Thursday, November 21, 2024
No menu items!
spot_img
HomeKiến ThứcGiải TríNhìn lại phim “Đất Khổ”, về một gia đình trung lưu thời...

Nhìn lại phim “Đất Khổ”, về một gia đình trung lưu thời chiến tranh

BÙI VĂN PHÚ

Vào những năm đầu thập niên 1970 nền điện ảnh Việt Nam Cộng Hoà đã có những phim mầu gây tiếng vang và đạt những giải thưởng như “Chân Trời Tím” của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, “Người Tình Không Chân Dung” của Hoàng Vĩnh Lộc, “Hoa Mới Nở” của Lê Dân, “Hè Muộn” của Đặng Trần Thức v.v…

Trong những năm điện ảnh miền nam khởi sắc, một phim mầu là “Đất Khổ” của đạo diễn Hà Thúc Cần cũng đã được quay từ năm 1971, đến 1973 hoàn thành, được chiếu ra mắt nhưng rồi lại bị cấm chiếu, dù truyện phim dựa trên hai tác phẩm của nhà văn Nhã Ca là “Giải khăn sô cho Huế” và “Đêm nghe tiếng đại bác” và các vai chính và phụ trong phim là những nhân vật nổi tiếng trong giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thời bấy giờ.

Nhà văn Nhã Ca trong bài nói chuyện tại hội nghị “Kiến quốc thời Việt Nam Cộng hoà 1955-1975” tại Đại học UC Berkeley vào tháng 10 năm 2016 đã nhận xét về phim này như sau: “Đó là những văn nghệ sĩ tiêu biểu cho đủ loại khác biệt địa phương, tuổi tác hay chính kiến. Dù mỗi người rồi sẽ một đường, trong suốt thời thực hiện phim tại Huế, tất cả cùng tận lực làm việc và rất quí mến nhau. Hình ảnh khác biệt giữa các văn nghệ sĩ xuất hiện trong ‘Đất Khổ’ cũng tương tự các sinh hoạt cánh tả, cánh hữu, của cả chính giới lẫn văn giới, báo giới Sài Gòn thời Đệ Nhị Cộng Hòa”.

“Đất Khổ” lưu lạc ra nước ngoài sau năm 1975 và mãi đến thập niên 1990 mới có cơ hội trình chiếu tại Hoa Kỳ. Đây cũng là một phim chính được chiếu tại tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam kỳ 8 – Viet Film Fest –  do Hội Văn học Nghệ thuật Việt-Mỹ (VAALA) tổ chức năm 2015 ở Little Saigon, Nam California.

Trong dịp giỗ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào năm 2008 ở khu tưởng niệm Bình Qưới, ban tổ chức đã có ý muốn chiếu một vài đoạn của “Đất Khổ” khi ca sĩ hát một vài Ca Khúc Da Vàng trong chương trình nhưng không được phép. Theo thi sĩ Đỗ Trung Quân, người trong ban tổ chức giỗ Trịnh Công Sơn nhiều năm, cho biết: “Báo Công An Thành Phố viết bài phê phán và An Ninh yêu cầu không xử dụng những trích đoạn phim Đất Khổ.”

Mới đây chúng tôi liên lạc với chị Dương Vân Quỳnh, một vai chính trong phim, và được chị cho biết thêm một số thông tin về phim này qua cuộc trò chuyện dưới đây.

Tựa phim: Đất khổ [Land of Sorrows].

Dài 142 phút. Nói tiếng Việt, phụ đề tiếng Anh.

Bản quyền: 1971 George Washnis Enterprises

Đạo diễn: Hà Thúc Cần.

Kịch bản: Hà Thúc Cần, Nhã Ca, Hà Thúc Như Hỷ.

Nhà sản xuất: Nguyễn Bá Hùng.

Diễn viên: Trịnh Công Sơn, Bích Hợp, Xuân Hà, Vân Quỳnh, Lưu Nguyễn Đạt

Cùng với sự cộng tác của: Minh Trường Sơn, Kim Cương, Jerry Liles, Lê Thương, Vũ Thành An, Lê Trọng Nguyễn, Nam Sơn, Kiên Giang Hà Huy Hà, Miên Đức Thắng, Bạch Lý, Lệ Hoa, Vân Khanh, Hoàng Xuân Sơn v.v…

Bùi Văn Phú: Xin chị cho biết chị đã đến với phim “Đất Khổ” trong hoàn cảnh như thế nào?

Dương Vân Quỳnh: Đạo diễn Hà Thúc Cần đi nghe Vân Quỳnh hát ở phòng trà Ritz của anh Jo Marcel, lúc đó Vân Quỳnh hát chung với chị Quỳnh Giao và hai người em trong ban nhạc của 4 chị em có tên ban Bốn Phương. Đạo diễn thấy Vân Quỳnh có vẻ hợp với hình ảnh của một người em gái của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, là nhân vật Trịnh Quân trong truyện phim, nên một vài tuần sau đó đạo diễn nhờ nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, là người viết nhạc cho phim và có quen với mẹ của Vân Quỳnh, đưa đến nhà để gặp mẹ Vân Quỳnh và nói chuyện về phim và xin phép cho Vân Quỳnh tham gia đóng vai trong phim này.

Bùi Văn Phú: Chị đóng vai Hạnh, một người em gái của nhạc sĩ Trịnh Quân, chị có thể nói rõ hơn về vai diễn của mình.

Vân Quỳnh: Vân Quỳnh đóng vai em gái của Trịnh Quân, là một người con gái rất trẻ còn đi học nhưng có nhiều lý tưởng và không thích chiến tranh.

Bùi Văn Phú: Nội dung phim phản ảnh con người, gia đình và âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Trong hoàn cảnh của chiến tranh khi đó, theo chị tại sao chủ đề và nhân vật chính cho phim được chọn là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà có những ý kiến cho là “nhạc sĩ phản chiến”?

Vân Quỳnh: Theo Vân Quỳnh biết thì đạo diễn Hà Thúc Cần là bạn thân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thấy nhạc sĩ rất hợp cho cuốn phim. Tuy nhiên theo Vân Quỳnh nhận thấy thì nội dung của phim không hẳn là về con người, gia đình và âm nhạc của Trịnh Công Sơn mà là hình ảnh của một gia đình trung lưu ở thành phố Huế, với anh em trong nhà có nhiều lý tưởng khác nhau nên người mẹ ở giữa phải khuyên bảo cho các con sống sao cho được hài hoà. Khán giả xem phim sẽ thấy đó là một gia đình ở Huế, nhưng trong phim mọi người trong gia đình đều nói tiếng bắc.

Bùi Văn Phú: Trong phim, các em của nhạc sĩ Trịnh Quân có người là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hoà, có người là lãnh tụ sinh viên chống chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Lúc đọc kịch bản phim, chị có biết là phim có bị kiểm duyệt hay gặp khó khăn gì không?

Vân Quỳnh: Trong nhiều lần họp mặt trước khi quay phim và ngay khi quay phim thì Vân Quỳnh không biết có bị khó khăn từ phía chính phủ Việt Nam Cộng hoà.

Bùi Văn Phú: Truyện phim dựa trên hai tác phẩm của nhà văn Nhã Ca là “Đêm nghe tiếng đại bác” và “Giải khăn sô cho Huế”, chị có được đọc hai tác phẩm này trước khi tham gia đóng phim “Đất khổ”?

Vân Quỳnh: Lúc đó Vân Quỳnh còn trẻ, bận đi học thi tú tài, bận dạy đàn piano và đi hát trong vài ban nhạc ở Đài Phát thanh Sài Gòn và Đài Phát thanh Quân Đội nên không có dịp đọc các tác phẩm của nhà văn Nhã Ca.

Vân Quỳnh và nhà văn Nhã Ca tại Nam California năm 2019 (Ảnh do Dương Vân Quỳnh cung cấp)

Bùi Văn Phú: Chị có còn nhớ cảnh trong phim đã được quay ở những nơi nào, hay trong phim trường nào?

Vân Quỳnh: Vân Quỳnh chỉ nhớ là phần chính của phim được quay ở Huế, ở tỉnh Thừa Thiên, nhưng không rõ ở chỗ nào trong tỉnh. Phim hoàn toàn quay bên ngoài, không quay trong phim trường.

