Wednesday, November 20, 2024
No menu items!
spot_img
HomeVăn HọcHồi Ký "THÁNG NGÀY QUA"  của Nguyễn Tường Nhung (Phần 1)

Hồi Ký “THÁNG NGÀY QUA”  của Nguyễn Tường Nhung (Phần 1)

TÁC GIẢ:  Bà Nguyễn Tường Nhung, sinh 1936, là trưởng nữ của cố nhà văn Thạch Lam (tên thật là Nguyễn Tường Vinh sinh 1910 mất 1942) và là phu nhân của cố Trung tướng Ngô Quang Trưởng nguyên Tư lệnh Quân đoàn IV, Quân Khu IV rồi Quân đoàn I Quân khu I của Miền Nam Việt Nam cho đến tháng 3-1975. Hồi ký ghi lại những thăng trầm của cuộc đời bà, từ trại Cẩm Giàng của dòng họ Nguyễn Tướng sau khi cha mất, đến khi kết hôn với Trung úy Ngô Quang Trưởng rồi lưu vong sang Hoa Kỳ

TÁC PHẨM:  ” THÁNG NGÀY QUA ”  một cuốn hồi ký viết với tất cả tâm tình tự nhiên, trung thực, đầy đủ, cho bạn đọc cảm nhận được cuộc sống tác giả và các thành phần liên hệ với đề tài về 2 nhân vật tên tuổi, là Nhà văn Thạch Lam thủa sanh thời, và Trung tướng Ngô Quang Trưởng mới quá cố .

Có thể những băn khoăn của độc giả lại cũng là điểm tác giả  Nguyễn Tường Nhung thắc mắc, rằng bà không biết sẽ khởi sự từ đâu, khoảng thời gian nào của cuộc đời bà. “

Nguyễn Tường Nhung đã nói bà không tham vọng là một nhà văn, cũng không sẽ có cuốn thứ hai, nghĩa là bà viết xong cuốn ” Tháng Ngày Qua ” là chấm dứt , vì các sự việc cũng đã đủ cho một tập hồi ký về người cha, Thạch Lam, và người chồng, Ngô Quang Trưởng .

Trước hết, tôi xin thưa, tác giả bắt đầu ” tự sự kể  “Tháng Ngày Qua ” từ những ngày tháng như đang còn hiện diện ở gia đình thủa bé thơ, tới khi đã lớn lên và trưởng thành  

Tác giả Nguyễn Tường Nhung , trưởng nữ của Nhà Văn THẠCH LAM, là người chưa từng viết lách, nhưng dòng văn của bà , tình tiết truyện kể chẳng khác gì những đoạn cảnh trong các tác phẩm của các bậc tiền bối của dòng họ NGUYỄN TƯỜNG danh tiếng , quý cụ cố NHẤT LINH, HOÀNG ĐẠO , THẠCH LAM . 

 Nhưng không thể nào phủ nhận tính cách hồi ký, mà tác giả NGUYỄN TƯỜNG NHUNG chỉ đề cập sơ sài là  ” hồi ức “, rất chính xác các sự việc ngoài đời của bà, và lời kể chuyện có lẽ được ảnh hưởng từ quý cụ Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, nên ngôn ngữ Tự Lực Văn Đoàn như phảng phất trong ” Tháng Ngày Qua ” của Nguyễn Tường Nhung vậy.

Tôi đã được đọc khá nhiều các hồi ký của các bậc danh nhân gần thế hệ tôi nhất, quý vị đủ ngành nghề , trong và ngoài quân đội, quý vị đủ lứa tuổi thanh niên, trung niên, cao niên …ở trong nước hay đã ra nước ngoài , đa phần là muốn tiết lộ, muốn thanh minh, muốn phê phán vv…

Thậm chí có cả những cuốn ngầm kể công, muốn tranh cãi , muốn bảo rằng trong vấn đề nào đó , nếu ông hay bà được giao nhiệm vụ ấy, thì kết quả mỹ mãn hơn nhiều.

Nhưng không phải vậy, ý nghĩ viết ” Tháng Ngày Qua ” của Nguyễn Tường Nhung, trước sau chỉ muốn diễn tả lòng mình , mà theo thiển ý nông cạn của tôi, tôi nghĩ bà muốn bầy tỏ cho thân bằng quyến thuộc , cho con cháu sau này biết tới gốc gác, đồng thời biết tới một hình ảnh phụ nữ trong đại tộc Nguyễn Tường , bà đã tự an tâm , bình tĩnh , nhẫn nại , vươn lên như thế nào .

Có thể nói “Tháng Ngày Qua ” với 307 trang ký sự hồi ức, và 101 trang hình ảnh ít nhiều liên hệ tới sinh hoạt của tác giả Nguyễn Tường Nhung, là những lời tâm sự thành thật nhất  .

Đọc hồi ức ” Tháng Ngày Qua ” để biết được một bậc nữ lưu, đã thực sự gian truân từ tuổi thiếu niên, qua thực trạng khốn khó sau thế chiến thứ hai, khi người cha đã mất , nhà văn THẠCH LAM.

Tới thời buổi đất nước qua phân, chiến tranh ý thức hệ , thao thức nỗi lo âu khi có chồng là chiến tướng ngày đêm ngoài mặt trận, Trung Tướng VNCH NGÔ QUANG TRƯỞNG .

Vì thế , hồi ức ” THÁNG NGÀY QUA ” của NGUYỄN TƯỜNG NHUNG không chỉ đóng khung trong khuôn viên dòng họ NGUYỄN TƯỜNG , NGÔ QUANG … Còn có thể, khoảng không gian chung của những người hiện diện trong 30 năm gian nan, nguy hại vì chủ nghĩa cộng sản xâm nhập chính nghĩa QUỐC GIA TỰ DO, đã thể hiện rõ nét nhất trong hồi ức này .

Quý vị sẽ thông cảm và mến mộ tác giả Nguyễn Tường Nhung , cây viết không chuyên, nhưng rất tài tình trong ngôn ngữ truyện ký, nên đọc, đáng đọc, để không phải tham khảo, truy cứu , vì một lẽ rất giản dị là ở cuốn  hồi ức đó, có tất cả chi tiết về thân thế, hành trình cuộc đời của 2 nhân vật lừng danh : Nhà Văn THẠCH LAM nhân vật thứ 6 của dòng họ Nguyễn Tường, thành viên TỰ LỰC VĂN ĐOÀN và cố Trung tướng NGÔ QUANG TRƯỞNG, nguyên Tư lệnh Quân đoàn I, quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm ” THÁNG NGÀY QUA ” hồi ức của NGUYỄN TƯỜNG NHUNG cùng quý vị, một hậu duệ của dòng họ NGUYỄN TƯỜNG ,và TỰ LỰC VĂN ĐOÀN hậu chiến.

Cao Mỵ Nhân

BỐ TÔI

Ngày bố tôi mất, tôi lên 6 tuổi, em kế tôi 3 tuổi và em út mới sanh được 3 ngày. Cả hai em tôi đều là trai. Bố tôi bị lao phổi, vì thời gian đó làm việc quá sức. Một mình ông phải trông coi nhà in, xuất bản báo, viết bài, viết truyện.

Bố tôi bị bịnh nằm nhà đã mấy tháng, nhưng vẫn tỉnh táo, ngay trước khi mất vài tiếng đồng hồ cũng vẫn tỉnh… thấy bố tôi đau lâu mà không bớt, bà nội và cô tôi đi coi bói về bịnh trạng của bố tôi. Thầy bói nói sợ bố tôi không qua khỏi, nhưng sau khi ông bấm số của mẹ tôi. Mẹ tôi lúc đó đang mang thai người em út gần đến ngày sinh. Ông bảo:

“Nếu bà sinh con gái thì nên làm tiệc lớn ăn mừng, còn nếu con trai thì nên lo trước việc tang lễ, vì đứa con trai này khắc cha mẹ và anh chị em nữa.”

Tuy bà và cô tôi không tin hẳn lời của ông thầy bói, vì bố tôi vẫn còn tỉnh táo lắm, nhưng cả hai đều rất lo lắng. Rồi ngày sinh em của mẹ đã đến. Khi biết là con trai thì bà và cô tôi khóc rất nhiều. Mọi người giấu mẹ tôi vì chuyện đó. Mẹ ở nhà thương được hai ngày thì tối ấy bố tôi hơi trở bịnh mệt hơn. sáng sớm ngày thứ ba thì bà tôi cho người đến đón mẹ về vì muốn bố tôi thấy mặt em tôi. Lúc ấy bà phải nói cho mẹ tôi biết về lời thầy bói nói. Thế là cả ba đều khóc, phải xuống dưới bếp khóc vì sợ động đến bố tôi. Người nào mắt cũng đỏ hoe. Mẹ tôi bế em tôi vào để bố nhìn mặt. Bố tôi bảo đỡ dậy để nhìn em cho rõ hơn. Bố tôi ngắm nghía em rồi khen thằng bé kháu khỉnh và khỏe mạnh rồi quay qua mẹ tôi mắng nhẹ, sao lại bế con về nhà sớm vậy, mới sinh nở còn non nớt, sức khỏe còn yếu, phải nằm lại nhà thương một tuần lễ chứ. Thế là mẹ tôi không cầm lòng được nữa, khóc nức nở. Bố tôi cau mày và nói, tôi đã chết đâu mà khóc.

Đến trưa bố tôi tỉnh dậy và đòi ăn na, thứ na bở mùi thơm ngào ngạt mà bố tôi thích nhất. Ngoài na ra bố tôi còn thích ăn dưa hồng và dưa gang, các thứ dưa đó khi chín cũng tỏa ra một mùi thơm thật nhẹ nhàng. Ăn được một vài miếng thì bố tôi lại đuối sức mệt lả, người nhà vội đỡ bố tôi nằm xuống và bố tôi bắt đầu thiếp dần. Chiều đến thì chú Bảy tôi đến thăm, chú đã ngồi lại trong phòng bố tôi rất lâu. Khi chú Bảy tôi đẩy cửa bước ra thì mọi người trong nhà đều nhìn chú Bảy tôi bằng ánh mắt chờ đợi một hy vọng may mắn do chú tôi đem lại, vì lúc ấy chú Bảy tôi đã đậu xong bằng bác sĩ cho nên chú biết rất rõ về bệnh trạng của bố tôi. Chú bước ra và đi rất vội vàng không nhìn ai cả. Có nhẽ chú sợ làm cho mọi người ruột thịt trong nhà mất hết niềm hy vọng đã đặt vào chú là chú có thể chữa khỏi bệnh cho bố tôi. Vẻ mặt đau buồn và cặp mắt đỏ hoe của chú đã nói lên được sự sắp sửa ra đi của bố tôi. Cho nên chú chỉ nói một câu tiếng Tây ý nghĩa là bệnh của bố tôi không khỏi được và sự ra đi vĩnh viễn của bố tôi cũng gần đến. Vài giờ sau đó thì bố tôi tắt thở.

Nhóm Tự Lực Văn Đoàn

Ngày đưa đám bố, tôi được ngồi chung xe kéo với mẹ tôi. Trước giờ đưa đám, bà vú bắt tôi mặc áo tang may bằng vải sô thô sơ, lại có dây bằng gai thắt ngang bụng, lại thêm cái mũ mấn chụp vào đầu, kéo miếng vải ở phía trước chụp xuống mắt thì chỉ còn nhìn thấy hai bàn chân mình mà thôi. Tuy còn nhỏ nhưng có lẽ tôi cảm nhận được sự đau buồn qua chiếc áo tang hay có nhẽ vì trông chiếc áo và mũ đó quá xấu và kỳ dị mà tôi chưa thấy bao giờ, cho nên tôi đã khóc và trốn vào trong tủ áo nhất định không chịu mặc khi đưa đám bố tôi

Chiếc xe tang có bốn con ngựa kéo, ngựa được phủ cái choàng màu đen có viền ren trắng, kéo theo chiếc quan tài được phủ bằng nhung đen chung quanh có tua, bốn góc của chiếc xe tang có bốn người thân tay cầm mỗi người một sợi dây từ bốn góc của chiếc quan tài đi chậm chậm theo xe tang. Mẹ tôi mặc áo tang may bằng vải sô, buộc ngang lưng bằng dây gai, đầu đội mũ mấn, tóc xõa ngang lưng, chẳng nhìn thấy mặt mẹ tôi đâu cả. Lúc ấy mẹ tôi mới ngoài 30 tuổi. Bố tôi chết đi để lại cho mẹ tôi 3 đứa con còn quá nhỏ dại, về vật chất thì chẳng có gì, ngoài những cuốn truyện, tiểu thuyết ngắn, dài mà sau này khi chúng tôi khôn lớn, đó là một gia tài vô cùng quý giá và là một niềm hãnh diện cho chúng tôi. Không biết mẹ tôi lúc ấy nghĩ gì và đau buồn ra sao, nhưng tôi chắc mẹ tôi đã đau buồn đến cực độ. (Tôi sẽ viết về mẹ tôi vào một dịp khác.)

Khi quan tài hạ huyệt thật là thảm thiết, bà, cô, chú Bảy cùng bạn bè thân thiết của bố tôi, ai nấy đều quá đau lòng thương tiếc người ra đi còn quá trẻ, khi nhìn cảnh mẹ tôi cứ khóc ngất đi và không còn nói ra lời nữa. Tôi thì cứ nhìn mọi người khóc rồi cũng khóc theo luôn. Em kế tôi khi nhìn thấy có bát cơm đầy, trên có cắm đôi đũa vông và có hai cái trứng gà luộc thì chỉ tay và đòi ăn. Chị em chúng tôi nào đã biết được sự chia ly chết chóc như thế nào đâu. (Còn tiếp)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments