Friday, November 22, 2024
No menu items!
spot_img
HomeViệt NamTin Việt NamNhà quan sát: Nên ra Luật về Đảng, không cần thiết phải...

Nhà quan sát: Nên ra Luật về Đảng, không cần thiết phải lấy phiếu tín nhiệm trong nội bộ!

Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13 (Hội nghị Trung ương 7) vừa bế mạc tại Hà Nội ngày 17/5/2023.

Mặc dù người đứng đầu đảng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết theo các văn kiện của đảng trước đó, rằng việc lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị với các Ủy viên thuộc Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư chỉ để “tự soi”, “tự sửa”, và mặc dù chỉ có hai trường hợp, một là cán bộ lãnh đạo của một ủy ban thuộc Quốc hội và một nguyên Bí thư tỉnh ủy một tỉnh phía Bắc Việt Nam, bị Trung ương tuyên bố kỷ luật tại Hội nghị Trung ương 7, nhiều cán bộ cấp cao khác của Đảng vẫn có thể phải ngóng chờ xem liệu sau Hội nghị này có ai khác có thể xem xét kỷ luật hay xử lý về mặt Đảng hay không.

Hôm thứ hai, ngày 15 tháng 5 năm 2023, trên trang Twitter cá nhân của mình, một nhà quan sát và phân tích chính trị Đông Nam Á, ông Zachary Abuza viết, xin trích:

“Hôm nay Đảng Cộng sản #Việt Nam khai mạc Hội nghị Trung ương 7. GS Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và một số lãnh đạo khác là vẫn đang được giám sát,” hết trích dẫn.

Vào thứ ba 16/5, ngày thứ hai của Hội nghị, tương tự nhận xét trên quan điểm riêng của nhà nghiên cứu Zachary Abuza, cũng có một số suy đoán trong giới quan sát chính trị Việt Nam rằng có thể có một nhân vật trong “tứ trụ” theo gót nối tiếp câu chuyện của một cựu Chủ tịch nước và của hai phó Thủ tướng vốn đã bị mất chức rồi nhanh chóng bị thay thế cách đây vài tháng.

Tuy nhiên, tại phiên khai mạc Hội thảo, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị – an ninh của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), TS Hà Hoàng Hợp khẳng định với RFA Việt ngữ rằng “sẽ có lấy phiếu tín nhiệm” ở kỳ Hội nghị, nhưng theo ông, không có Ủy viên Bộ Chính trị, hay Ủy viên Ban Bí thư nào bị ảnh hưởng công việc, công tác tại Hội nghị Trung ương lần này.

Hôm thứ tư, ngay sau khi Hội nghị bế mạc, khi được hỏi liệu sự kiện này có ‘thành công rực rỡ’ hay không, Hà Hoàng Hợp nói với RFA Tiếng Việt:

“Bấy lâu nay, chỉ thấy có câu ‘thành công tốt đẹp’. Đảng viên và cử tri luôn kỳ vọng về một cấp độ cao hơn về minh bạch, pháp quyền và quản trị nhà nước tốt hơn. Hội nghị 7 được tiến hành rất gọn, chỉ có hơn 2 ngày, đây là một bước tiến tích cực, thể hiện hiệu quả cao hơn của bộ máy của Đảng Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Nhưng ông Hà Hoàng Hợp cũng nói thêm từ quan điểm của mình:

“Bỏ phiếu ở Quốc hội là thủ tục quan trọng có ý nghĩa pháp lý chính trị. Nếu ai có phiếu tín nhiệm thấp, tùy mức độ, sẽ phải nghỉ việc, giáng chức, chuyển công tác. Nếu nói ‘lấy phiếu tín nhiệm’ là để ‘biết mà tự sửa’, thì ‘bỏ phiếu tín nhiệm’ sẽ có hiệu ứng ‘cho nghỉ việc, chuyển công tác, hay giáng chức vụ’. Những ai có kết quả lấy phiếu tín nhiệm thấp, có thể sẽ được đưa sang bỏ phiếu tín nhiệm.”

Nhưng Đảng vẫn hoạt động không có Luật về Đảng

Tuy những thông tin từ chia sẻ trên của TS Hà Hoàng Hợp từ châu Á có thể khiến một số cán bộ trong Đảng phải “căng mắt, căng tai” để dõi theo những gì có thể xảy ra sau khi Hội nghị TƯ giữa kỳ khép lại, với những mức độ lo lắng khác nhau, một người khác từ đầu kia lục địa, Bắc Mỹ, bày tỏ mối quan tâm riêng không kém phần đáng chú ý với RFA.

“Tôi cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quyết tâm chính trị ở nội bộ khi lấy phiếu tín nhiệm nhân sự cao cấp trong Ban lãnh đạo, thì cũng nên có quyết tâm chính trị để cho Nhà nước, Quốc hội làm một cuộc trưng cầu dân ý trong toàn quốc dân liên quan tư cách chính thống và vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội,” Luật sư Vũ Đức Khanh, Giảng sư kiêm nhiệm về luật học tại Đại học Ottawa, Canada, nói với RFA cùng ngày 17/5.

