Không chỉ người Duy Ngô Nhĩ, mà cả nhà báo nước ngoài tới Tân Cương cũng bị đưa vào kho dữ liệu lớn (big-data) của hệ thống theo dõi và cảnh báo, gồm cả nhận dạng khuôn mặt tự động qua hệ thống camera của cảnh sát, theo National Review báo cáo hôm Thứ Ba với miêu tả đó là nỗ lực để đạt tới “kiểm soát từng tất đất” của ĐCSTQ, trích dẫn nghiên cứu của nhóm IPVM.
“Dự án này cho thấy chính quyền Trung Quốc vô cùng sợ báo cáo độc lập về Tân Cương, bất chấp họ từng tuyên bố rằng khu vực này mở cửa cho thế giới. Nó cũng xác nhận rằng cảnh sát Trung Quốc vẫn bị ám ảnh bởi việc nhắm mục tiêu và theo dõi toàn bộ một nhóm dân tộc, người Duy Ngô Nhĩ, trong một hành vi phân biệt chủng tộc rõ ràng cần phải chấm dứt,” theo Charles Rollet của IPVM.
Theo báo cáo của nhóm IPVM —một nhóm chuyên về camera giám sát và các giải pháp an ninh, có trụ sở ở Hoa Kỳ— một dự án được công bố đấu thầu trực tuyến hồi tháng 2 ở Thượng Hải đã cho thấy Trung Quốc có kế hoạch tăng cường khả năng của hệ thống theo dõi giám sát của Thượng Hải.
Tạp chí National Review của Hoa Kỳ đã xem xét hồ sơ mời thầu của cảnh sát Tùng Giang (quận đông dân nhất của Thượng Hải) và kết hợp với phân tích của IPVM, từ đó cảnh báo về kế hoạch của ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) mà tạp chí miêu tả là “được đưa ra trong bối cảnh nỗ lực tăng cường đóng cửa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.”
Dự án đã được trao cho một nhà thầu chính quyền địa phương để triển khai. Nó xây dựng một hệ thống big-data khổng lồ sàng lọc thông tin được tổng hợp từ nền tảng đám mây do cảnh sát Thượng Hải quản lý do Alibaba cung cấp. Hệ thống này sau đó sẽ theo dõi các loại người cụ thể. Ngoài các nhà báo nước ngoài và người Duy Ngô Nhĩ, thì gồm cả một số nhóm khác như buôn bán ma túy, gái mại dâm, và người nước ngoài có giấy phép lao động hết hạn.
Để tạo hồ sơ về các nhà báo cá nhân đã đến Tân Cương, hệ thống sẽ tổng hợp nhiều nguồn thông tin khác nhau, bao gồm vé máy bay và vé tàu. Tài liệu nói rằng hệ thống sẽ “lọc hồ sơ chuyến bay hoặc chuyến tàu đã đến Tân Cương, và kiểm tra chéo thông tin đó với thông tin cơ bản của cơ sở dữ liệu nhân sự ở nước ngoài, để trích xuất thông tin của nhân viên đã đến Tân Cương, và liên kết thông tin đó với thông tin của các nhà báo nước ngoài sống ở Trung Quốc, cũng như thông tin của các nhân viên thực sự đã thay đổi ID của họ ở Thượng Hải, để tạo thông tin về các nhóm nhân sự đặc biệt ở nước ngoài.”
ĐCSTQ đã biến Tân Cương thành một nhà tù ‘lộ thiên’ như một phần của chiến dịch diệt chủng nhằm tiêu diệt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Thổ Nhĩ Kỳ khác. Cho nên các nhà báo nước ngoài phải đối mặt với sự giám sát gắt gao khi họ đi du lịch ở đó.
Như trường hợp năm 2021, một nhóm CNN mạo hiểm đến Tân Cương để tìm con của những người Duy Ngô Nhĩ di cư ở nước ngoài, và họ đã bị các nhân viên an ninh mặc thường phục theo dõi mọi ngã rẽ và chặn không cho đi theo những con đường có khả năng đưa họ đến các trung tâm giam giữ.
Geoffrey Cain, một nhà báo từng đưa tin từ Tân Cương bình luận rằng nếu xem xét các biện pháp kiểm soát hiện có đối với việc tiếp cận Tân Cương của người nước ngoài, thì hệ thống cảnh báo Tùng Giang “hoàn toàn không phải là một sự phát triển đáng ngạc nhiên”. Cain đã bị trục xuất khỏi khu vực sau khi các quan chức an ninh giam giữ ông và buộc ông phải xóa nội dung khỏi điện thoại của mình vào năm 2017.
