Friday, September 20, 2024
No menu items!
spot_img
HomeBình LuậnLạm phát tạo lợi ích cho tầng lớp nào trong xã hội?

Lạm phát tạo lợi ích cho tầng lớp nào trong xã hội?

Bình Luận của Sơn Nghị

Nhiều thập niên qua các ngân hàng trung ương phát hành tiền tệ và tung vào nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta biết chính sách này, gọi là lạm phát tiền tệ, cần thiết để kích thích nền kinh tế tăng trưởng và giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, nhưng giống như rất nhiều lời biện minh trước đây mà các chính trị gia và nhóm tinh hoa thường đưa ra để biện minh cho hành động của họ, rõ ràng đây là một lời nói dối. Trong bài viết sau đây, chúng ta sẽ hiểu được hành động lạm dụng việc đổ tiền vào lưu thông của chính phủ chính là cách hủy hoại nền kinh tế, làm bần cùng hóa người nghèo và tầng lớp trung lưu, gây trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo, cho phép quyền lực nhà nước phát triển một cách nguy hiểm và khiến nền kinh tế suy thoái dẫn đến sụp đổ.

Lý do thực sự che giấu sau lưng sự lạm phát tiền tệ mà những người trong nội các chính phủ mạnh mẽ ủng hộ vì nó là một phương tiện hiệu quả để chuyển của cải từ người dân sang tay nhà nước.

“[Lạm phát] tiền tệ không chỉ gây ra nghèo đói và hỗn loạn mà còn là sự chuyên chế của chính phủ. Một vài chính sách được tính toán kỹ lưỡng nhằm phá hủy nền tảng hiện có của một xã hội tự do chứ không hẳn là chỉ làm suy thoái giá trị đồng tiền.” (1)

Tiền là phương tiện trao đổi; tiền không phải là của cải. Tiền có thể dùng làm thước đo sự giàu có, nhưng tiền giấy và những con số zero thêm vào sau đuôi của một tài khoản ngân hàng không phải là một dạng của cải. Nên hiểu rõ một điểm căn bản và thiết yếu này, sự giàu có thực sự của một quốc gia được đánh giá qua hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong một nền kinh tế dùng để cải thiện cuộc sống của người dân. Một ngân hàng trung ương có thể tung vào thị trường một lượng tiền gấp đôi bất cứ lúc nào, nhưng chắc chắn lượng tiền này sẽ không làm cho nền kinh tế bỗng chốc trở nên giàu có gấp đôi. Vì trên thực tế, số lượng thực phẩm, nhà cửa, xe hơi, máy bay, thép, gỗ xẻ, dầu mỏ và tất cả những thứ khác trong nền kinh tế vẫn như cũ, không tăng gấp đôi như lượng tiền trong lưu thông.

“Sự giàu có tạo ra trong một hệ thống kinh tế và tổng giá trị tiền tệ của sự giàu có là hai hiện tượng riêng rẽ và khác biệt. Cái này có thể tăng mà không cần cái kia.” (2)

Như thế, sự gia tăng cung tiền của một ngân hàng trung ương không phải tạo ra của cải, nhưng đó chính là sự tái phân phối của cải. Khi lượng tiền mới bơm vào lưu thông, nó không đi vào nền kinh tế một cách đồng nhất vì mỗi người dân trong xã hội không nhận được một số đô la, bảng Anh, peso, euro hoặc yen bằng nhau. Lượng tiền mới này đi vào nền kinh tế qua các ngõ cụ thể như các dạng hình thức cho vay, cứu trợ hoặc ngân hàng trung ương thu mua tài sản. Đối tượng hưởng lợi của lượng tiền mới có thể là chính phủ, doanh nghiệp hoặc một cá nhân nào đó, nhưng cho dù đối tượng đó là ai thì rõ ràng họ không được phép hưởng lợi như thế. Với lượng tiền mới, những kẻ trục lợi này có thể mua nhiều hàng hóa hơn, hưởng nhiều dịch vụ hơn, hoặc đầu tư ở mức cao hơn so với tiềm năng có sẵn trong tay.

“Đừng bao giờ quên rằng lạm phát luôn tạo ra một khoản lợi nhuận không được phép hưởng đối với bất cứ ai, bất cứ chính phủ nào chủ đích bơm tiền vào hệ thống kinh tế qua chi tiêu – đồng thời tạo ra một khoản lỗ tương ứng đối với các cá nhân nằm trong hệ thống kinh tế đó.” (3)

Khi những người nhận tiền mới chi tiêu hoặc đầu tư, một trong những hậu quả là các người dân còn lại của xã hội bị bần cùng hóa (nghèo đi) một cách nào dó. Vì khi lượng tiền mới chảy vào nền kinh tế, nó gây áp lực giá cả tăng vọt vì lượng tiền nhiều hơn trong khi nguồn cung cấp hàng hóa và dịch vụ vẫn như cũ. Giá cả cao hơn do nguồn tiền nhiều hơn sẽ làm giảm sức mua của người dân. Trên thực tế, những người nhận lượng tiền mới lập tức mua hàng hóa, hưởng dịch vụ và thu mua tài sản về cho chính họ mà lẽ ra người khác có thể mua được nếu ngân hàng trung ương không bơm thêm tiền vào lưu thông, hoặc như Murray Rothbard giải thích rõ trong cuốn “What Has Government Done to Our Money?”

“Lạm phát [tiền tệ] không mang lại lợi ích chung cho xã hội; thay vào đó, nó tái phân phối của cải theo hướng có lợi cho người đầu tiên – và gây bất lợi cho những người chậm chân trong cuộc đua. Và đúng như thế, lạm phát trên thực tế là một cuộc chạy đua – để xem ai có thể nhận được lượng tiền mới sớm nhất. Những kẻ đến sau – những kẻ chậm chân bị thua thiệt và mất mát – thường được gọi là “nhóm thu nhập cố định”. (4)

Vì phần lớn sự tái phân phối của cải có lợi cho chính phủ, nên chính sách như thế của ngân hàng trung ương được xem là một hình thức đánh thuế khéo léo (hoặc trắng trợn?). Không giống như thuế thu nhập, thuế bán hàng hoặc thuế bất động sản, khi người nộp thuế biết rằng tiền của mình đang bị lấy đi, còn thuế do lạm phát tiền tệ gây ra được khéo léo che giấu một cách kín đáo. Việc tạo ra tiền mới để tài trợ cho chi tiêu của chính phủ cho phép các chính trị gia và quan chức chuyển của cải cho bất cứ ai họ chọn, nhưng khi lượng tiền mới lan rộng trong nền kinh tế, nó sẽ gây áp lực lên giá cả và làm giảm sức mua của tất cả những người dân không hưởng lợi trực tiếp từ chi tiêu của chính phủ. Do đó, giống như bất kỳ hình thức đánh thuế nào, lạm phát tiền tệ là sự chuyển giao của cải (gián tiếp, khéo léo, tinh vi, lừa đảo) từ người dân sang nhà nước, hay như Rothbard giải thích: “…bản chất của lạm phát là tiến trình áp đặt một khoản thuế lớn và ẩn giấu lên phần lớn xã hội vì lợi ích của chính phủ…” (5)

Lợi dụng lạm phát tiền tệ để tài trợ các chi tiêu cho phép chính phủ mở rộng quyền hạn vượt quá mức qui định dựa vào các hình thức đánh thuế truyền thống. Hầu hết người dân đều phản đối trả mức thuế cao cần thiết cho sự chi tiêu của chính phủ và vì thế, chính phủ phải tìm nguồn thuế thu vào để trang trải các chi tiêu và được khéo léo che đậy dưới dạng lạm phát tiền tệ, đồng thời che giấu một hậu quả là sức mua của đồng tiền bị giảm sút (mất giá). Nếu chính phủ trung thực và đánh thuế (cao) trực tiếp vào người dân, tất cả mọi người sẽ nhận ra ngay và chắc chắn không bầu cho các chính trị gia đưa ra chính sách bần cùng hóa họ.

Một số người cho rằng khi chính phủ thỏa mãn các chi tiêu bằng cách tạo ra tiền chính vì lợi ích của dân. Họ biện minh rằng trong thời kỳ khủng hoảng, vì các nhu cầu chi tiêu tăng vọt nên chính phủ cần in tiền để thỏa mãn những nhu cầu cấp bách này mà không cần phải tăng mức thuế, tránh gây mất lòng dân. Nhưng Robert Murphy bác bỏ lời biện minh cho rằng lạm phát tiền tệ là điều cần thiết để đối phó với nạn khủng hoảng: “…thực sự người dân không chấp nhận mức tăng thuế quá cao… Thay vào đó, để tài trợ cho những khoản chi tiêu, chính phủ phải dùng đến thuế lạm phát ẩn. Một khi lạm phát tiền tệ xảy ra, sức mua của người dân suy giảm và được khôn khéo che đậy bằng giá cả tăng vọt; đồng thời chính phủ đổ lỗi cho các nhà đầu cơ, công đoàn, những kẻ trục lợi và những kẻ xấu khác, chứ không phải do sự chi tiêu hoang phí của chính phủ.” (6)