“Việt Nam đã có Luật về trưng cầu dân ý, tôi cho rằng Đảng đã dám thăm dò tín nhiệm nội bộ, thì nay cũng cần có ý chí chính trị dám để cho toàn dân nêu ý kiến qua một cuộc trưng cầu dân ý rộng khắp quốc gia, trước quốc dân về vai trò, vị thế lãnh đạo của mình.

Và cuộc trưng cầu đó theo tôi chỉ cần một câu hỏi duy nhất như sau thôi: “Hiện nay có nên ra luật về Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội ở Việt Nam hay không?” Và người dân chỉ cần chọn một trong hai phương án là “Có” và “Không”.

Và nếu dân chọn là “có”, thì nên cho soạn thảo ngay và ban hành luật này càng sớm càng tốt, bởi vì như thế Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có cơ sở để giải thích tính chính thống, hay còn gọi là tính chính danh của mình, về các vấn đề như mối quan hệ của Đảng với Nhà nước, chính quyền, xã hội…

Trong đó, Luật sẽ nêu rõ và quy định là Đảng CSVN lãnh đạo thì phạm vi, quyền hạn, tính chất, vai trò, điều kiện, quyền lợi, nghĩa vụ, tổ chức, chức năng v.v… ra sao, rồi quan hệ với các nhánh quyền lực là lập pháp, tư pháp, hành pháp thế nào, chưa kể với báo chí, truyền thông là “quyền lực đệ tứ” ra sao v.v…”

Nêu ý kiến cá nhân về việc lãnh đạo ĐCSVN lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị Trung ương 7, ông Vũ Đức Khanh cho biết:

“Bây giờ lấy tín nhiệm với mấy ông trong ‘Tứ trụ’ của Đảng Cộng sản đi, ông Tổng Bí thư, ông Chủ Tịch nước, ông này ông kia, tôi nghĩ điều đó cũng hơi vớ vẩn, thậm chí buồn cười, bởi vì người dân Việt Nam không mấy ai quan tâm tới chuyện đó.

Nhưng mà người dân có thể quan tâm ngay và rất lớn ở cái điều là bây giờ có nên ra Luật về Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội Việt Nam hay là không, mà có sự lựa chọn trả lời luôn là “có” hay là “không”.

Điều đó mới lớn hơn, rộng hơn và trưng cầu tổ chức chỉ cần làm một lần thôi, chứ không cần mỗi năm “đến hẹn lại lên” lại phải trưng cầu dân ý lại nữa làm gì.”

Tự tin với đánh giá của mình, luật sư đến từ Canada nhấn mạnh thêm:

“Bây giờ chúng ta đặt một câu hỏi có tính quan trọng như thế, mà Việt Nam có Luật trưng cầu dân ý rồi, phải đặt vấn đề như thế mới là đúng, mới xứng.

Và nếu thấy rằng kể cả khi người dân không muốn bỏ điều 4 Hiến pháp, mà chấp chấp nhận điều 4 đó đi nữa, thì mọi người vẫn cần phải biết được rằng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam như thế nào, theo tôi,” ông Khanh nói với RFA từ Đại học Ottawa hôm 17 tháng Năm.

Theo truyền thông chính thống Việt Nam, tại hội nghị giữa kỳ này có hai trường hợp bị kỷ luật được công bố, trường hợp thứ nhất là ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, thôi chức vụ  ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.

Và trường hợp thứ hai là ông Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh Lào Cai, bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra quyết định kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng.

Còn theo một nhà quan sát không muốn tiết lộ danh tính vì lý do an ninh, chia sẻ với RFA liên quan công tác nhân sự cấp cao của ĐCSVN cho biết: “vào phút chót, Hội nghị Trung ương 7 đã quyết định không bầu hai Ủy viên Bộ Chính trị và một Ủy viên Ban Bí thư mà như dự kiến. Lý do là thủ tục bầu chưa chuẩn bị xong, nhưng chắc là để đến một Hội nghị Trung ương bất thường trong mùa hè này thì Ban Chấp hành TƯ Đảng sẽ tiến hành.

Ngoài ra, ông Đặng Quốc Khánh (sinh năm 1976, nơi sinh và quê quán ở Hà Tĩnh) từ Hà Giang trên vai trò Bí thư Tỉnh ủy sẽ về làm Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, ông Lê Quang Mạnh (sinh năm 1974, quê quán ở Hà Nội) từ Cần Thơ trên vài trò Bí thư Thành ủy ra làm Bí thư Đảng đoàn Bộ Tài Nguyên – Môi trường, còn bà Trương Thị Mai, thường trực Ban Bí thư, tiếp tục kiêm chức Trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng,” ý kiến quan sát này cho Đài Á Châu Tự Do biết hôm 17/5 trên quan điểm riêng.

(RFA – Quốc Phương, London)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments