Trần Thị Lai Hồng
(tiếp theo)
Ngay giữa là một ông đang lấy lửa từ đèn dầu, tay cầm sẵn điếu thuốc lào, trước mặt có hai chữ thong thả. Phía dưới trái là người được bạc vui bên đống tiền, có hai câu thơ nôm Năm mới được lấy may/ đành nên ta về nghỉ. Cuối cùng, góc dưới phải có mụ nạ dòng mặc yếm và quần cũn cỡn đang xỉ vả ông chồng ngồi trong chòi bài, trước mặt có hai câu Chơi Xuân nọ nhớ đến hoa/ mời cậu về nhà Xuân lại thêm Xuân. Ông chồng quay đầu về phía vợ nhưng chẳng thèm nghe lời chì chiết mè nheo, cạnh câu nôm dùng từ rất xưa Qua viết khế ba bua, có nghĩa là ngoa ngoét thế bà ơi!
Hai bức tranh trên đây, phía trái là Sòng Xóc đĩa có vợ chồng chủ sòng và người hành văn ghi sổ sách. Phía trước có nhà cái ngồi xệp, hai bên có hai chữ nôm bán lẻ và ắt rồi. Bên trái có người cho tay vào túi, trên đầu ghi giải thích hết tiền cho tay vào túi/ muốn cầm khăn. Phía dưới bên trái ghi hàng chè, bên phải ghi hàng rượu.
Tranh bên phải là Tổ tôm điếm, có câu nôm viết dọc phía dưới Tam văn không ăn bốc là cửu vạn.
Những tranh đen trắng thu nhặt trong bài này xưa hơn những tranh màu, và mang nặng đường nét rất chệt, nhưng phần ghi chú chữ nôm rất rõ ràng, trong khi tranh màu hoàn toàn đường nét dân gian Việt nhưng có khi lại xóa mất chú thích, và rất khó kiếm tranh có đầy đủ chữ nôm.
Bức Hứng Dừa đen trắng trong Imagerie Populaire Vietnamienne của Maurice Durand có ghi chú chữ nôm Trong như ngọc trắng như ngà. Bên phải tranh là bức Đánh Ghen có ghi chú nôm Muốn vẻ thanh, tham vẻ quí. Chú thích nôm trên bức màu bên dưới là Khen ai khéo dựng nên dừa/ đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi.
Hai bức tranh dưới đây, bức trên chú thích nôm Đu Đôi, và Bắt Trạch, bức dưới Bịt Mắt Bắt Dê, là ba trong nhiều thú vui Xuân tại làng quê miền Bắc ngày xưa. Lưu ý các giải thưởng treo lòng thòng trên cột. Bức màu Bịt Mắt Bắt Dê bên dưới vẽ lại mới hơn bức đen trắng nhưng không có chú thích.
Hai bức dưới đây, bên trái vẽ cảnh một trò thi đua khác trong những thú vui Xuân, chú thích nôm là Thổi cơm thi, và bên phải là Hát Trống quân.
Hai trò vui Xuân khác ngoài Bắc ngày xưa là Leo Cột bên trái, và Liếm Chảo bên phải.
Hai bức tranh vui nhộn sắm sửa chợ búa ngày xưa với màu sắc nông thôn áo váy quang gánh thúng mủng xe kéo… có nét dí dỏm tục tĩu với câu nôm chửi thề rất bình dân miền Bắc. Bức đen trắng ghi chủ đề Phố An Nam đọc từ trên xuống, sau lưng nguời kéo xe, đầy đủ hình ảnh và câu chửi bằng chữ nôm. Đặc biệt rất Việt Nam là trò viết vẽ bậy trên tường nhà. Hình vẽ bậy trên hông tường cửa tiệm là cái tam giác có lông tua tủa, và câu chửi tục rất Bắc Kỳ (xin lỗi quý vị) viết bằng chữ nôm đọc trên xuống dưới, từ phải qua trái, là Đéo mẹ cha đứa nào ở trong cái nhà này.
Bức màu bên dưới vẽ lại sau này bị xóa câu chửi, không những làm mất ý nghĩa đời sống bình dân thôn quê mà lại mất dòng chữ nôm chứng tích quá trình chữ Việt. Đáng tiếc!
Nói về châm biếm, giai đoạn giao thời giữa văn minh Tây phương do người Pháp đem sang không thiếu gì chống đối qua tranh dân gian. Người Pháp cũng ghi nhận, ngay trong tập Imagerie Populaire Vietnamienne của Maurice Durand có nhiều tranh như sau.
Những dòng nôm tranh bên trái, đọc kiểu chệt từ trên xuống dưới và từ phải sang trái Phong tục cải lương moa tăng fou (moa tăng fou= moi, je m’en fous= tao, cóc cần!). Dòng nôm tranh bên phải Văn minh tiến bộ toa tăng xương (toa tăng xương = Toi, tention! Tức là Toi, attention!= Mày, coi chừng! Tiếng Pháp).
Nhưng xã hội thời đó không thiếu gì người đua đòi cải lương mốt mới. Hai bức tranh dưới đây chắc chắn phải có trước thời áo tân thời Lemur. Một cô tân thời mặc đầm đi xe chọi che dù, có câu nôm Phong tục cải lương. Bức bên phải có công tử học đòi ăn chơi dắt đào mặc áo dài ngũ thân và quần trắng bỏ áo tứ thân váy lĩnh thâm, có bốn câu tập kiều, đọc từ phải sang trái theo kiểu Tàu Cậu nay công tử ăn chơi/ trăm nghìn đổ một trận cười như không/ Chữ rằng tài hóa lưu thông/ hết rồi lại có không long gan vàng.
Để thay đổi không khí, dưới đây là tranh cóc nhái đi học, có thể có ngụ ý các cụ ngày xưa đã tiên đoán bây giờ ở Việt Nam, cóc nhái đều phải cố kiếm mua ít nhất mảnh bằng cử nhân tiến sĩ nếu muốn thăng quan tiến chức, hoặc phải có phó tiến sĩ, thạc sĩ mới được nắm quyền cao chức trọng ăn trên ngồi trốc bốc hốt xương máu và nước mắt dân lành.
Tranh Đám Cưới Chuột, ngụ ý xã hội tham nhũng hối lộ người quyền thế, đám cưới chuột phải đem lễ vật cho mèo để được yên thân, không khác gì xã hội trong nước ngày nay với nạn tham nhũng càng ngày càng trầm trọng.
Nhân viết về tranh dân gian và chữ nôm, tưởng cũng nên nhắc nhở xưa Tiên Điền Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng nôm, và truyện đã được kể bằng tranh. Xin đan cử một bức trân kính tưởng đến người đã làm vẻ vang văn chương Việt, cũng chính là người phải đi qua giai đoạn mang dấu vết nô lệ người Tàu.
Bức tranh dưới đây thuộc loại tranh truyện, có ba nhân vật chính Kim Vân Kiều trong cảnh đoàn tụ sau cùng, với bốn câu thơ phía trái, đọc từ trên xuống dưới từ phải sang trái (lại kiểu Tàu!) Tàng tàng chén cúc giở say/ đứng lên Vân mới kể bày một hai/ rằng trong tác hợp duyên trời/ đôi bên gặp gỡ một lời kết giao. Trên đầu Kiều đang gẩy đàn là câu Hoa tàn mà lại thêm tươi/ trăng tàn mà lại thêm mười rằm xưa. Phía bên phải là Những từ sen ngó đào tơ/ mười lăm năm ấy bây giờ là đây/ Thế gian đâu có hội này/ thỏa lòng chua xót bõ lòng khát khao.
Trong ngót năm ngàn bức tranh, ở đây chỉ nhặt nhạnh hạn hẹp một số liên quan đến cái văn của chữ nôm thơ nôm tượng trưng cho ý chí người xưa muốn vượt thoát ảnh hưởng Tàu, cái vẽ và cái đẹp của đường nét, màu sắc và ý nghĩa bình dị mộc mạc tranh dân gian Việt nam liên hệ đến Tết và Xuân. Noi gương người xưa, xin bắt chước lẩy Kiều:
Trăm năm trong cõi người ta,
với ước mong đem lại được phần nào
mua vui cũng được một và trống canh.