Lê Nguyễn
Những câu chuyện về Từ Dụ Hoàng Thái hậu đã thuộc về lịch sử từ 150 năm trước, song đến nay chúng vẫn còn là những tấm gương ngời sáng để hậu thế soi chung, đặc biệt cho những ai đang lãnh trọng trách cầm cân nảy mực chốn công đường.
Năm 1558, nhiều gia đình sĩ phu đất Bắc đã đi theo Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp ở vùng đất mới. Trong số những người này có Phạm Đăng Khoa, rất giỏi chữ nghĩa, nhưng không muốn cộng tác cùng họ Trịnh. Ông đưa gia đình đến ở huyện Võ Xương (Quảng Trị), sau dời về huyện Hương Trà (Thừa Thiên). Từ đó, dòng họ Phạm Đăng thực hiện dần cuộc “Nam tiến”. Con Đăng Khoa là Phạm Đăng Tiên làm huấn đạo huyện Tư Nghĩa, rồi dời nhà vào huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Đến đời thứ ba là Phạm Đăng Xương lại dời về huyện Tân Hoà (Gò Công, Gia Định).
Phạm Đăng Hưng thuộc đời thứ năm. Ông sinh năm 1765 trên đất Gò Công và theo phò chúa Nguyễn Phúc Ánh trong những năm tháng lưu lạc trước sức tiến công mạnh mẽ của quân đội Tây Sơn. Sau khi chúa Nguyễn thống nhất đất nước, lấy niên hiệu Gia Long (1802), rồi lên ngôi hoàng đế (1806), Phạm Đăng Hưng được thăng đến Lễ bộ Thượng thư, là một trong những công thần của triều đại đương thời.
Năm 1820, trước lúc thăng hà, vua Gia Long cho vời ông và Lê Văn Duyệt đến để uỷ thác trách nhiệm giúp đỡ sử quân điều hành việc nước. Năm đó, người con gái đầu lòng của Thượng thư Phạm Đăng Hưng và bà Phạm Văn Thị là Phạm Thị Hằng (Từ Dụ thái hậu sau này) mới lên 10 tuổi nhưng đã sớm biểu lộ tư chất thông minh và lòng hiếu để hiếm có.Tuy là tiểu thư đài các nhưng mỗi khi mẹ lâm bệnh, bà không để cho gia nhân phục dịch mà khuya sớm đích thân hầu hạ cho đến khi mẹ khỏi bệnh.Đức hạnh và lòng hiếu để của bà sớm gây được sự chú ý của Thuận Thiên Cao hoàng hậu (vợ vua Gia Long, mẹ ruột vua Minh Mạng) nên đến năm 1823, bà được tuyên triệu vào cung để chầu hầu Hoàng trưởng tử của nhà vua là Miên Tông (vua Thiệu Trị sau này) (Đại Nam liệt truyện Tập III, Quyển 2, Mục 2). Trong thời gian này, mối quan hệ giữa bà và Linh Phi (con gái Quận công Nguyễn Văn Nhân, được đưa vào cung hầu hoàng tử Miên Tông trước bà một ngày) cùng các cung nhân khác diễn ra tốt đẹp, phần lớn nhờ ở lòng nhân hậu, tính khiêm tốn của bà.Khi Hoàng tử Miên Tông trở thành vua Thiệu Trị (1841–1847), bà được phong làm Cung tần rồi Thành phi, Quý phi và cuối cùng ở địa vị cao nhất trong hàng vợ vua là Nhất giai phi (vào thời Nguyễn, ngoại trừ triều Gia Long và Bảo Đại, không có lệ phong vợ vua làm hoàng hậu lúc sinh thời). Trong đời sống cung cấm, bà luôn làm tròn vai trò của một người vợ hiền. Mỗi khi nhà vua thức khuya đọc sách, bà thường ở bên cạnh, chăm sóc từng miếng ăn thức uống, lắm khi đến gà gáy sáng, bà mới chịu đi ăn. Có lần vua Thiệu Trị ngự giá Bắc tuần, cho bà theo hầu để giữ các báu vật như ngọc ấn, sắc chiếu… đến khi quay về triều, các cung nhân sửng sốt nhìn thấy bà gầy gò, tiều tuỵ vì quá cực nhọc trong việc chăm sóc nhà vua.Năm 1847, vua Thiệu Trị thăng hà, truyền ngôi cho hoàng tử thứ hai là Hồng Nhậm với niên hiệu Tự Đức (1847–1883). Trở thành mẹ vua trong lúc sử quân mới 18 tuổi (vua Tự Đức sinh năm 1829), trách nhiệm của bà nặng nề hơn bao giờ hết. Khi nhà vua cùng các hoàng thân và đại thần đến xin bà làm lễ tấn tôn Hoàng Thái hậu, bà đã dụ rằng: “Ta xem sớ văn, đã biết hoàng đế và các quan có lòng thành rồi. Nhưng nghĩ quan tài tiên đế còn quàn chưa được trăm ngày, trong lòng đau thương luyến tiếc, không thể thôi được. Lại nghĩ: hoàng đế tuổi còn trẻ, chưa am chính thể, thường thấy buổi sớm chăm lo, buổi tối sợ hãi, chẳng tưởng ăn ngủ, lòng ta rất là thương xót. Vả lại, hoàng đế nhận mệnh lớn của Trời, làm quân sư cho dân, phải lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau sự vui của thiên hạ. Phàm những lời tiên đế đã dạy bảo, mà hoàng đế đã vâng theo, nên ghi vào trong lòng để mưu nghĩ nối chí theo việc… Đến như việc xin suy tôn, không nên cử hành là phải…” (Đại Nam liệt truyện-NXB Thuận Hóa, Huế-1997-trang 28-29).
Vua Tự Đức
Năm 1849, vua Tự Đức cho thiết lập Gia Thọ cung, rước bà sang ở, lúc đó bà mới chịu nhận tôn hiệu Hoàng Thái hậu. Tuy Tự Đức là vị vua có học vấn và phẩm hạnh, nhưng đối với ông, bà vẫn luôn là một người mẹ rất nghiêm cẩn. Câu chuyện do Tổng đốc Thân Trọng Huề (1869–1925) kể lại là một dẫn chứng sinh động về lối giáo dục con cái của bà Từ Dụ, dù cho đối tượng giáo dục có là một ông vua đi chăng nữa. Thời ấy, vua Tự Đức rất mê săn bắn ở rừng Thuận Trực cách kinh thành Huế 15km. Một hôm, gặp lúc nước lụt, thuyền ngự về chậm, bà Từ Dụ sinh lo bèn sai Nguyễn Tri Phương cùng một số quan quân đi tìm. Đến tối, nhà vua về tới cung điện. Ông chạy ngay tới Gia Thọ cung để xin chịu phạt, thấy bà Từ Dụ ngồi quay mặt vào màn, biết là mẹ rất giận nên lẳng lặng đi lấy một cây roi mây để cạnh bà và nằm dài xuống xin chịu đòn. Hồi lâu sau, bà mới quay mặt lại, lất tay hất cây roi ra rồi nói: – Thôi, ta tha cho. Đi chơi để quan quân tìm kiếm cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta.
Câu chuyện cho thấy chẳng những bà rất nghiêm cẩn khi cư xử với con mà còn có lòng nhân hậu với người dưới nữa. Trong suốt mấy mươi năm, chương trình làm việc của vua Tự Đức rất chặt chẽ: ngày chẵn vào chầu cung, ngày lẻ thì ngự triều. Trong những ngày chầu cung, Từ Dụ Thái hậu đem những công đức của liệt thánh tiên triều kể lại cho vua nghe, phân tích những điều hay lẽ phải trong lịch sử Trung Hoa cũng như của các triều đại ở nước ta. Nhà vua lắng nghe và ghi những lời mẹ dạy vào một quyển riêng, sau hợp thành tập Từ huấn lục. Đối với hàng hoàng thân quốc thích, bà Từ Dụ nêu gương cần kiệm triệt để. Ai dâng sô sa, châu ngọc (thường của các nước láng giềng) thì chỉ thị giao về kho, phần mình chỉ ăn mặc như người thường, vẫn hay bảo các con cháu rằng một sợi tơ, một hạt thóc là mồ hôi nước mắt của dân nên không được phép lãng phí. Các công chúa và người trong hoàng tộc ai thiếu thốn thì bà trợ cấp, nhưng vẫn thường dạy rằng: “Các ngài bổng lộc vẫn nhiều, nếu biết lường số chi cho đúng số thu thì việc gì mà thiếu, chỉ lo xa hoang, lãng phí, đến đỗi chi tiêu không đủ, phải vay mượn người ta, nợ lời cứ chất thêm lên, thì dầu ta ban cấp bao nhiêu cũng không thể đủ” (Báo Phụ nữ tân văn số 23 năm 1930).
Còn đối với họ ngoại nhà vua, tức thân tộc ruột thịt của bà, bà còn nghiêm khắc hơn nữa. Có người trong họ bà không ham học hành nhưng muốn vào cung làm thị vệ, bà nghe được, bảo rằng : “Mầy là người thích lý, ta đã cấp tiền, cấp bạc, dựng cửa, dựng nhà cho là muốn cho mầy học hành nên người, ai ngờ mầy biếng nhác hư thân, lại ỷ thế cự thần, muốn làm chức này, chức nọ. Làm thị vệ có chức trách thị vệ, không có lẽ ngồi không mà ăn lương, cậy thân mà việt phận, như vậy chẳng hóa trái lẽ lắm sao!”(PNTV 23/1930 – Đại Nam liệt truyện – sđd, trang 52).
Theo lệ thời Nguyễn, vua và Hoàng Thái hậu đến những mức tuổi 40, 50, 60, 70… thì tổ chức lễ khánh tiết hay thánh thọ. Những dịp này, không thoái thác được, bà chỉ cho tổ chức hết sức đơn giản. Năm 1868, nhân sắp đến kỳ lục tuần đại khánh tiết của bà, vua Tự Đức cùng quần thần muốn tấn tôn huy hiệu, bà đã dụ: ”Giặc Bắc chưa dẹp yên, đất Nam kỳ chưa lấy lại… Trong thời kỳ khốn đốn, vua nên thức khuya dậy sớm, tối nên nếm mật nằm gai, làm sao cho thiên hạ thái bình, thì ta mới được vui lòng hả dạ, còn những cái hư danh vô ích, ta không dám đương..” (PNTV 23/1930)Sau ngày vua Tự Đức mất, đáng tiếc bà đã không còn đủ uy lực để ngăn chặn những rối loạn liên tục diễn ra tại triều đình Huế. Năm 1887, vua Đồng Khánh tấn tôn bà huy hiệu Từ Dụ Bác Huệ Thái Hoàng thái hậu; đến năm Thành Thái nguyên niên (1889), bà lại được tấn tôn làm Từ Dụ Bác Huệ Khang Thọ Thái – Thái Hoàng Thái hậu. Sau những thất bại của phong trào Cần vương do vua Hàm Nghi khởi xướng, bà sống âm thầm trong lãnh cung cho đến lúc mất vào ngày mồng 5 tháng 4 âm lịch – 1902, thọ 93 tuổi và được dâng tôn thuỵ là Nghi Thiên Tán Thành Từ Dụ Bác Huệ Trai Túc Tụê Đạt Thọ Đức Nhân Công Chương hoàng hậu (các sách sử về sau gọi tắt là Nghi Thiên Chương hoàng hậu).Thế kỷ XIX, bên cạnh những thối nát, bất lực của xã hội phong kiến, Từ Dụ Thái hậu với những đức tính muôn thuở của người phụ nữ Việt Nam: hiếu thảo với cha mẹ, tận tuỵ với chồng, nghiêm cẩn trong giáo dục con cái, thẳng thắn trong xử sự với họ hàng và nêu gương cần kiệm của bản thân…, đến nay vẫn còn nguyên giá trị một tấm gương sáng để mọi người soi chung