Bùi Văn Phú: Sau khi hoàn thành, chị được xem phim “Đất Khổ” lần đầu tiên và cảm nhận của chị về phim ra sao?

Vân Quỳnh: Sau khi phim được quay xong, Vân Quỳnh có mặt trong những ngày làm cắt nối và thâu giọng nói từng cảnh một. Mấy tháng sau khi phim hoàn thành thì Vân Quỳnh cùng tất cả mọi người làm việc và có quan hệ trong phim được xem phim chiếu lần đầu. Sau khi xem, Vân Quỳnh rất cảm động được thấy phim hoàn thành và cũng rất hài lòng, rất thích phim này.

Bùi Văn Phú: Chị đã được xem phim chiếu ra mắt cho đoàn làm phim, nhưng có thông tin là sau đó thì phim không được phép chiếu tại quê nhà và sau đó phim lưu lạc ra nước ngoài, đến thập niên 1990 mới được trình chiếu ở hải ngoại. Chị có còn nhớ việc cấm chiếu phim này ở Sài Gòn không?

Vân Quỳnh: Lúc đó Vân Quỳnh có nhớ đến việc cấm chiếu, tất cả từ người sản xuất, đạo diễn, đến những người cộng tác đều rất thất vọng và rất buồn.

Bùi Văn Phú: Chị có biết lý do vì sao khi đó phim bị cấm chiếu?

Vân Quỳnh: Vân Quỳnh hoàn toàn không biết lý do vì sao phim không được phổ biến lúc đó. Cả gia đình nhạc sĩ Dương Thiệu Tước – ca sĩ Minh Trang là nghệ sĩ nên ít quan tâm về vấn đề chính trị.

Bùi Văn Phú: Sau năm 1975 ở nước ngoài phim “Đất Khổ” đã được chiếu ở vài thành phố, trong đó có chiếu tại liên hoan phim của Viet Film Festival ở Quận Cam, California cách đây chừng 10 năm, chị có xem lại phim này chưa và xem ở đâu?

Vân Quỳnh: Vân Quỳnh có xem lại phim lần đầu vào độ tháng 3 năm 1976 ở Maryland, tại nhà một cô người Mỹ là người có bản quyền phim. Hôm đó coi ở một phòng riêng chỉ có cô, đạo diễn Hà Thúc Cần và Vân Quỳnh. Đến tháng 6 thì ở Paris anh Nguyễn Bá Hùng là nhà sản xuất phim có chiếu phim này tại một studio cho một nhóm bạn xem mà thôi, chứ không chiếu ở rạp.

Bùi Văn Phú: Cảm nhận của chị khi được xem lại phim tại hải ngoại?

Vân Quỳnh: Rất xúc động và buồn vì tiếc cho công phu của nhà sản xuất và của đạo diễn cùng tất cả những người đã làm việc và có quan hệ trong phim, nhưng phim đã không được chiếu cho công chúng xem tại Việt Nam sau khi hoàn thành.

Bùi Văn Phú: Đến nay phim vẫn bị cấm phổ biến trong nước, theo chị là vì sao?

Vân Quỳnh: Vân Quỳnh không biết là phim vẫn không được phổ biến ở Việt Nam và không hiểu vì sao.

Bùi Văn Phú: Có điều gì đặc biệt khi chị tham gia trong vai diễn trong “Đất Khổ” mà chị còn nhớ.

Vân Quỳnh: Xúc động nhất là cảnh sau khi người chị bị mất, Vân Quỳnh cùng người mẹ, do cô Bích Hợp đóng vai này, và anh đi về nhà thì nhà bị tan nát, lúc đó thấy như chính mình trong hoàn cảnh đó mà khóc tức tưởi không ngừng được khi đạo diễn nói “cut” (cắt).

Bùi Văn Phú: Chị nhắc đến cảnh người chị chết vì đạn trên đường chạy nạn, được chôn vội bên đường. Điều gì đã làm chị bật khóc khi đó?

Vân Quỳnh: Khi về đến nhà thì thấy nhà cửa tan nát chỉ còn cái cột nhà còn đứng, hình ảnh đó làm cho Vân Quỳnh rất xúc động, ôm cột nhà mà thấy Mẹ nói rất đúng là “có chết cũng về nhà mà chết”.

Bùi Văn Phú: Nhân vật nào trong phim đã để lại cho chị những ấn tượng cho đến hôm nay.

Vân Quỳnh: Cô Bích Hợp và anh Trịnh Công Sơn là hai người rất hiền hoà, nhỏ nhẹ và diễn xuất với nhiều xúc động thực sự tự trong lòng.

Vân Quỳnh và Trịnh Công Sơn trong lúc đang quay phim (Ảnh do Dương Vân Quỳnh cung cấp)

Bùi Văn Phú: Còn có điều gì về phim “Đất Khổ” mà chị muốn chia sẻ không?

Vân Quỳnh: Lúc thu âm cho phim, cái giọng em bé khóc là của Vân Quỳnh. Nhờ đóng phim này mà khám phá ra những điều mình làm được là mình có khiếu về làm sound effects, biết làm giọng của cụ bà đang ho, và tiếng khóc của em bé nhỏ mấy tháng tuổi.

Bùi Văn Phú: Chị có thể cho biết về mình khi còn ở Việt Nam trước năm 1975.

Vân Quỳnh: Lúc còn nhỏ Vân Quỳnh có nhiều sinh hoạt văn nghệ nhờ mẹ ở trong giới nghệ sĩ, là ca sĩ Minh Trang. Vân Quỳnh bắt đầu hát trong ban Tuổi Xanh của bác Kiều Hạnh, có hát trong ban Nguyễn Đức. Năm 14 tuổi thì bắt đầu hát cho ban Cổ Kim Hoà Điệu của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là bố của Vân Quỳnh, cũng như hát trong các chương trình của các chú Hoàng Trọng, Vũ Thành, Văn Phụng. Vân Quỳnh có thu nhiều băng nhạc cho anh Jo Marcel, phụ hoạ cho cô Châu Hà trong ban nhạc Văn Phụng… Năm 1972 thì Vân Quỳnh lấy chồng nên thôi ca hát và bắt đầu làm việc buôn bán đồ cổ và đồ nghệ thuật của Đông Nam Á.

Bùi Văn Phú: Thời còn ca hát, chị thích nhạc của nhạc sĩ nào?

Vân Quỳnh: Thời đó Vân Quỳnh cũng hay tự đàn piano và hát và thích nhiều loại nhạc khác nhau. Nhưng thích nhất là nhạc Dương Thiệu Tước là bố của Vân Quỳnh, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn. Với nhạc Trịnh Công Sơn thì Vân Quỳnh hay hát “Hạ trắng”, “Diễm xưa”…

Bùi Văn Phú: Chị lớn lên trong một gia đình văn nghệ, ban Bốn Phương với các thành viên đều là các con của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, chị có những kỷ niệm nào về sinh hoạt văn nghệ thời đó mà còn nhớ đến nay?

Vân Quỳnh: Vân Quỳnh cùng mẹ và chị Quỳnh Giao chọn bài để 4 chị em hát, Vân Quỳnh là người làm hoà âm cho mấy giọng bè. Nhớ cảnh mấy chị em tập dượt với nhau, khi đi hát thì được mẹ đưa đi may đồng phục, đi tập với ban nhạc, đấy là những kỷ niệm thời teenagers rất đẹp mà còn nhớ và sẽ nhớ mãi.

Bùi Văn Phú: Chị rời Việt Nam khi nào và từ ngày rời quê hương chị sinh sống ở đâu, có còn sinh hoạt văn nghệ không?

Vân Quỳnh: Vân Quỳnh rời Việt Nam đã gần 50 năm rồi. Sau khi rời nước, Vân Quỳnh sống ở Pháp, Singapore, Florence bên Ý, Caracas bên Venezuela và ở California, Hoa Kỳ. Ở California thì Vân Quỳnh có tham dự một vài chương trình của chị Quỳnh Giao khi chị còn sống, chứ hoàn toàn không có sinh hoạt theo sở thích văn nghệ. Từ sau năm 1975 đến nay thì Vân Quỳnh là tư vấn bán hàng, làm sales consultant cho mấy hãng quốc tế lớn chuyên về đồng hồ và nữ trang.

Bùi Văn Phú: Cám ơn chị đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện.

(BÙI VĂN PHÚ)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments