Dù bị phê phán ở Anh, cựu thủ tướng Anh Liz Truss sẽ vẫn thăm Đài Loan để kêu gọi có các biện pháp cứng rắn chống lại Trung Cộng.
Trong khi một số nhân vật quan trọng trong đảng Bảo thủ chỉ trích chuyến thăm dự định vào tuần này của bà Liz Truss, các báo Đài Loan đã tiết lộ bà sẽ cổ vũ cho “giải pháp cứng” để bảo vệ Đài Bắc, chống lại Bắc Kinh.
Bà Alicia Kearns, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại trong Hạ viện Anh, nói với báo The Guardian rằng chuyến thăm Đài Loan của bà Liz Truss “mang tính trình diễn” hơn là thực chất.
Chuyến thăm dự trù từ 16 đến 20/05 sang Đài Loan của bà Truss còn bị chê là “ngoại giao trên Instagram” – hàm ý ghi điểm trên mạng xã hội.
Đáp lại, bà Truss nói “các đồng sự cùng đảng đã cố ý diễn tả sai về chuyến đi”.
Cả hai bà Kearns và Truss đều thuộc đảng Bảo thủ Anh đang cầm quyền, và khác biệt quan điểm khá gay gắt của họ phản ánh một điều là chính giới Anh chưa thống nhất về chuyện làm gì với Đài Loan.
Hiện chỉ là nghị sĩ Quốc hội sau khi mất chức thủ tướng, bà Truss tuy thế vẫn có uy tín trong nhóm thiên hữu của đảng Bảo thủ vốn chú tâm đến vấn đề an ninh.
Các dân biểu này thường phát biểu chống Trung Cộng mạnh hơn đường lối chính thức của nội các Rishi Sunak.
Ngoại trưởng James Cleverly ba tuần trước nêu ra chính sách về Trung Cộng và Đài Loan của Anh, nhấn mạnh đến cách tiếp cận đa diện trong quan hệ Anh-Trung.
Về Đài Loan, ông cảnh báo “một cuộc xâm lăng quân sự của Trung Cộng sẽ là thảm họa cho kinh tế thế giới”.
Tuy thế, ông Cleverly bác bỏ cách nhìn coi Trung Cộng là mối đe dọa mà chỉ coi TQ là “thách thức” nhưng hai bên cần tìm ra các điểm có thể hợp tác vì những vấn đề chung.
Trái lại, bà Truss sẽ phát biểu rằng Anh cần “dùng quyền lực cứng” (hard power) để răn đe, ngăn chặn Trung Cộng không xâm lăng Đài Loan, theo trang Taiwan News trích nội dung được tiết lộ từ chuyến thăm của bà Truss sắp tới.
Bài trên Taiwan News (15/05) cũng cho biết là Liz Truss sẽ thúc đẩy để Anh ủng hộ Đài Loan gia nhập CPTPP, liên minh thương mại có Hoa Kỳ, Anh và nhiều nước khác trong vùng châu Á-Thái Bình Dương (gồm Nhật Bản, Việt Nam…) tham gia, nhưng không có Trung Cộng.
Báo Anh, tờ The Express gần đây nói bà Truss muốn trình bày bức tranh về Đài Loan như tâm điểm của cuộc chiến thế kỷ, giữa chế độ độc tài và thế giới tự do.
Bà cáo buộc Đảng CS Trung Quốc tung ra chiến tranh ý thức hệ chống lại thế giới tự do.
Chính phủ TQ luôn nói các ngôn từ như vậy từ Phương Tây chỉ là “di sản của não trạng Chiến tranh Lạnh”.
Tuy mạnh mẽ phê phán các chuyến thăm Đài Loan của chính trị gia Mỹ và châu Âu, từ cả CH Czech, Anh, Pháp…, Trung Cộng chỉ có thể trừng phạt họ” bằng cách cấm thăm Trung Cộng.
Còn bà Alicia Kearns thì cho rằng tình hình ở eo biển Đài Loan đã căng thẳng sau chuyến thăm của Nancy Pelosi, nên “một chuyến đi [của Liz Truss] chỉ làm nóng thêm tình hình”, theo Becky Morton viết trên BBC News tuần qua.
Bà Truss bị phê phán là dùng chuyến đi để duy trì hình ảnh cá nhân trên chính trường vì “bản thân không còn ảnh hưởng gì”.
Thời gian làm thủ tướng của bà thuộc hàng ngắn nhất trong lịch sử, chỉ có 45 ngày sau khi kế hoạch thuế và chính sách kinh tế bà đề xuất gây xáo trộn nghiêm trọng trên thị trường tài chính-tiền tệ Anh.
Sinh năm 1975, bà Truss từng theo đảng Xã hội Dân chủ Anh (LibDem) thời sinh viên nhưng cuối cùng đã gia nhập đảng Bảo thủ và trúng cử vào Hạ viện.
Từng làm Bộ trưởng Thương mại, bà đại diện cho Anh ký nhiều hiệp định tự do mậu dịch, như với Việt Nam, Úc… sau Brexit.
Bà làm thủ tướng Anh từ 6/09 đến 25/10 năm 2022.