Tại Pháp, các công đoàn hy vọng sẽ huy động được đến 1,5 triệu người biểu tình trên toàn quốc hôm 01/05/2023, nhân Ngày Quốc tế Lao động, để chứng minh là cuộc đấu tranh chống cải tổ hưu trí vẫn tiếp diễn, cho dù giới công đoàn vẫn chưa thống nhất ý kiến về chiến lược tiếp theo của phong trào.
Các công đoàn khẳng định ngày 1 tháng 5 năm nay sẽ là một ngày “lịch sử” và “mang tính lễ hội”. Nhưng nhà chức trách Pháp dự báo tổng số người xuống đường hôm này sẽ chỉ là khoảng từ 500.000 đến 650.000 người, trong đó có từ 80.000 đến 100.000 người ở Paris.
Tại thủ đô Pháp, đoàn biểu tình xuất phát lúc 14 giờ từ quảng trường République để tuần hành đến quảng trường Nation, với sự tham gia của các đại diện công đoàn nhiều nước trên thế giới.
Từ quảng trường République (Cộng hòa), đặc phái viên ban Việt ngữ RFI Chi Phương gởi về bài tường trình :
Tại quảng trường Cộng Hòa, nhiều sạp hàng ăn được mở ra, bố trí cả ghế ngồi, ngay cạnh những sạp hàng bán hoa linh lan (muguet), trong tiếng nhạc phát ra từ loa thùng, được đặt trên những chiếc xe bán tải.
Xung quanh khu vực quảng trường và đại lộ Voltaire, cờ và băng rôn của các hiệp hội hoặc công đoàn trong các ngành khác nhau đã được treo lên từ sớm. Bà Evelyne cùng những người thuộc hiệp hội Attac đã có mặt tại đại lộ Voltaire từ 10 giờ sáng. Bằng những bìa carton, bà cùng 2 người khác hóa trang thành cận vệ của Hoàng đế La Mã, vốn là những người bảo vệ hoàng đế vào thời kỳ cuối cùng của đế quốc. Bà cho biết “đây là thông điệp để nói về một nước Pháp đang trên đường đi đến sụp đổ”. Không chỉ phản đối cải cách hưu trí, bà cùng Hiệp hội Attac có mặt tại đây để đòi công bằng xã hội, tăng lương và nhất là công bằng về thuế, tức là đánh thuế những người giàu.
Nicolas và Jean-Luc đã đến Paris từ 7 giờ sáng hôm nay, từ vùng Alsace, miền đông bắc Pháp, sau một đêm trên xe buýt. Có mặt tại hầu hết các cuộc biểu tình phản đối cải cách hưu trí, Nicolas cho biết trên thực tế ông đã tham gia đấu tranh từ 5 năm qua, từ hồi phong trào Áo Vàng, đòi quyền lợi cho giới lao động.
Khoảng 12 giờ, đại diện của liên đoàn đã có mặt, đứng ở đầu đoàn tuần hành, phía đại lộ Voltaire. Cũng như các cuộc biểu tình khác, lực lượng an ninh được tăng cường, kiểm tra đột xuất túi xách của một số người biểu tình, nhưng đây là lần đầu tiên drone được triển khai để giám sát cuộc tuần hành.
Theo nguồn tin cảnh sát được hãng tin AFP trích dẫn, tham gia biểu tình hôm nay còn có từ 1.500 đến 3.000 người “Áo Vàng” và từ 1.000 đến 2.000 phần tử “nguy cơ cao”. Nhà chức trách Pháp phải huy động đến 12.000 cảnh sát và hiến binh để bảo đảm an ninh, trong đó ở Paris là 5.000.
Về tình hình đình công, các phương tiện chuyên chở công cộng hôm nay không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng về giao thông hàng không thì có từ 25% đến 30% số chuyến bay bị hủy tại các sân bay lớn của Pháp. Riêng sân bay Orly thì tình hình rối loạn sẽ kéo dài đến ngày mai.
Đây là cuộc biểu tình thứ 13 theo lời kêu gọi của các công đoàn để đòi chính phủ của tổng thống Emmanuel Macron rút lại luật cải tổ hưu trí. Cuộc biểu tình hôm nay diễn ra mặc dù Hội đồng Bảo Hiến đã thông qua nội dung chủ yếu của luật và văn bản này đã được tổng thống ký ban hành.
Với hy vọng phong trào rồi sẽ lắng dịu, thủ tướng Elisabeth Borne sẽ gởi lời mời đến các công đoàn vào tuần tới để thảo luận với họ, theo tin của văn phòng thủ tướng. Trước thông tin này, các công đoàn bắt đầu thể hiện sự bất đồng với nhau. Hôm qua, lãnh đạo của công đoàn CFDT Laurent Berger cho biết là công đoàn của ông sẽ thảo luận với thủ tướng Borne nếu được mời, trong khi đó lãnh đạo của công đoàn CGT thì nhắc lại là đến sáng mai, 02/05, các công đoàn mới ra một quyết định chung.
(Theo Thanh Phương/RFI)