Bản chất ngấm ngầm của lạm phát tiền tệ không dừng lại ở đây, nó còn dẫn đến bất bình đẳng giàu nghèo. Đứng ngay sau các chính trị gia và quan chức, tầng lớp giàu có hưởng lợi nhiều nhất một khi có lạm phát. Ai cũng hiểu rõ một trong những phương cách mà các ngân hàng trung ương thường dùng để mở rộng nguồn cung ứng tiền tệ là bằng cách hạ lãi suất một cách giả tạo. Lãi suất thấp lôi kéo mọi người vay tiền mới vừa được bơm vào lưu thông qua hệ thống ngân hàng, và ai là người hội đủ điều kiện để vay khoản tín dụng với giá lãi suất rẻ như thế? Thưa, đó là những người thuộc tầng lớp thượng lưu khi nắm trong tay nhiều tài sản nên dễ dàng dùng nó để thế chấp cho các khoản vay. Vì lãi suất rẻ, hạng giàu có sẵn sàng vay mượn để mua bất động sản, đầu tư cổ phiếu, mỹ nghệ, sắm xe hơi cổ, thu mua kim loại quý hoặc các loại hàng quý hiếm khác. Vì cầu tăng cao đối với những tài sản này nên giá cả nhảy vọt và dĩ nhiên, giá trị tài sản của giai cấp thượng lưu cũng tăng theo tỷ lệ thuận. 

“…những người hưởng lợi nhiều nhất từ các chính sách của Fed [thuộc thế kỷ 21] là giới thượng lưu tài chính, của cải của họ tăng trưởng nhờ lợi dụng đúng thời cơ khi lãi suất rẻ và dễ dàng vay mượn số tiền mới chính phủ vừa tung vào thị trường. Như một nhà bình luận nhận xét, ‘1% gia đình có thu nhập cao nhất có nhiều cơ hội nhất và tiếp cận sát nhất với nền kinh tế thị trường hơn cả 99% số gia đình còn lại.’” (7)

Ngoài việc cho phép các chính trị gia, quan chức và tầng lớp thượng lưu bòn rút của cải từ đại đa số dân chúng, còn có một lý do khác giải thích tại sao lạm phát tiền tệ lại hủy hoại nền kinh tế. Lãi suất thấp khuyến khích các cá nhân tiêu dùng hơn bình thường và thúc đẩy các doanh nghiệp vay mượn quá mức với chủ đích khuếch trương thị trường. Tiền dễ kiếm, nhà kinh tế Henry Hazlitt giải thích: “…tạo ra những biến dạng kinh tế… khuyến khích tăng cường vay mượn… nó có xu hướng khuyến khích các hoạt động mạo hiểm mang tính đầu cơ cao. Về phía cung, việc giảm lãi suất giả tạo không khuyến khích tiết kiệm và đầu tư. Nó làm giảm sự tích lũy tư bản.” (8)

Để hiểu rõ hơn, chúng ta so sánh tình trạng tiền tệ tràn ngập nền kinh tế (không cân xứng với số hàng hóa và dịch vụ) với nạn nghiện ma túy. Khi một người nghiện dùng ma túy, anh ta ở trạng thái hưng phấn, nhưng khi ma túy bị lấy đi, cơ thể và tinh thần của anh ta suy sụp. Đối với nền kinh tế đang bùng phát, in tiền và bơm vào thị trường với lãi suất thấp chính là một loại ma túy. Nhưng khi lãi suất tăng, và lượng tiền ngừng chảy vào huyết mạch của nền kinh tế, thì chắc chắn dẫn đến sụp đổ. Nhưng nên so sánh xa hơn một chút: Nếu sự suy sụp của người nghiện ma túy là điều cần thiết để đưa cá nhân đó trở lại tình trạng tỉnh táo và khỏe mạnh, thì sự sụp đổ kinh tế cũng cần thiết để khôi phục lại nền kinh tế lành mạnh. Sự sụp đổ giúp loại bỏ tất cả các yếu tố kinh tế yếu kém, hoặc đầu tư sai, ra khỏi hệ thống và chuyển vốn vào các lãnh vực kinh doanh mang lại hiệu năng, hứa hẹn sự phát triển bền vững, hay như Rothbard giải thích: “…nên biết rằng giai đoạn trì trệ thực chất là giai đoạn phục hồi. Hầu hết mọi người hài lòng trong thời kỳ bùng phát, khi nhìn thấy lợi ích lạm phát trong tầm tay nhưng khó nhận ra những tổn thất ngầm thường che khuất tầm mắt… Giai đoạn mà mọi người phàn nàn là giai đoạn khủng hoảng và trì trệ. Ở giai đoạn này, nên rõ ràng, đừng làm tình trạng thêm rối ren, phức tạp. Rắc rối xảy ra trong thời kỳ bùng phát, khi đầu tư sai và biến dạng diễn ra; giai đoạn khủng hoảng–trì trệ chính là giai đoạn sửa chữa các lầm lẫn trong thời kỳ bùng phát…”  (9)

Các ngân hàng trung ương bơm tiền dễ dàng vào hệ thống kinh tế trong nhiều thập niên. Đây là một lợi ích cho sự phát triển của nhà nước, nó làm giàu cho tầng lớp thượng lưu và nó tạo ra bong bóng về giá cả của các tài sản như cổ phiếu và bất động sản. Nhưng trong quá trình đó, nó làm bần cùng hóa tầng lớp trung lưu và người nghèo, và chúng ta hiện đang trực diện với nguy cơ giá tiêu dùng tiếp tục tăng vọt. Các ngân hàng trung ương đang cố gắng chế ngự sự gia tăng giá cả bằng cách tăng lãi suất và thắt chặt các điều kiện tín dụng. Nhưng với quá nhiều khoản nợ trong cơ chế đời sống, ở cấp cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ, việc tăng lãi suất có nguy cơ làm sụp đổ các cấp kinh tế kể trên.

Nói cách khác, một khi ngưng bơm tiền vào lưu thông (như ngưng cung cấp ma túy cho kẻ nghiện) khiến chúng ta rơi vào tình trạng suy sụp. Liệu các ngân hàng trung ương vẫn chống giá cả tiêu dùng tăng vọt bằng cách tiếp tục tăng lãi suất và chấp nhận để  một vụ sụp đổ nhằm sửa chữa các lầm lẫn xảy ra? Hay họ sẽ theo mô hình của vài thập niên trước và khi thấy các triệu chứng đầu tiên dẫn đến sự suy sụp nghiêm trọng của giá cổ phiếu hoặc giá bất động sản, họ lập tức cắt giảm lãi suất như lần đó? Nếu họ chọn con đường thứ hai, họ giống như đang đùa với lửa, vì Ludwig von Mises giải thích: “Nếu một khi công chúng tin rằng sự gia tăng lượng tiền vẫn tiếp tục và không bao giờ chấm dứt, và do đó dẫn đến hậu quả là giá cả của tất cả hàng hóa và dịch vụ sẽ không ngừng tăng lên, mọi người đều háo hức mua càng nhiều càng tốt và hạn chế giữ tiền mặt trong tay… Ai ai cũng nóng lòng đổi tiền lấy hàng hóa ‘thật,’ bất kể loại hàng hóa đó có cần thiết hay không, hoặc bất kể với giá cả bao nhiêu. Trong một thời gian rất ngắn… tiền mất giá thấy rõ.” (10)

  1. Hans F. Sennholz. Inflation, or Gold Standard. Bramble Minibooks, Lansing, Michigan, 1973. Perils of Inflation: What Inflation Is, tr. 2-3.
  2. George Reisman. Capitalism. Jameson Books, Ottawa, Illinois, 1998. Ch. 2: Wealth And Its Role In Human Life, 1. Wealth and Goods, tr. 39.
  3. George Reisman. Capitalism. Jameson Books, Ottawa, Illinois, 1998. Ch. 19: Gold Versus Inflation, Phần B, The Deeper Roots And Further Effects Of Inflation, 4. Inflation as the Cause of a Redistribution of Wealth and Income, tr. 929.
  4. Murray Rothbard. What Has Government Done To Our Money? Ludwig von Mises Institute, Auburn, Alabama, 2008. Ch. III: Government Meddling With Money, 2. The Economic Effects of Inflation, tr. 53.
  5. Murray Rothbard. The Mystery Of Banking. Ludwig von Mises Institute, Auburn, Alabama, 2008. Ch. IV: The Supply of Money, 3. Government Paper Money, tr. 53.
  6. Robert Murphy. Understanding Money Mechanics. Mises Institute, Auburn, Alabama, 2021. Ch. 2: A Brief History of the Gold Standard with a Focus on the United States, World War I and Its Aftermath, tr. 38.
  7. Edward Chancellor. The Price of Time: The Real Story of Interest. Penguin, OceanofPDF.com, 2022. Ch. 14: Let Them Eat Credit, The Pitchforks Are Coming, tr. 254.
  8. Henry Hazlitt. Economics in One Lesson. Ludwig von Mises Institute, Auburn, Alabama, 2008. Ch. 23: The Assault on Saving, tr. 169.
  9. Murray Rothbard. Man Economy and State. Ch. 12: The Economics of Violent Intervention in the Market, ph. 11: Binary Intervention: Inflation and Business Cycles, tr. 1000.
  10. Ludwig von Mises. Human Action. Fox & Wilkes, San Francisco, 1996. Ch. XVII: Indirect Exchange, 8. The Anticipation of Expected Changes in Purchasing Power, tr. 427-428.
RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments