Vĩnh Anh
Dưới thời vua Tự Đức, giặc Pháp bắt đầu tiến hành cuộc xâm lược nước ta. Trước nguy cơ vong quốc, quân đội và nhân dân Đại Nam, tuy chỉ với các phương tiện chiến đấu hãy còn lạc hậu, thô sơ, nhưng, với tinh thần dân tộc bất khuất, trên dưới một lòng, cùng chung vai, gắng sức để chống cự giặc ngoại xâm. Trong cuộc chiến đấu ấy, đã có không biết bao nhiêu giọt mồ hôi, nước mắt, và máu tươi của những chiến sĩ đã ngã xuống. Bên cạnh đó, còn có những người, tuy không trực tiếp cầm súng giết giặc; nhưng bằng những ngòi bút, dòng mực của mình đã viết nên những tấu sớ, những bản điều trần, v.v.. .để dâng lên vua và triều đình. Nội dung chính của những đạo sớ, bản điều trần là sửa đổi, cải cách lại các chính sách ngoại giao, kinh tế, văn hóa, và quốc phòng của triều đình cho phù hợp với tình hình thực tế. Nhưng thật đáng tiếc, những phương sách, diệu kế ấy của họ đã không được vua Tự Đức và các quan đại thần chấp nhận.
Những nhà ái quốc, chí sĩ cứu nước bằng ngòi bút của mình là ai?
Năm Ất Sửu (1865), Tự Đức thứ 17, Tả tham tri bộ Lại Phạm Phú Thứ, được vua Tự Đức cử đi sứ ở Pháp để thương thuyết việc trả lại 3 tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa trở về. Ông bèn dâng một đạo sớ dâng lên vua Tự Đức; trong đó, ông khẩn khoản đề nghị nhà vua cho tiến hành lập trường thủy học, mời thầy ngoại quốc về dạy kỹ thuật hàng hải. Ông nhấn mạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường thủy, chính là vấn đề tối ưu của các nước văn minh phương Tây. Cũng trong đạo sớ ấy, ông còn đề nghị với nhà vua: bỏ chữ Hán thay bằng chữ Quốc ngữ, vì ông nghĩ rằng chữ Hán học lâu, gây cản trở cho tiến trình phát triển nước nhà.
Sang đến năm Quý Dậu (1873), Tự Đức thứ 26, ông lại dâng sớ lên vua Tự Đức một lần nữa. Nội dung chính của đạo sớ lần này, ông đề nghị nhà vua cho tiến hành cải tổ lại quân đội theo kiểu Tây phương. Bên cạnh đó, ông thiết tha đề nghị nhà vua thực hiện chính sách mở cửa buôn bán, và kết thân với người nước ngoài để tăng cường các mối quan hệ đối tác ngoại giao chiến lược; trước mắt tìm cách mở lãnh sự quán ở Hương Cảng (Hồng Kông).
Vào năm Mậu Thìn (1868), Tự Đức thứ 21, các quan khâm phái Trần Đình Túc và Nguyễn Huy Tế được cử đi sứ sang nước Anh để tạ ơn, sau đó từ Hương Cảng trở về. Hai ông đã cùng dâng lên vua Tự Đức một đạo sớ; trong đó, cả hai thiết tha đề nghị nhà vua cho tiến hành việc khai thông hải cảng, mở cửa giao lưu buôn bán với thế giới. Ngoài ra, trong đạo sớ ấy, hai ông phân tích những nhược điểm và nguy hại của chính sách bế môn tỏa cảng của triều đình ta lúc bấy giờ.
Cũng trong năm ấy, có giáo dân Đinh Văn Điền, người huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình dâng mật sớ lên nhà vua tâu các việc: lập sở dinh điền, mở mỏ vàng, làm tàu hỏa, mời người nước ngoài qua dạy; kết giao với nước Anh. Ngoài ra, ông còn đề nghị với nhà vua cho chấn chỉnh lại quân đội, nhưng tiếc thay cho ông, các quan đại thần trong triều nghị sự và cho rằng những vấn đề cải cách của ông không hợp với thời thế cho lắm, nên bỏ qua không thực hiện.
Tháng 12, năm Nhâm Thân (1872), Tự Đức thứ 25, có vị quan trong Viện Cơ mật xin nhà vua cho mở sở buôn bán với người nước ngoài ở 3 cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt, và Đồ Sơn. Vua Tự Đức đưa ra trước triều đình để nghị bàn, nhưng đình thần có ý kiến là việc giao thương với nước ngoài ở 3 cửa biển nói trên có nhiều bất lợi hơn thuận lợi, vì thế chưa cần thiết phải làm.
Tháng 5, năm Kỷ Mão (1879), Tự Đức thứ 27, Nguyễn Hiệp đi sứ Xiêm về tâu lên vua Tự Đức rằng: “Nước Xiêm có chính sách ngoại giao rất khôn khéo; tuy mở cửa giao thương với phương Tây, nhưng vẫn giữ chủ quyền, người ngoại quốc không hiếp chế được”.
Trong số những người yêu nước, những vị quan đã sử dụng ngòi bút chiến đấu của mình để cứu nước nêu trên, không thể không nhắc đến vai trò nổi trội nhất của nhà ái quốc, chí sĩ Nguyễn Trường Tộ.
