SÀI GÒN, Việt Nam – Do lượng khách du lịch quốc tế và doanh thu giảm mạnh, không chỉ có hàng quán, nhiều khách sạn ở Sài Gòn đang gặp khó khăn phải ngưng hoạt động, thay đổi công năng, thậm chí phải rao bán.
Theo báo Tuổi Trẻ hôm 25 Tháng Năm, nhiều người dân đi ngang khu vực trước Ủy Ban Nhân Dân ở Sài Gòn đã nuối tiếc khi tấm bảng hiệu của khách sạn Norfolk có 104 phòng trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, sau 30 năm hoạt động bị gỡ bỏ và thông báo đóng cửa.
Kế bên Norfolk, một dãy các mặt bằng cũng treo bảng cho thuê, trong khi một khách sạn sát đó cũng tạm thời ngưng hoạt động.
Tương tự, tại đường Đồng Khởi, quận 1, nằm lọt giữa hàng loạt cửa hàng treo biển cho thuê mặt bằng là khách sạn Catina Saigon có năm tầng đã “cửa đóng then cài.” Hiện khu vực tầng trệt đã bị dán chi chít các thông báo cho thuê nhà.
Còn tại đường Lý Tự Trọng, quận 1, khách sạn Trường Thịnh vẫn treo bảng cho thuê gần ba năm qua. Tuy nhiên, đến nay khách sạn năm tầng với 19 phòng này vẫn chưa hoạt động trở lại.
Cũng trên trục đường này, khách sạn Lavender đã đóng cửa sau dịch COVID-19 và hiện đang chuyển đổi công năng.
Tại các con đường chuyên cho khách Tây phương lưu trú, nhiều khách sạn cũng đã tháo bảng hiệu hoặc ngưng hoạt động trong nhiều tháng qua.
Trong khi đó, trầm trọng hơn là trên các sàn giao dịch điện tử chuyên về bất động sản, nhiều khách sạn đang được rao bán.
Từ cuối năm 2020 đến nay, làn sóng rao bán vẫn âm ỉ khi các khách sạn vắng khách quốc tế, kinh doanh ế ẩm.
Cụ thể, một ông được ghi tên tắt là L. hiện rao bán một khách sạn tám lầu tại quận 1, với giá 138 tỷ đồng ($5.8 triệu). Hiện khách sạn này còn hợp đồng cho thuê trong hai năm với giá hơn 400 triệu đồng ($17,035)/tháng.
Trong khi đó, ông N. rao bán khách sạn 3 sao, 12 tầng, giá bán 265 tỷ đồng ($11.2 triệu). Với các khách sạn nhỏ và thấp tầng hơn, nhiều khách sạn đang được rao với giá dưới 100 tỷ đồng ($4.2 triệu), phổ biến ở mức 35-60 tỷ đồng ($1.9 triệu tới $2.5 triệu). Đặc biệt, không ít trong số khách sạn đang rao bán đều cho biết giấy chủ quyền đang “cắm” ở ngân hàng.
Theo một chuyên gia bất động sản, nhiều chủ khách sạn phải đi vay ngân hàng để kinh doanh hoặc thuê lại mặt bằng, nên trong thời buổi khó khăn phải sang nhượng, bán tài sản.
Đặc biệt, các khách sạn doanh thu chủ yếu đến từ khách ngoại quốc thì lại càng khó khăn, bởi vì du khách đến Việt Nam chưa nhiều và đều như trước.
(Tr.N – NV)