Tuesday, July 2, 2024
No menu items!
spot_img
HomeVăn HóaTruyền Thống Dân Tộc Việt Và Ý Nghĩa Ngày Giỗ Tổ Hùng...

Truyền Thống Dân Tộc Việt Và Ý Nghĩa Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Lê Hoàng Thanh

Cho đến nay, người Việt tha hương chúng ta ở hải ngoại thường tổ chức những buổi lễ mang nhiều dân tộc tính như Lễ Tổ Tiên vào dịp Tết Nguyên Đán, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ Quốc Khánh v.v…nhằm mục đích duy trì phong tục cổ truyền của người Việt tại nhiều địa phương ở các quốc gia đang định cư.

Đối với người Việt tha hương nói chung thì tất cả các ngày Lễ Dân Tộc ở nước ngoài còn quan trọng hơn khi còn ở quê nhà, lý do là vì qua những buỗi lễ này chúng ta có dịp nối liền quá khứ với hiện tại nhưng không quên tương lai. Trong những ngày đại lễ như Lễ Tổ Tiên vào dịp Tết hay Giỗ Tổ Hùng Vương, gia đình, bạn bè, thân bằng quyến thuộc mới có cơ hội nhắc nhở con cháu, đồng hương nhớ về cội nguồn, ôn lại lịch sử và tưởng nhớ đến công ơn của các bậc tiền nhân, của ông bà tổ tiên khi giải thích cho con cháu biết tại sao phải lễ lạy trước bàn thờ đèn hương nghi ngút. Bởi lẽ, nếu không tạo được những dịp như vậy tại hải ngoại nói riêng có lẽ chỉ trong vòng vài thập niên nữa, các thế hệ kế tiếp chúng ta sẽ không màng nhắc đến và trong tương lai chắc chắn „ các ngày Lễ Dân Tộc „ sẽ bị lãng quên. Ngoài ra, qua các buổi lễ như Lễ Tổ Tiên trong dịp Tết hay Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương v.v…, không những để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên thôi mà chúng ta còn tạo ra được cơ hội cho giới trẻ (sinh ra và lớn lên ở xứ người, ít nhiều cũng đã hấp thụ văn hóa người !) biết về niềm tự hào văn hóa của dân tộc Việt.

Như chúng ta rõ, hàng năm cứ đến ngày 10 tháng Ba Âm Lịch, người Việt tỵ nạn cộng sản khắp nơi trên thế giới, nếu hoàn cảnh cho phép, đều tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương rất trọng thể, mục đích để tưởng nhớ đến Quốc Tổ và các bậc Tiền Nhân đã có công dựng nước và giữ nước, theo đúng tinh thần và đạo lý được đúc kết qua câu đối tại đền Hùng:

Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản, sông Đà,

  Non nước vẫn quy về đất Tổ,

  Văn minh đương buổi mới, con Hồng, cháu Lạc,

 Giống nòi còn biết nhớ mồ Ông”.

Sự tích Hùng Vương

Theo truyền thuyết thì cháu ba đời của vua Thần Nông, vua Đế Minh đi tuần thú phương Nam, đến dẫy núi Ngũ Lĩnh gặp một nàng Tiên (Vụ Tiên), lấy Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục. Sau Lộc Tục nối ngôi lên làm vua vào năm 2879 trước Công Nguyên (tính cho đến nay 2013 cách nhau 4892 năm), xưng đế hiệu là Kinh Dương Vương và lấy Quốc Hiệu là Xích Quỉ. Cổ sử Việt ghi chép, Lộc Tục là vị vua đầu tiên của Việt Nam.

Nước Xích Quỉ, Bắc giáp hồ Động Đình, phía Nam thì giáp với Hồ Tôn (tức Chiêm Thành thưở xưa), còn Nam thì giáp biển Nam Hải và phía Tây thì giáp đất Ba Thục (tức tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay).

Cũng theo Cổ sử Việt ghi, một hôm Kinh Dương Vương (KDV) đi ngoạn cảnh ở hồ Động Đình gặp được một người thiếu nữ đẹp tuyệt trần là Long Nữ, con gái của Động Đình Quân.

Vua Kinh Dương Vương kết duyên với Long Nữ, sinh ra được người con trai đặt tên là Sùng Lâm. Sùng Lâm về sau ngối ngôi cha lên làm vua, xưng hiệu là Lạc Long Quân (LLQ). Lạc Long Quân lấy con gái của vua Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra một bọc, cho là điềm bất thường, chứa 100 trứng, nở ra trăm người con trai. Sau đó hai vợ chồng không thể sống chung với nhau được nên chia tay.

Lạc Long Quân nói với vợ rằng:

“Ta là giống Rồng đứng đầu Thủy Tộc, còn nàng là giống Tiên sống trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con cái nhưng thủy hỏa tương khắc, dòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được nên nay đành phải chia ly. Ta dẫn 50 con về thủy phủ chia trị các xứ, còn nàng thì dẫn 50 đứa con về ở trên đất, chia nước mà trị!”

Về sau, người con trưởng của Lạc Long Quân nối ngôi cha và xưng là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, kinh đô đặt tại Phong Châu, thuộc Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Phú ngày nay.

Như vậy qua sử liệu, gia tộc đầu tiên lãnh đạo dân tộc Việt là họ Hồng Bàng, kế truyền ngôi cho nhau qua hai mươi đời vua từ Kinh Dương Vương đến Lạc Long Quân và 18 đời Hùng Vương kế tiếp từ năm 2879 kéo dài cho đến 2621 thì bị nhà Thục cướp ngôi vua năm 258 trước Công Nguyên. Dân chúng đã lập đền thờ Hùng Vương để tưởng nhớ, hiện nay vẫn còn ở núi Nghĩa Linh, còn gọi là núi Hùng Sơn hay Nghĩa Lương, thuộc Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú.

Và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 Âm Lịch, được truyền lại cho đến nay.

Đặc tính của người Việt

Dựa theo sử liệu và như đã trình bày ở trên, người Việt thuộc dòng giống Rồng Tiên!

Nói đến Rồng thì giống Rồng tượng trưng cho dương tính, cho uy quyền, sức mạnh long trời lở đất, ẩn hiện và biến hóa không lường. Còn Tiên thì tượng trưng cho âm tính, cho cái vẽ đẹp ôn nhu hài hòa và nhân từ… Con cái là kết hợp của hai giống Rồng-Tiên nên từ đó đã đúc tạo cho người Việt có đầy đủ các đặc tính: khỏe đẹp, biết tình biết lý, dũng cảm, khôn ngoan, biết đâu là quyền lợi nhưng không quên nghĩa vụ.

Qua quá trình dựng nước và giữ nước, dòng giống Rồng-Tiên đã áp dụng thành công một triết lý mang tính cách, truyền thống đặc biệt của dân tộc. Đó là triết lý „Vuông Tròn“ qua sự tích và ý nghĩa của „ Bánh Chưng, Bánh Dầy “. Ý nghĩa của triết lý này được thể hiện rõ nét và nỗi bật trong đời sống của dân tộc Việt Nam (VN) ta!

Nhân đây người viết cũng xin được nhắc sơ qua nguồn gốc của triết lý vuông tròn.

Sự tích “Bánh Chưng, Bánh Dầy“

Theo truyền thuyết, sau khi vua Hùng phá được giặc Ân, muốn truyền ngôi lại cho con, nhưng chưa biết chọn ai bèn cho triệu hai mươi vị quan lang và công chúa lại mà phán rằng:

“Ta muốn truyền ngôi lại cho kẻ nào làm ta vừa ý, cuối năm nay đem trân cam mỹ vị đến để tiến cúng tiên vương cho ta được tròn đạo hiếu thì sẽ được ta truyền ngôi“.

Những người con đều đua nhau đi tìm của ngon vật lạ khắp nơi. Duy chỉ có vị công tử thứ 18 là Lang Liêu (LL) vì mẹ chàng trước đó bị vua Hùng ghẻ lạnh, cảm thấy cô đơn buồn tủi mà chết nên không có ai giúp đỡ và chẳng biết xoay trở ra sao.

Một đêm kia Lang Liêu ngủ nằm mơ được thần nhân chỉ bảo cho cách làm bánh chưng bánh dầy và Lang Liêu lấy gạo nếp làm bánh, một cái hình vuông và một cái hình tròn, giữa có nhân và dùng lá bọc bên ngoài. Khi vua cha hỏi đến ý nghĩa cái bánh thì Lang Liêu giải thích đúng theo lời thần dặn rằng cái hình vuông, cái hình tròn để tượng trưng cho trời đất và dùng lá bọc ở ngoài, bên trong (nhân) là mỹ vị ngụ ý để nói lên công đức sinh thành lớn lao của cha mẹ! Vua cha rất hài lòng và sau đó truyền ngôi lại cho Lang Liêu.

Ý nghĩa Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Qua bao thăng trầm của lịch sử, nhất là trước tham vọng của phương Bắc luôn luôn tìm cách thôn tính, đô hộ và đồng hóa của họ, dân tộc ta vẫn tồn tại! Chúng ta vẫn là người Việt, vẫn duy trì nền văn hóa Việt vốn mang đầy tính đặc thù của dân tộc ta, một dân tộc bất khuất có truyền thống dựng nước và giữ nước, chống ngoại xâm Tàu và Pháp.

Dưới thời đại Hùng Vương nói chung, dân tộc ta rất tiến bộ, có tinh thần dân bản và đoàn kết. Từ ngàn xưa, dân ta đã biết cách dẫn thủy nhập điền khai thác ngành nông nghiệp, biết phá rừng đốn nương làm rẫy, biết gieo mạ cấy lúa, biết dùng lúa gạo và khoai củ làm nông sản chính, đã biết dùng bếp nấu rượu, biết lấy sớ vỏ cây dệt vải, may quần áo; biết lấy cỏ năn để lát dệt làm chiếu nằm, biết nấu ăn bằng ống tre tươi, biết săn thú rừng, đánh cá và cũng đã biết làm nhà sàn cao để tránh thú dữ, biết gỏ vào cối đá làm hiệu khi có ai chết hay lúc gặp hiểm nguy để bà con, hàng xóm láng giềng hay mà đến giúp.

Ngoài ra, vua Hùng còn dạy cho những người sinh sống bằng nghề biển cắt tóc ngắn, chỉ cách xâm mình gọi “Văn Thân“ trông giống như giao long, để tiện bề bơi lội. Quốc Tổ Hùng Vương còn dạy cho dân chúng, từ một nếp sống cổ sơ đã tiến bộ rất nhanh, từ thời ký chỉ có „đồ đá đập“ đến „đồ đá mài“ và sau đến „đồ kim khí“, dạy dân biết cách đúc đồng, đúc sắt để chế tạo ra đồ dùng, làm dụng cụ sản xuất nông nghiệp, binh khí, v.v… nên trong thời đại đó mới có sự tích Phù Đổng Thiên Vương!

Về mối liên hệ hay nói rõ hơn về sự tương quan giữa Vua và tôi (dân) trong thời kỳ Hùng Vương thì vua chủ trương đặt chữ cho dân, vỗ về khuyến dụ dân khiến cho họ làm ăn yên ổn dựa trên tiêu chuẩn „vua tốt dân nhờ, vua ác thì dân nỗi loạn, vua mạnh thì bờ cỏi yên lành“, vững bền và nếu vua không được dân phục thì nên nhường ngôi cho người khác.

Xa hơn nữa, mối liên hệ nói trên còn thể hiện tình gần gũi, thương yêu nhau. Theo truyền thuyết thì vua Lạc Long Quân là một ông vua có thần thuật trị được yêu quái và hết lòng thương yêu, bảo bọc nhân dân. Khi có nguy cấp, dân kêu cứu với vua „Bố đi đàng nào mà không đến cứu chúng con!“ thì vua từ thủy phủ hiện đến để giải quyết ngay tại chỗ các vấn đề cho dân. Như vậy chứng tỏ dân ta vốn đã có truyền thống thương yêu đùm bọc nhau từ ngàn xưa rồi. Lối sống „ Bầu ơi, chung giàn“ quí trọng tình nghĩa đồng bào đã xuất phát từ thời Hùng Vương!

Ngày nay, sau biến cố 30.4.1975, chúng ta, những người Việt tỵ nạn, hiện đang định cư khắp năm châu, được sống trong Tự Do, Dân Chủ, có đầy đủ tiện nghi về vật chất nhưng chúng ta không quên bà con, thân nhân, đồng hương, bạn bè ở quê nhà ngày đêm đang thao thức, khắc khoải muốn có một cuộc sống như chúng ta ở hải ngoại cho nên Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản đã và đang cùng với các đoàn thể tôn giáo như Tin Lành, Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo và Thiên Chúa Giáo không nằm dưới sự chỉ đạo của nhà nước cộng sản, cùng với các chiến sĩ dân chủ ở quốc nội và hải ngoại đứng lên tranh đấu đòi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (csVN) phải tôn trọng Nhân Quyền, Tự Do Tôn Giáo, trả tự do cho các vị lãnh đạo tinh thần, các thanh niên yêu nước công giáo và những người vì đấu tranh cho lý tưởng tự do đang bị cs bắt giam, quản thúc tại Việt Nam! Người Việt nói chung, từ trong cũng như ở nước ngoài luôn hằng mong ước và cầu nguyện cho đêm đen đọa đầy ở quê nhà sớm trôi qua, để dân tộc ta, đất nước ta được sống trong ấm no, hạnh phúc. Mong cho nước VN chúng ta hùng mạnh, phú cường để người dân Việt được thụ hưởng cái ánh sáng bình minh của Tự Do, Dân Chủ, một nền dân chủ giống như ở các nước Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Nhật, Bỉ, Hoà Lan, Thụy Điển, Na Uy, Gia Nã Đại, Đan Mạch, Úc, v.v…

Đi ngược lại dòng lịch sử, người Việt có thể tự hào rằng chúng ta đã thừa hưởng phần nào di sản của tiền nhân. Chúng ta có lối suy nghĩ và sống rất VN như: thủy chung có trước có sau, có tình có lý, biết lúc nào cương và lúc nào nhu, có vươn có cuộn và trung hiếu làm nền.

Thành ra, Lễ Giỗ Hùng Vương không những mang ý nghĩa tôn vinh mà còn có ý nghĩa nhắc nhở, thúc đẩy người Việt tỵ nạn nêu cao tinh thần Hùng Vương trong cuộc sống ở hải ngoại, vì đồng bào ruột thịt trong nước, vì Tổ quốc VN mến yêu và nhất là trong thời đại hiện tại bước sang thế kỷ 21, một thời đại đang có những biến chuyển rất ư là thuận lợi cho trào lưu hòa bình, dân chủ, hợp tác phát triển toàn cầu hãy nắm lấy thời cơ mạnh dạn đứng lên tranh đấu đòi CSVN phải tôn trọng Dân Chủ, Nhân Quyền, Tự Do Tôn Giáo.

Chính vì vậy, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàm chứa ý nghĩa rất quan trọng, không những chúng ta đốt ngọn lửa Hùng Vương bừng sáng lại và sống mãi trong tâm thức thôi mà còn thể hiện được tình cảm của mình bằng những hành động rất cụ thể, nói lên tinh thần đoàn kết, hợp tác trong mọi sinh hoạt của các hội đoàn và cộng đồng người Việt Tỵ Nạn cộng sản.

Chúng ta có đoàn kết thì bạn bè mới kính nể, không những kẻ thù hay những nhóm, cá nhân có lề lối sinh hoạt riêng rẻ mà ngay cả người dân của quốc gia cho chúng ta tạm dung từ đó mới kiêng sợ, mới đánh giá tập thể chúng ta cao hơn. Được vậy thì tiếng nói của người Việt lưu vong mới có nhiều giá trị hơn vì đó là tiếng nói của một tập thể có sức mạnh thật sự và từ đó mới hy vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc củng cố, phát triển Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản (CĐNVTNCS) ở hải ngoại và xa hơn nữa, khi mà tiếng nói của cộng đồng NVTNCS chúng ta đã mạnh thì mới vang dội xa hơn và sẽ đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới quê hương Việt Nam.

Trở lại chủ đề chính, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Nếu Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản (CĐNVTNCS) phối hợp làm được, tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm, đúng ngày càng tốt (nếu không được thì nên trước hay sau ngày 10 tháng Ba Âm Lich vài ngày thôi vào dịp cuối tuần thì mới hợp tình hợp lý!) ở Âu Châu (Đức, Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ, Anh, Na Uy, Đan Mạch, Hoà Lan …) nói riêng và tại các quốc gia khác trên thế giới nói chung, tại những nơi có đông người Việt tỵ nạn cộng sản định cư như Mỹ, Gia Nã Đại hay Úc, chúng ta có thể biến đổi cái rủi từ tháng tư đen 1975, cái rủi của những người xa xứ lưu vong thành cái may và nối tiếp con đường của tiền nhân, của triều đại Hùng Vương hầu từ đó tạo nên được một khung trời Việt Nam mới tại hải ngoại qua những Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản mẫu mực, đoàn kết, phát triển không ngừng, qua những sinh hoạt phản ảnh hình thái văn hóa rất Việt Nam ngay trên mảnh đất tạm dung này để chúng ta hiên ngang, ngạo nghễ sánh vai cùng các cộng đồng của những sắc tộc khác. Và cũng từ đó CĐNVTNCS ở hải ngoại, vốn đã đào tạo rất nhiều nhân tài (Kỹ sư, Luật sư, Kinh tế gia, Tiến sĩ, Bác sĩ, Nha-Dược Sĩ…) từ gần bốn thập niên qua, sẽ lớn mạnh và dồi dào thêm về nhân sự, thành phần trí thức trên phương diện khoa học kỹ thuật, xã hội, kinh tế, tài chánh..v.v… Đây sẽ là những nhân tố rất quan trọng góp phần xây dựng một nước Việt Nam Tự Do, Dân Chủ, Phú Cường nếu nay mai cộng sản cáo chung, điều mà có lẽ tất cả người Việt ai ai cũng hằng ấp ủ, mong đợi xảy ra càng sớm càng tốt!

Đi từ ước mơ này, xin tất cả – nhất là những nhân sĩ có uy tín, đức độ và có khả năng thật sự (chắc chắn không thiếu trong CĐNVTN ở hải ngoại nhưng (có lẽ) vì lý do đặc biệt nào đó đã phải ẩn danh!)- hãy vì quyền lợi chung của tập thể NVTNcs tiếp tay nhau, cùng góp sức để chúng ta đốt sáng lại ngọn lửa và đề cao tinh thần Hùng Vương. Đối với chúng tôi, những người có tuổi, thuộc giới cao niên, chúng tôi mãn nguyện lắm rồi vì ít ra chúng tôi còn được nhìn tận mắt di sản Việt Nam tươi sáng. Còn riêng đối với thế hệ trẻ, qua đó anh chị em trẻ sẽ hiểu thêm được lịch sử và truyền thống dân tộc Việt để có thể tự đào luyện cho chính mình một nếp sống dựa trên tinh thần Hùng Vương, để mai sau giới trẻ sẽ tự hào, hãnh diện biết chừng nào khi đất giàu dân mạnh, khi nhìn thấy con đường tương lai của chính mình, thế hệ hậu duệ của dân tộc và đất nước Việt Nam thênh thang rạng rỡ!

Chính vì vậy, người viết (với khả năng hạn hẹp của mình) thành khẩn kêu gọi quí vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, quí vị lãnh đạo các hội đoàn, tổ chức, đảng phái quốc gia, quí bậc trưởng thượng và đồng hương tùy theo khả năng cổ xúy và càng tốt nếu cùng chung sức với “ban tổ chức” (mà tôi nghĩ làm việc hoàn toàn bất vụ lợi!) đóng góp cho ngày Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, làm sống lại tinh thần Hùng Vương của tiền nhân ở hải ngoại này hàng năm, nhằm mục đích xây dựng CĐNVTNCS chúng ta ngày càng mạnh, chặt chẽ hơn hầu từ đó có thể đáp ứng được nhu cầu của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản ở hải ngoại nói riêng và những biến chuyển thời sự quốc tế liên quan đến Việt Nam, nói chung.

Và điều rất quan trọng, NẾU có thể cố gắng tổ chức đúng ngày hay chỉ xê xích vài ngày thôi vì lý do bất khả kháng. Đi ngược lại nguyên tắc đơn giản mà ai cũng biết này chẳng những “hoàn toàn sai lầm mà còn chỉ dạy không đúng cho giới trẻ”, một việc rất nguy hại và nếu suy nghĩ chín chắn là KHÔNG nên làm dù bất cứ vì lý do nào. Từ cái nhìn liên quan đến lịch sử thì lại càng khó giải thích tại sao tự ý thay đổi ngày dù muốn tìm cách ngụy biện!

Có vậy chúng ta nói chung- nhất là những bậc trưởng thượng, cao niên- mới đủ tư cách để dạy dỗ và hướng dẫn giới trẻ hay con cháu được! Và xa hơn nữa mới có thể giải thích rõ ràng cho giới trẻ hay ngay cả đối với người ngoại quốc tò mò muốn tìm hiểu ngày tháng nào thật sự là ngày Giỗ Tổ cũng như vì sao người Việt tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương?. Đừng vì một mục đích riêng nào đó (nếu có) tự ý thay đổi “LỊCH SỬ” một cách bừa bãi, tổ chức Lễ Giỗ Tổ trước đó cả 5-6 tuần như có nơi đã làm để mọi người và nhất là người bản xứ KHÔNG đánh giá sai lầm sự hiểu biết của người Việt tỵ nạn cộng sản.

Được như thế thì chúng ta mới giương cao tinh thần Hùng Vương trên quê hương “tạm dung thứ hai” của mình và qua đó, người Việt lưu vong thể hiện rõ nét ý nghĩa tuyệt vời “đoàn kết, bầu ơi chung giàn” của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, 10 tháng 3 Âm Lịch!

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments