Đời sống văn hóa – nghệ thuật ở Los Angeles, Hoa Kỳ, đang xôn xao trước câu chuyện về một người phụ nữ “hưng phấn” khi đang ngồi trong khán phòng nghe “Giao hưởng số 5” của Tchaikovsky.
Các tờ tin tức đang đồng loạt đưa tin về một người phụ nữ có mặt tại nhà hát Walt Disney, ở Los Angeles, vào tối thứ 6 vừa qua. Cả khán phòng đã rất sửng sốt khi người phụ nữ này bỗng tạo nên “âm thanh lạ” giữa lúc dàn nhạc giao hưởng Los Angeles Philharmonic đang trình diễn Giao hưởng số 5 của nhà soạn nhạc người Nga Pyotr Ilyich Tchaikovsky.
Molly Grant, một nữ khán giả tự nhận rằng mình ngồi gần người phụ nữ “giàu năng lực cảm thụ nghệ thuật” kia, đã trả lời phỏng vấn của tờ tin tức Los Angeles Times: “Mọi người đều ngỡ ngàng nhìn quanh xem có chuyện gì vừa xảy ra. Tôi ngồi gần nên nhìn thấy người phụ nữ ấy ngay sau khoảnh khắc gây bàng hoàng.
Tôi tin rằng cô ấy đã… “lên đỉnh” trong lúc cảm thụ âm nhạc. Người đàn ông đi cùng với cô ấy quay sang mỉm cười nhìn cô ấy như một cách để trấn an, nhằm giúp cô ấy thoát khỏi cảm giác xấu hổ. Về phần mình thì tôi thấy sự việc này cũng nhẹ nhàng và xét theo khía cạnh nào đó còn có phần… đẹp đẽ”.
Sau sự việc, một đoạn clip audio đã lan truyền trên mạng xã hội, trong clip người ta có thể nghe thấy “âm thanh lạ” của một người phụ nữ vang lên bên trong khán phòng.
Nhà soạn nhạc người Anh – Magnus Fiennes cũng có mặt tại buổi hòa nhạc này, anh chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội cá nhân: “Một người phụ nữ có mặt trong khán phòng đã tạo nên một thanh âm rất to cho thấy cô đạt tới trạng thái hưng phấn khi thưởng thức âm nhạc. Ban nhạc đã rất lịch thiệp khi tiếp tục chơi một cách bình thản.
Tôi ở gần vị trí của người phụ nữ này và có 8 người bạn khác của tôi cũng có mặt tại buổi hòa nhạc này. Tất cả chúng tôi đều cùng hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Người phụ nữ này vẫn ở lại nghe nhạc cho tới khi buổi biểu diễn kết thúc.
Thực tế thì cách thức ứng xử và thái độ của cô ấy khiến mọi người đều hiểu chuyện gì đã thực sự xảy ra. Tôi cũng chỉ là một người có mặt tại khán phòng và được chứng kiến sự việc mà thôi. Sau tất cả, tôi tôn trọng người phụ nữ ấy”.
Nghệ sĩ dương cầm Sharon Su cũng chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội cá nhân rằng cô đã liên hệ với một đồng nghiệp đang tham gia biểu diễn cùng dàn nhạc Los Angeles Philharmonic, cô được xác nhận rằng quả thực có một sự việc như thế đã xảy ra trong buổi biểu diễn mới nhất của dàn nhạc.
Nhà sản xuất âm nhạc Lukas Burton đã chia sẻ với tờ tin tức Los Angeles Times về cảm nhận của mình khi có mặt trong buổi hòa nhạc và nghe thấy “âm thanh lạ”, Burton cho biết anh cảm thấy rất… tuyệt vời bởi cảm hứng lãng mạn bỗng bùng nổ trong khán phòng giữa lúc mọi người đang thưởng thức nghệ thuật.
“Dù không biết rõ chuyện gì đã xảy ra, nhưng tôi tin tất cả những ai có mặt trong khán phòng khi đó đều hiểu rằng đó là một âm thanh biểu đạt niềm vui cao trào rất thuần khiết khi thưởng thức nghệ thuật. Niềm vui ấy quá mạnh mẽ tới mức được biểu đạt thành phản ứng của cơ thể. Tôi cảm thấy sự việc này thật thú vị và tạo cảm hứng.
Kỳ thực, những người có mặt trong khán phòng đều cảm thấy bất ngờ trước sự việc xảy ra, nhưng tôi tin mọi người cũng giống như tôi, tất cả đều cảm thấy rằng đó là một tình huống khá thú vị. Chúng tôi đều hiểu rằng một con người đã có quá nhiều xúc cảm khi thưởng thức âm nhạc tới mức một số phản ứng đã xảy ra trong họ”, Burton phân tích.
Các tờ tin tức cho biết họ không thể xác định danh tính của người phụ nữ để có thể tiếp cận và thực hiện phỏng vấn ẩn danh. Ngoài ra, phía dàn nhạc cũng từ chối đưa ra bình luận chính thức về sự việc này.
Âm nhạc có thể tạo nên những phản ứng như thế nào ở thể chất con người?
Hồi năm 2017, một nghiên cứu được tiến hành bởi trường Đại học Harvard đã tìm hiểu về cách con người phản ứng với âm nhạc, để xem những phản ứng cực kỳ nhạy cảm được tạo ra như thế nào.
Những phản ứng đặc biệt khi nghe một bài hát hay một bản nhạc như nổi gai ốc, sởn da gà, dựng tóc gáy, hay nghẹn ở cổ họng… đều là những điều khá hiếm gặp và là những phản ứng rất độc đáo của con người.
Nghiên cứu được tiến hành đối với 20 sinh viên, trong đó 10 sinh viên khẳng định rằng họ đã từng trải qua những phản ứng đặc biệt kể trên khi nghe nhạc, và 10 sinh viên chưa từng có những trải nghiệm như vậy. Tất cả các sinh viên này đều được chụp các hoạt động của bộ não.
Người ta phát hiện ra rằng những người có những phản ứng đặc biệt tinh tế về cảm xúc và cả thể chất khi nghe nhạc thực sự có cấu trúc não bộ khác với những người bình thường khác.
Nghiên cứu cho thấy rằng những người có sự nhạy cảm, tinh tế khi thưởng thức âm nhạc thường có những bó dây thần kinh dày hơn, làm nhiệm vụ kết nối vỏ não thính giác với các trung khu xử lý cảm xúc. Điều này có nghĩa hai khu vực biệt lập ấy có thể giao tiếp với nhau tốt hơn nhiều. Nghiên cứu này đã được công bố trên chuyên san của nhà trường.
Như vậy, nếu một người có những phản ứng nhạy cảm khi nghe nhạc, thì người đó nhiều khả năng luôn có những xúc cảm mạnh mẽ, thậm chí rất mãnh liệt trước âm nhạc và những thanh âm khác trong cuộc sống.
Mặc dù nghiên cứu này khá nhỏ về quy mô nhưng đã tạo đà để nhà trường tiến hành những nghiên cứu chuyên sâu hơn trong việc tìm hiểu cách thức hoạt động của bộ não khi nghe nhạc, để hiểu hơn về cơ chế tạo nên những rung động đặc biệt trong thể chất con người khi thưởng thức âm nhạc.
Bích Ngọc (Theo New York Post)