chí xuất phát từ xã hội dân sự, chẳng hạn như Báo Sạch và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Bà Phạm Đoan Trang, người được trao Giải thưởng Tự do Báo chí của RSF năm 2019, đã bị kết án chín năm tù, RSF nhấn mạnh.

Phóng viên RFA gọi điện và gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về báo cáo của RSF nhưng không nhận được phản hồi.

RSF thường xuyên lên tiếng khi Việt Nam đàn áp báo chí tự do. Gần đây nhất là lời kêu gọi Hà Nội công khai tình trạng của blogger Đường Văn Thái và phóng thích ông trở lại Thái Lan, nơi ông tị nạn chính trị từ đầu năm 2019.

Blogger này mất tích ở Thái Lan vào ngày 13/4 vừa qua, ba ngày sau, báo chí Nhà nước loan tin ông bị bắt khi “nhập cảnh bất hợp pháp” từ Lào vào Việt Nam ngày 14/4.

Từ đó đến nay, công an và truyền thông Nhà nước hoàn toàn im lặng, không công bố bất cứ thông tin nào liên quan đến nhà báo tự do chuyên đưa tin “nội bộ” về tham nhũng và tranh giành quyền lực của quan chức chế độ.

Tháng trước, sau khi toà án Hà Nội kết án nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, blogger của RFA, với bản án sáu năm tù giam và hai năm quản chế, RSF cũng chỉ trích Việt Nam và yêu cầu trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện.

Trên bình diện quốc tế, RSF nhận định tự do báo chí rơi vào tình trạng “rất nghiêm trọng” tại 31 quốc gia, “khó khăn” tại 42 quốc gia khác, “có vấn đề” tại 55 nước, và “tốt” hoặc “đạt yêu cầu” tại 52 quốc gia còn lại.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments