Friday, November 22, 2024
No menu items!
spot_img
HomeKinh TếTrung Quốc sắp tự trồng sầu riêng, Việt Nam sẽ gặp khó?

Trung Quốc sắp tự trồng sầu riêng, Việt Nam sẽ gặp khó?

Ngọc Lễ

Nỗ lực tự trồng sầu riêng ở Trung Quốc cùng với kết nối đường sắt Thái Lan-Lào-Trung Quốc đang đe dọa xuất cảng của sầu riêng Việt Nam vào Trung Quốc trong bối cảnh nông dân Việt Nam đang đổ xô đi trồng loại cây ăn trái này, theo tìm hiểu của VOA.

Sầu riêng trồng ở Trung Quốc

Tờ South China Morning Post hôm 22/5 dẫn nguồn từ Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV cho biết những trái sầu riêng đầu tiên được thu hoạch ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, sắp sửa được đưa ra thị trường vào tháng Sáu tới với sản lượng 2.450 tấn.

Tuy nhiên, theo lời ông Sam Sin, giám đốc phát triển của tập đoàn nông sản S&F Produce Group có trụ sở ở Hong Kong, được South China Morning Post dẫn lại thì vào lúc này các nước xuất cảng sầu riêng sang Trung Quốc chưa phải lo vì đảo Hải Nam có khí hậu cận nhiệt đới nên chất lượng sầu riêng ở đây không thể nào sánh được sầu riêng Thái Lan hay Việt Nam.

Một chuyên gia khác cũng có nhận định tương tự là ông Aaron Rabena, chuyên gia nghiên cứu thuộc Quỹ Con đường đi đến Tiến bộ châu Á-Thái Bình Dương ở Manila. Ông nhận định với South China Morning Post rằng trồng cây ăn trái ở đảo Hải Nam là ‘không ổn định’ và ‘không đủ đáp ứng’.

Tuy nhiên, nếu các nông dân Trung Quốc có tham vọng, biết áp dụng tự động hóa và cho ra sản phẩm với chi phí thấp thì các nước xuất cảng trái cây vào Trung Quốc sẽ mất đi sự tự tin, chuyên gia này cảnh báo.

Ông Đậu Bách Trung, tổng giám đốc công ty nông nghiệp Hải Nam Ưu Kỳ có trụ sở ở Tam Á, Hải Nam, được South China Morning Post dẫn lời nói ông hy vọng năm nay công ty ông sẽ thu hoạch được 50 tấn sầu riêng sau khi gửi công nhân đi học tập kỹ thuật canh tác ở các nước đông nam Á. Công ty ông cũng đang làm việc với Viện Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc để đẩy nhanh vòng sinh trưởng của sầu riêng từ 10 năm xuống còn 3 năm.

Công ty Hải Nam Ưu Kỳ đã nghĩ ra cách tự động hóa trong phân phối nước tưới, quản lý phân bón và giám sát thời tiết. Tuy nhiên, ông Đậu thừa nhận rằng trồng sầu riêng trên đảo Hải Nam cần sự chăm sóc của con người nhiều hơn và quan tâm chặt chẽ hơn.

Cạnh tranh khắp nơi

Trong khi đó, Philippines là quốc gia mới nhất vừa được Bắc Kinh cho phép xuất cảng trái sầu riêng sang nước họ theo đường chính ngạch, sau Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Nước này đặt mục tiêu xuất cảng 54.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc trong năm nay, cũng theo VnExpress.

Mặt khác, Trung Quốc cũng đã được Lào cho phép trồng sầu riêng trên đất Lào để tiêu thụ ở Trung Quốc. Diện tích trồng sầu riêng của Trung Quốc ở Lào bằng 27% diện tích sầu riêng của Việt Nam, trang mạng này cho biết.

Việt Nam lâu nay vẫn có lợi thế so với Thái Lan là có cửa khẩu và đường biên giới với Trung Quốc nên nông sản xuất cảng của Việt Nam, trong đó có sầu riêng, xuất vào Trung Quốc dễ dàng và tiện lợi hơn.

Tuy nhiên, lợi thế này đang mất dần sau khi Lào đưa vào sử dụng tuyến đường sắt cao tốc nối từ thủ đô Vientiane của họ đến Côn Minh – thủ phủ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc – do phía Trung Quốc xây dựng hồi cuối năm 2021, giúp hàng nông sản Thái Lan đến Trung Quốc nhanh chóng hơn.

Trang mạng của VTV hôm 21/4 đưa tin Thái Lan đã tăng cường xuất cảng trái cây tươi, trong đó có sầu riêng, sang Trung Quốc qua tuyến đường sắt cao tốc đi qua Lào, và chỉ trong một tuần, đã có 2 chuyến tàu vận chuyển gần 50 container trái cây tươi từ Thái Lan đi Côn Minh và Quảng Châu.

Do đó, trái cây tươi Thái Lan chỉ mất từ 3 – 4 ngày để đi từ Thái Lan đến Côn Minh. Nhờ đó mà trái cây Thái Lan vẫn giữ được độ tươi ngon khi sang đến Trung Quốc.

Thái Lan hiện nắm giữ thế thượng phong trong xuất cảng trái cây sang Trung Quốc. Chỉ riêng trái sầu riêng, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2022 là hơn 3 tỷ đô la Mỹ mà trong đó Thái Lan chiếm hơn 96%, theo số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan được VTV dẫn lại.

Rớt giá mạnh

Đến cuối tháng Tư và đầu tháng Năm, giá sầu riêng Ri6 của Việt Nam thu mua tại vườn ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ chỉ còn từ 50 đến 55 ngàn đồng một ký, theo khảo sát của VnExpress. So với mức giá đỉnh điểm hồi đầu tháng Hai khi xuất cảng sầu riêng sang Trung Quốc hút hàng, thì mức giá này chỉ còn 1/4.

Trang mạng này dẫn lời các nông dân cho biết nguyên nhân khiến sầu riêng rớt giá mạnh là do hiện giờ sầu riêng Việt Nam đang vào vụ thu hoạch – cùng lúc với sầu riêng Thái Lan và Philippines, hai nước cũng đã được cho xuất chính ngạch loại trái cây này sang Trung Quốc – nên sầu riêng Việt Nam không còn được các đối tác Trung Quốc thu mua ồ ạt như trước.

Trang mạng này cho biết trên khắp các vùng chuyên canh sầu riêng ở Việt Nam như các tỉnh miền Tây, miền Đông, sầu riêng đang được thu hoạch rộ nên nguồn cung rất dồi dào. Đài Truyền hình nhà nước VTV hôm 12/5 cho biết ‘sầu riêng Việt Nam năm nay trúng mùa với chất lượng khá tốt’ và ‘sầu riêng tiếp tục thu hoạch rộ, đáp ứng cả nhu cầu xuất cảng và tiêu thụ nội địa’.

Tờ Tuổi Trẻ hôm 10/5 dẫn lời ông Huỳnh Tấn Lộc – giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp, Tiền Giang – cho biết: “Không chỉ Tiền Giang mà hiện nay sầu riêng đang vào vụ và các tỉnh thành như Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ… đều có. Thậm chí một số nước cũng đã vào vụ sầu riêng và đang cạnh tranh với sầu riêng Việt Nam.”

Mặc dù sầu riêng rớt giá mạnh nhưng các nông dân vẫn còn lời tương đối, cũng theo VnExpress, nên hiện giờ trong nước chưa có chiến dịch ‘giải cứu sầu riêng’ như đã từng xảy ra đối với các loại trái cây khác trước đây khi gặp trở ngại từ thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nông dân trồng sầu riêng ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang, được Tuổi Trẻ dẫn lời nói rằng với mức giá giảm sâu như hiện nay, nhà vườn vẫn có lời từ 5.000 đến 10.000 đồng mỗi ký sầu riêng.

Thị trường ‘nhiều rủi ro’

Trao đổi với VOA từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển (IDS), nhận định rằng Việt Nam có lợi thế địa lý ‘sát nách với Trung Quốc’ để có thể tận dụng thị trường khổng lồ này đối với trái sầu riêng.

“Tuy nhiên thị trường Trung Quốc rất dễ biến động. Những quy định của Trung Quốc thay đổi xoành xoạch tùy thuộc vào tình hình chính trị của Trung Quốc với Việt Nam,” ông nói. “Đó là yếu tố rất đáng cân nhắc và đáng lo cho các nhà sản xuất Việt Nam, không chỉ là sầu riêng.”

Ông chỉ ra những vụ việc trong giao thương với Trung Quốc đã từng xảy ra rất nhiều lần là giá cả một loại nông sản nào đó lên khiến bà con rất mừng, đổ xô đi trồng loại trái cây đó nhưng đùng một cái lại rớt giá vì xuất cảng sang Trung Quốc bị tắc lại.

“Nông dân trở tay không kịp nên không thể bỏ tất cả trứng vào một giỏ,” ông A nói với ngụ ý không thể dựa vào một thị trường dù lớn đến mấy như Trung Quốc cho nông sản Việt Nam, trong đó có sầu riêng.

Do đó, ông lưu ý bên cạnh việc tìm cách tận dụng thị trường rộng lớn của Trung Quốc thì các nhà xuất cảng Việt Nam cũng cần có sẵn kế hoạch ứng phó rủi ro.

Thị trường Trung Quốc chiếm đến 83% kim ngạch xuất cảng sầu riêng của Việt Nam, theo trang mạng VnExpress.

“Cần có sẵn những kịch bản như nếu chuyện này xảy ra thì phải phản ứng như thế nào để phản ứng kịp thời,” ông A khuyến nghị và cho rằng Việt Nam nên tận dụng thị trường nội địa với 100 triệu dân phòng trường hợp thị trường Trung Quốc gặp vấn đề.

Ông cũng thừa nhận Việt Nam khó xuất cảng trái cây nhiệt đới sang Mỹ và châu Âu do không hợp thị hiếu. Trong khi đó, người dân Trung Quốc rất ưa chuộng các loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam, đặc biệt là sầu riêng.

“Tại sao chỉ bán sầu riêng hay trái cây tươi? Nếu nền công nghiệp chế biến phát triển thì nó giải quyết được vấn đề được mùa, cung tăng đột ngột. Khi đó hàng hóa không những không mất giá mà còn tăng được giá trị lên,” ông lập luận.

Ông cho rằng nông dân chỉ chạy theo lợi ích trước mắt nên ‘rất cần vai trò điều tíết của Nhà nước’.

Hiện tại diện tích vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc cấp mã số để được xuất cảng chính ngạch chỉ chiếm khoảng 15-20% sản lượng sầu riêng của Việt Nam, theo Tuổi Trẻ. Số còn lại chủ yếu tiêu thụ trên thị trường nội địa.

Bất chấp khuyến cáo liên tục của giới chức nông nghiệp Việt Nam là không nên trồng quá nhiều sầu riêng khiến cung vượt cầu nhưng nông dân Việt Nam vẫn tiếp tục ồ ạt chuyển sang trồng loại cây này. Vào lúc đỉnh điểm thương lái Trung Quốc gom hàng sầu riêng, các nhà vườn có lời từ 1 đến 2 tỷ đồng một hectare, gấp nhiều lần các loại cây ăn trái khác, theo Tuổi Trẻ.

Còn ở Philippines, quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc vốn cũng vừa được Bắc Kinh cho phép xuất cảng chính ngạch sầu riêng, Thượng nghị sỹ Imee Marcos được South China Morning Post dẫn lời nói việc trông chờ Trung Quốc ‘mua hết số sầu riêng mà Philippines trồng trong nước có thực tế hay không’ khi mà Bắc Kinh đã bất mãn thấy rõ trước việc Manila tăng cường huấn luyện quân sự với Mỹ.

Cũng theo tờ báo này, trong năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu 824.000 tấn sầu riêng với giá trị hơn 4 tỷ đô la Mỹ, tăng gấp 4 lần so với năm 2017.

Ngọc Lễ

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments