(GS NGUYỄN TUÂN)
Trong lúc đại dịch đang hoành hành, chánh sách về khẩu trang mỗi nơi mỗi khác. Ở Úc này, thoạt đầu các nhà chức trách y tế không khuyến khích đeo khẩu trang vì họ cho rằng chưa có bằng chứng khoa học về hiệu quả của đeo khẩu trang trong cộng đồng. Rồi vài tháng sau, chánh phủ Úc ra chánh sách buộc mọi người đeo khẩu trang khi ra ngoài, và họ nói họ làm theo khuyến cáo của các nhà khoa học. Tuy nhiên, ‘các nhà khoa học’ nào thì chẳng ai biết.
Thật ra, trong và trước đại dịch, có rất nhiều nghiên cứu về hiệu quả của đeo khẩu trang. Rất nhiều. Nhưng kết quả thì rất rất khác nhau giữa các nghiên cứu. Một số cho thấy đeo khẩu trang có thể giảm nhiễm covid, một số khác thì cho thấy khẩu trang vô dụng đối với covid.
Vấn đề là các nghiên cứu này đều là loại ‘nghiên cứu quan sát’, tức kết quả có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nhiễu mà nhà khoa học không kiểm soát được. Nhiều nghiên cứu có chất lượng rất thấp hay thấp. Có vài nghiên cứu mà chỉ nhìn qua là đáng phì cười, nhưng chẳng hiểu sao cũng có tập san công bố!
‘Tiêu chuẩn vàng’
Giới y khoa kêu gọi phải có nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên (RCT) để trả lời dứt khoát câu hỏi: khẩu trang có hiệu quả chống covid? RCT là phương pháp vàng, kết quả của RCT được xem là chuẩn vàng để ‘dẫn đường’ cho thực hành lâm sàng và chánh sách y tế công cộng. Ai cũng đồng ý và chờ kết quả RCT.
Sau đó, nhiều RCT đã được thực hiện. Đáng chú ý nhứt là một nghiên cứu ở Đan Mạch tiến hành trên hơn 3000 người, rất công phu, rất tốn kém, nhưng kết quả cho thấy đeo khẩu trang không giảm nguy cơ bị covid. Khi nhóm Cochrane tổng hợp kết quả của tất cả nghiên cứu RCT, họ đi cũng đến kết luận rằng KHÔNG đủ bằng chứng để nói đeo khẩu trang giảm nguy cơ nhiễm covid.
Kết hluận của nhóm Cochrane gây sốc cho nhiều người. Họ nói cách diễn giải của nhóm Cochrane là chưa thoả đáng, nhưng họ không chỉ ra tại sao. Kinh ngạc hơn là có người viết trên tạp chí Scientific American cho rằng RCT không phải là phương pháp tốt để đánh giá hiệu quả của khẩu trang!
Trời!
Nếu RCT không phải là phương pháp tốt nhứt thì phương pháp nào? Chẳng lẽ là các nghiên cứu quan sát? Phải nói là khi đọc ý kiến này trên Scientific American, tôi chỉ có thể nói là … quái đản. Ý kiến quái đản nhứt trong năm. Vậy mà ý kiến đó được Scientific American đăng! Có người mỉa mai rằng Scientific American nay đã thành “unScientific American”. 🙂
Thật ra, thái độ thiên lệch của Scientific American (SciAm) không quá ngạc nhiên. Tạp chí SciAm được xếp vào nhóm cánh tả (left wing) và thỉnh thoảng đăng những bài xã luận nghiêng về cánh tả lợi dụng khoa học. Trong thời gian tranh cử giữa Trump và Biden, SciAm đã phá truyền thống 175 năm và lên tiếng ủng hộ Biden. Ừ thì cũng ok, vì đó là quan điểm chánh trị của họ, nhưng thật là quá đáng khi cho rằng RCT không phải là phương pháp tốt nhứt cho thử nghiệm hiệu quả của khẩu trang.
Câu chuyện khẩu trang đã bị chánh trị hoá và trở thành căn cước chánh trị. Theo số liệu điều tra xã hội của YouGov, ở những người ủng hộ Biden, 72% thường xuyên đeo khẩu trang, còn trong nhóm ủng hộ Trump, chỉ có 35% người đeo khẩu trang. Ngay cả ông Trump, khi tuyên bó rằng nhà chức trách y tế Mỹ khuyến cáo đeo khẩu trang nhưng ông nhấn mạnh rằng đó chỉ là tự nguyện, còn ông thì sẽ không đeo khẩu trang!
Phe bảo thủ lý giải rằng bất đồng quan điểm là một đặc tính của cuộc sống Mỹ, và họ có quyền phản đối đeo khẩu trang, nhưng họ không xem xét đến việc lây cho người khác. Còn phe tả thì cho rằng họ làm theo khoa học, nhưng khi khoa học không ‘đồng ý’ với họ thì họ quay sang nói … khoa học sai.