Ông Cain nói, dự án dữ liệu lớn này “gần như chắc chắn sẽ tăng cấp độ lên tới giới chức cấp Đảng quốc gia. Đó chính là cách làm việc của hệ thống [Trung Quốc],” khi các quan chức cấp địa phương cố gắng gây ấn tượng với cấp trên về cam kết hoàn toàn của họ đối với các mục tiêu của Đảng để giành được sự thăng tiến.
“Mục tiêu của ĐCSTQ cấp quốc gia là tạo ra một nhà nước an ninh tuyệt đối,” theo ông Cain, người từng viết một cuốn sách về chủ đề đó với tiêu đề “Nhà nước cảnh sát hoàn hảo.”
Đương nhiên, cuộc đàn áp đó đã khiến cuộc sống của một số nhà báo nước ngoài ở lại Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, và công cụ mới này để tạo cảnh báo cho những người dám đến Tân Cương có thể khiến họ gặp nhiều rủi ro hơn. Một phóng viên của LA Times đã bị giam giữ trong 4 giờ và bị hành hung khi đang đưa tin về các cuộc biểu tình ở khu vực Nội Mông của Trung Quốc vào năm 2020.
Tin tức về dự án Tùng Giang cũng trùng hợp với những phát hiện mới từ nhóm nhân quyền Safeguard Defenders, cho thấy ĐCSTQ đã tăng sử dụng lệnh cấm xuất cảnh để ngăn cản các nhà báo nước ngoài, những người ủng hộ nhân quyền và những người khác rời khỏi Trung Quốc. Báo cáo mới nhất của nhóm nhân quyền này, vừa mới công bố gần đây, chỉ ra rằng ít nhất 4 nhà báo nước ngoài đã phải chịu lệnh cấm như vậy kể từ năm 2018.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với National Review, khi trả lời các câu hỏi về kế hoạch của nền tảng giám sát Thượng Hải, rằng Hoa Kỳ kêu gọi các quan chức Trung Quốc đảm bảo rằng các nhà báo có thể báo cáo tự do và rằng họ “quan ngại sâu sắc với sự giám sát ngày càng khắc nghiệt, quấy rối, và đe dọa các nhà báo ở Trung Quốc.”
“Môi trường dành cho các nhà báo nước ngoài làm việc tại Trung Quốc – cả các trường hợp khác chứ không chỉ trường hợp đặc biệt là những người làm việc cho các tổ chức truyền thông Hoa Kỳ— đã xuống cấp nghiêm trọng trong những năm gần đây, khiến các nhà báo vẫn còn ở trong nước hoạt động hoặc các nhà báo nước ngoài vào Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn,” theo người phát ngôn. “Ngược lại, các nhà báo nước ngoài ở Hoa Kỳ đã và sẽ tiếp tục được hưởng quyền tự do báo chí, bao gồm cả quyền truy cập phương tiện truyền thông không được phép ở Trung Quốc.”
Dân biểu Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Tuyển chọn Hạ viện của ĐCSTQ, đã cảnh báo rằng chính quyền Trung Quốc thậm chí có thể tìm cách xuất khẩu những kỹ thuật này. Ông nói: “Việc ĐCSTQ theo dõi và quấy rối các nhà báo nước ngoài đang cố gắng đưa tin về nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ đang diễn ra ở Tân Cương chỉ thu hút sự chú ý đến hành vi giống như mafia và sự coi thường nhân quyền của họ,” và “Nếu chúng ta nhắm mắt làm ngơ, sự giám sát kỹ trị toàn trị của Đảng và tấn công quyền tự do báo chí sẽ không chỉ giới hạn ở Trung Quốc, khi giấc mơ của ĐCSTQ là kiểm soát truyền thông toàn cầu.”
Vai trò của Alibaba (công ty không phản hồi yêu cầu bình luận) cũng rất quan trọng. Ông Rollet nói rằng công ty “đang tạo điều kiện cho chủ nghĩa độc đoán công nghệ ở quy mô đáng lo ngại và cần phải giải thích công khai về chính mình.”
Ông Cain nói rằng dù bản thân công ty thương mại điện tử này đã bị Đảng đàn áp bao nhiêu lần, bao gồm cả việc người sáng lập Jack Ma bị câu lưu, nhưng Alibaba hoàn toàn tuân thủ mệnh lệnh của Đảng: “Bất cứ khi nào chúng tôi làm ăn với các công ty Trung Quốc, chúng tôi có thể cho rằng họ đang theo dõi chúng tôi vì họ bị bắt buộc [làm thế], và chúng tôi phải thừa nhận rằng họ đang làm những điều khủng khiếp [hơn] với người ở Trung Quốc, bởi vì chính phủ yêu cầu họ làm như vậy.”
(Nhật Tân)