Tác giả Tom Ozimek (Epoch Times) – Vân Du dịch
Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã nắm quyền kiểm soát ngân hàng First Republic Bank. Hôm thứ Hai (01/05), FDIC thông báo rằng ngân hàng gặp khó khăn này đang được JPMorgan Chase mua lại.
Hôm thứ Hai, các cơ quan quản lý tài chính của California đã ra lệnh đóng cửa ngân hàng First Republic Bank, với FDIC được chỉ định là công ty tiếp nhận.
FDIC cho biết trong một tuyên bố hôm 01/05: “Để bảo vệ người gửi tiền, FDIC đang ký kết một thỏa thuận mua bán và tiếp nhận với Ngân hàng JPMorgan Chase, Hiệp hội Quốc gia, Columbus, Ohio, để tiếp nhận tất cả các khoản tiền gửi và về căn bản là toàn bộ tài sản của First Republic Bank.”
Thỏa thuận mua và nắm giữ này sẽ cho thấy FDIC đóng góp khoảng 13 tỷ USD từ quỹ bảo hiểm tiền gửi của mình để làm dịu thỏa thuận này, vốn đã được ký kết vào cuối hôm Chủ Nhật (30/04) và đầu thứ Hai (01/05) sau khi một số ngân hàng nộp hồ sơ dự thầu vào phút cuối.
The Epoch Times chưa thể xác nhận những bên tham gia đấu thầu khác, nhưng FDIC cho biết đề nghị của JPMorgan — bao gồm giả định về tất cả tiền gửi của khách hàng và về căn bản là tất cả tài sản của ngân hàng này — phù hợp với cuộc đấu thầu này.
FDIC cho biết: “Việc giải quyết ngân hàng First Republic Bank liên quan đến một quá trình đấu thầu cạnh tranh cao và đưa đến một giao dịch phù hợp với các yêu cầu về chi phí thấp nhất của Đạo luật Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang.”
Điều này đề cập đến yêu cầu pháp lý đối với FDIC để chọn một hình thức “giải quyết” — hoặc thanh khoản có trật tự của một ngân hàng đang sụp đổ — để mang lại chi phí thấp nhất có thể cho quỹ bảo hiểm tiền gửi của mình và, gián tiếp, cho khách hàng của các ngân hàng lành mạnh mà cuối cùng sẽ bị cản trở bởi chi phí bổ sung quỹ thông qua một đánh giá đặc biệt (hoặc phí bảo hiểm) đối với các ngân hàng.
FDIC cũng đang tham gia vào một giao dịch chia sẻ tổn thất với JPMorgan Chase đối với các khoản vay địa ốc được mua từ First Republic Bank, một thỏa thuận nhằm giảm thiểu những sự gián đoạn cho các khách hàng vay vốn và tối đa hóa khả năng thu hồi.
FDIC cho biết, FDIC với tư cách là công ty tiếp nhận và Ngân hàng JPMorgan Chase, Hiệp hội Quốc gia, sẽ chia sẻ các khoản lỗ và khả năng thu hồi đối với các khoản vay được bảo đảm theo thỏa thuận chia sẻ tổn thất này.”
Tính đến ngày 13/04/2023, First Republic Bank có tổng tài sản xấp xỉ 229.1 tỷ USD và tổng số tiền gửi là 103.9 tỷ USD.
Theo các điều khoản của việc tiếp nhận này, những người gửi tiền của First Republic sẽ tự động trở thành người gửi tiền của JPMorgan Chase và sẽ tiếp tục có toàn quyền truy cập vào các khoản tiền gửi của họ.
Hôm thứ Hai, 84 văn phòng của First Republic Bank tại 8 tiểu bang sẽ mở cửa trở lại như là các chi nhánh của JPMorgan Chase, sẽ hoạt động bình thường trong giờ làm việc như lệ thường.
Giao dịch này làm cho JPMorgan Chase — vốn đã là ngân hàng lớn nhất quốc gia — thậm chí còn lớn hơn nữa.
Thông báo về thỏa thuận này đã kéo dài nhiều tuần đồn đoán về số phận của First Republic, vốn vừa được năm ngân hàng lớn nhất của quốc gia, trong đó có JPMorgan, cấp cho một đường cứu sinh dưới hình thức cấp 30 tỷ USD vào các khoản tiền gửi không được bảo hiểm.
Hồi tháng 07/2020, First Republic là ngân hàng lớn thứ 14 tại Hoa Kỳ và vào cuối năm ngoái (2022), họ đã tuyển dụng hơn 7,200 người.
Nhà cho vay có trụ sở tại San-Francisco này, giống như những nhà cho vay khác trong khu vực, bị siết chặt bởi tốc độ tăng lãi suất nhanh chóng của Cục Dự trữ Liên bang trong nỗ lực dập tắt lạm phát tăng vọt. Lãi suất tăng khiến danh mục trái phiếu của ngân hàng này giảm giá trị, trong khi sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) hồi tháng Ba đã gây ra điều mà các giám đốc điều hành của First Republic cho là một dòng tiền gửi chảy ra “chưa từng có,” dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu của ngân hàng này.
‘Dòng tiền gửi rút ra chưa từng có’
Một báo cáo thu nhập (pdf) do First Republic công bố hôm 24/04 cho thấy họ đã trải qua một đợt cạn kiệt tiền gửi “chưa từng có” sau sự sụp đổ của SVB và Signature Bank.
Ông Neal Holland, giám đốc tài chính của First Republic, cho biết: “Với việc đóng cửa một số ngân hàng hồi tháng Ba, chúng tôi đã trải qua tình trạng rút tiền gửi chưa từng có.”
Hôm 09/03, một ngày trước khi SVB sụp đổ, tiền gửi của First Republic Bank ở mức 173.5 tỷ USD, giảm 1.7% so với cuối năm 2022.
Tuy nhiên, hôm 10/03, khi sự sụp đổ của SVB thu hút nhiều sự chú ý, First Republic Bank bắt đầu trải qua một đợt rút tiền hàng loạt chưa từng có đối với các khoản tiền gửi khiến 101 tỷ USD tiền tiết kiệm bị rút khỏi ngân hàng này cho đến ngày 21/04.
Tin tức về việc rút tiền gửi này đã khiến cổ phiếu của First Republic Bank xuống mức thấp kỷ lục.
Trong thời gian trước khi FDIC nắm quyền kiểm soát First Republic Bank hôm Chủ Nhật, nhiều người đã suy đoán về việc liệu ngân hàng này có cố gắng tiếp tục hoạt động trong khi thực hiện các bước để củng cố bảng cân đối kế toán hay không.
Đó dường như là cách hành động ưa thích của Giám đốc điều hành First Republic, ông Michael Roffler, người đã nói trong báo cáo thu nhập nêu trên rằng tiền gửi đã ổn định và ngân hàng này vẫn “hoàn toàn cam kết” phục vụ khách hàng của mình.
Ông nói, “Với sự ổn định của cơ sở tiền gửi của chúng tôi và sức mạnh của chất lượng tín dụng và vị thế vốn của chúng tôi, chúng tôi tiếp tục thực hiện các bước để củng cố hoạt động kinh doanh của mình.”
Đồng thời, First Republic Bank cho biết trong báo cáo thu nhập này rằng họ đang “theo đuổi các lựa chọn chiến lược,” mà đó là mật mã của Wall Street để tìm kiếm một hiệp sĩ lao vào giải cứu.
Một số nhà phân tích dự đoán rằng sự sụp đổ của First Republic Bank sẽ gây thêm áp lực suy giảm đối với một khu vực tài chính vốn đã bị tổn hại.
‘Những cuộc khủng hoảng tín dụng’ sắp xảy ra?
Theo Morgan Stanley, cuộc khủng hoảng ngân hàng này được cho là sẽ gây ra “những cuộc khủng hoảng tín dụng,” làm giảm tăng trưởng kinh tế.
“Sự gián đoạn trong hệ thống tài chính này sẽ để lại dấu ấn đối với nền kinh tế thực,” các kinh tế gia của Morgan Stanley viết trong một báo cáo mới đây. “Các nhà phân tích ngân hàng của chúng tôi nhận thấy chi phí tài trợ thường xuyên cao hơn đối với các ngân hàng trong tương lai, và sự gián đoạn đối với các thị trường tài trợ có thể sẽ dẫn đến việc thắt chặt các điều kiện tín dụng.”
Theo Goldman Sachs, các lĩnh vực sản xuất, địa ốc thương mại, và công nghệ là những lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất trước một sự cắt giảm cho vay của ngân hàng.
Ông Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, đã viết trong một ghi chú gần đây rằng việc giảm cho vay sẽ dẫn đến việc đầu tư kinh doanh vào các ngành này giảm đi.
Ông Hatzius cho biết, “Chúng tôi cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng việc làm giảm dần trong ngành giải trí, khách sạn, và các ngành dịch vụ khác, vì khả năng cho vay suy giảm sẽ ngăn cản các nhà điều hành nhà hàng và các doanh nghiệp nhỏ khác tuyển dụng nhân công mới hay mở cơ sở mới.”
Các chuyên gia cho biết, trong khi dòng tiền gửi đã ổn định trong những tuần gần đây sau một sự gia tăng ban đầu sau sự sụp đổ của SVB, lĩnh vực ngân hàng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Ông Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại quỹ phòng hộ Tressis, nói với The Epoch Times trong một thư điện tử: “Những điểm yếu căn bản trong khu vực ngân hàng Hoa Kỳ tiếp tục được kiềm chế nhờ việc cấp thanh khoản và các khoản cho vay ngắn hạn.”
Ông Lacalle nói thêm: “Tuy vậy, vấn đề cốt lõi vẫn là: cơ sở tài sản sinh lời đã bị phá hủy sau nhiều năm lãi suất thực âm.”
Lãi suất thực âm xảy ra khi lãi suất danh nghĩa – lãi suất thường được các ngân hàng niêm yết đối với các khoản cho vay và các sản phẩm tài chính khác – thấp hơn tỷ lệ lạm phát. Các ngân hàng gặp khó khăn hơn trong việc thu được lợi nhuận khi lãi suất thấp.
Trước khi giá cả tăng vọt buộc Fed bắt đầu tăng lãi suất hồi tháng 03/2022, đã có hơn một thập niên ngân hàng trung ương mở rộng bảng cân đối kế toán bằng cách mua chứng khoán chính phủ, đẩy lãi suất xuống gần bằng 0, và làm nền kinh tế tràn ngập tiền rẻ.
Các nhà phân tích cho rằng nhiều ngân hàng đã chấp nhận thêm rủi ro để tăng lợi nhuận đầu tư trong những năm lãi suất rất thấp, và một số ngân hàng có thể đã không phòng ngừa được rủi ro lãi suất tăng.
Ông Ben Johnston – giám đốc điều hành của Kapitus, một nhà cung cấp tài chính cho các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ – nói với The Epoch Times qua thư điện tử: “Dòng tiền gửi được rút ra cũng đã buộc các ngân hàng phải bán lỗ các tài sản mà họ dự định giữ đến ngày đáo hạn, để có lượng tiền mặt cần thiết trang trải cho việc rút tiền gửi.”
Ông nói thêm: “Những khoản lỗ này đã làm giảm giá trị vốn chủ sở hữu của các ngân hàng, làm suy yếu khả năng chịu đựng những tổn thất trong tương lai của họ, và khiến các cơ sở khách hàng của họ lo lắng. Mặc dù nỗi sợ hãi trong hệ thống ngân hàng đã lắng xuống, nhưng những rủi ro này vẫn chưa biến mất.”
Mới đây, nhà đầu tư Warren Buffett đã dự đoán rằng “chúng ta chưa vượt qua được các vụ sụp đổ ngân hàng,” trong khi ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan, đã viết trong một bức thư gửi các cổ đông rằng ngay cả khi cuộc khủng hoảng hiện tại đã qua đi, thì “vẫn sẽ có những hậu quả từ đó trong nhiều năm tới.”
(Bản tin có sự đóng góp của Liam Cosgrove và Emel Akan)