Nhà ái quốc, chí sĩ Nguyễn Trường Tộ
Nguyễn Trường Tộ sinh năm Minh Mạng thứ 9 (1838), ở thôn Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, hay chữ. Hể đọc một quyển sách gì rồi, ông đều nghiền ngẫm và tra cứu kỹ. Nếu gặp vấn đề nào không hiểu, ông lập tức hỏi thầy dạy học ngay, có lắm khi thầy cũng không giải thích được. Ông rất ghét lối học khoa cử, vì cho rằng không hữu ích với đời sống xã hội lúc bấy giờ. Chính vì vậy cho nên ông quyết định không đi thi.
Năm Tự Đức thứ 11 (1858), ông được nhà thờ Tân Ấp mời làm thầy dạy chữ Hán. Đức Giám mục Gauthier (Ngô Gia Hậu) thấy ông thông tuệ hơn người, nên đã dạy cho ông thêm chữ Quốc ngữ, rồi tiếng Pháp, và một số môn khoa học phổ thông.
Năm Tự Đức thứ 13 (1860), ông theo Giám mục Ngô Gia Hậu qua La Mã (Rome, Ý ), rồi sang Ba Lê (Paris, Pháp). Ông ở lại Pháp học trong mấy năm. Trong thời gian du học ở đây, ông đã chú trọng khảo cứu về chính trị, học thuật, kỹ nghệ của nước Pháp, với mục đích sau này khi trở về nước nhà có dịp áp dụng. Khi trở về nước, ông đem hết kiến thức học hỏi ở xứ người, viết thành những tập sách lớn, những bản điều trần đệ trình lên vua Tự Đức với mong mỏi nhanh chóng làm thay đổi diện mạo của nước nhà; đặc biệt trong đó, có những nội dung điều trần quan trọng như:
- Ngày 29 tháng 3, năm 1863, Tự Đức thứ 16, ông dâng biểu điều trần về tôn giáo. Ông nhấn mạnh đến quyền tự do tín ngưỡng, đồng thời qua đó phân tích về chính sách cấm đạo của triều đình là một hành động có lợi cho người Pháp để xâm lăng nước ta.
- Ngày 9 tháng 8 năm 1866, Tự Đức thứ 19, ông dâng biểu điều trần về việc cử học sinh đi du học ở nước ngoài; trong đó, ông nói rõ trí thức là vốn liếng của dân tộc, là căn bản của nước nhà.
- Ngày 1 tháng 9 cùng năm trên, ông dâng lên vua Tự Đức bản sách Lục Lợi Tử; trong đó, ông bàn về 6 vấn đề có lợi cho đất nước.
- Ngày 3 tháng 9 cùng năm trên, ông dâng lên vua Tự Đức bản sách “Thiên hạ đại thế luận”, trong đó, ông phân tích về tình hình thế giới và những nguy cơ cho Đại Nam.
- Ngày 15 tháng 11 năm 1867, Tự Đức thứ 20, ông dâng lên vua bản sách:”Tế cấp bát điều luận”, tức 8 vấn đề nhà vua cần thực hiện để giữ và cứu nước.
- Ngày 12 tháng 3 năm 1868, Tự Đức thứ 21, ông dâng lên vua Tự Đức bản sách có tựa đề “ Giao thông sự nghi bẩm minh”. Nội dung của bản sách nói rõ: Ngoại giao cũng là một vấn đề quốc phòng quan trọng đối với các nước có nền văn minh tiên tiến; không có một quốc gia nào có thể đứng riêng lẻ một mình. Bên cạnh đó, ông khuyên nhà vua chớ nên trông cậy vào nhà Thanh, vốn dĩ đã lạc hậu và yếu hèn.
- Ngày 4 tháng 10 năm 1871, Tự Đức thứ 24, ông dâng lên vua Tự Đức một bản điều trần về việc khai khẩn ruộng hoang, chấn hưng nền nông nghiệp nước nhà; trong đó, ông nêu rõ: Đại Nam là một nước lấy nông nghiệp làm nền tảng căn bản. Muốn nước giàu dân mạnh cần phải chấn hưng, cải tổ nền nông nghiệp của đất nước.
Lời kết
Căn cứ vào những tấu sớ, điều trần nói trên, chúng ta thấy được rằng: trước sự xâm lăng ngày càng mãnh liệt của Pháp, nhưng các nhà ái quốc, chí sĩ nói trên không phải là không thấy sự nguy vong cấp bách đó, mà chính họ đã có những giải pháp cứu nguy đất nước một cách thiết thực; chỉ đáng tiếc rằng vua Tự Đức và triều đình không màng đến và thi hành những kế sách của họ. Chắc có lẽ, vận số của nhà Nguyễn đã bắt đầu giai đoạn suy tàn. Vì thế, người đương thời có làm một bài thơ vịnh về nhà vua như sau:
Ai gây thảm họa đến bây giờ
Chỉ tại nhà vua đã thất cơ
Nước mất không lo, lo chuộc ruộng
Mình hèn chẳng biết, biết ngâm thơ
Giận phường da trắng không lo đuối
Chắc lũ Cờ đen luống đợi chờ
Nếu biết theo gương Minh Trị, Nhật
Giống nòi đâu đến nỗi bơ vơ
Nếu như vua Tự Đức có thể mạnh dạn và quyết đoán hơn bằng việc ban lệnh cho triều đình thi hành ngay những tấu sớ của những người yêu nước kể trên, mà trong đó họ đã vạch ra những kế sách sáng suốt và phù hợp với thời thế lúc ấy; hoặc thực thi những bản điều trần của nhà học giả, ái quốc Nguyễn Trường Tộ; chắc rằng nước Đại Nam của chúng ta ở thời điểm bấy giờ sẽ hùng cường và phú thịnh không thua kém gì với nước Nhật của Minh Trị Thiên Hoàng. (Còn tiếp)