Vô tình đọc được bài thơ như là ca dao, hay quá!
“Chiều chiều vịt lội cò bay
Ông voi bẻ mía chạy ngay xuống rừng
Xuống rừng bứt một sợi mây
Đem về thắt gióng, mẹ mày bán buôn
Bán buôn không lỗ thì lời
Đi ra cho thấy mặt trời mặt trăng”
Nó có nhắc tới cái gióng mà nhiều người Miền Nam chúng ra kêu là “cặp dóng”. Dóng làm bằng mây rừng, thắt hình tròn ở đáy kéo bốn cọng dài lên trên và thắt thành đầu dóng, chọt cây đòn gánh qua hai bên là gánh đi ngon lành.
Miền Nam và Sài Gòn hồi xưa đất rộng người thưa, phương tiện chưa phát triển. Ta thấy người Nam Kỳ mình có thói quen đi bán và đi chợ quảy bằng gánh.
Cái gánh quằn vai là hình ảnh đảm đương của người phụ nữ Việt.
Sáng sớm, khi tờ mờ sương họ gồng gánh hàng đi ra chợ bán, tiếng bước chưn nhịp nhàng và tiếng kẽo kẹt của cây đòn gánh tre trong đêm đã ghi vào tâm khảm biết bao nhiêu người.
Hầu như hàng hóa đều qua đôi vai đàn bà, từ bánh trái tới gà vịt, tôm cá, rau củ …
Quảy gánh mà mỏi bên phải thì họ đổi vai, đặt cái đòn gánh lên vai trái.
Có nhiều gia đình con quá đông, mọi nguồn sống đều đổ lên đôi vai của người đàn bà, họ gánh gồng tới còng lưng khi về chiều.
Những người buôn gánh bán bưng
Sài Gòn là xứ đô thành phồn hoa, cũng là xứ sản sanh ra những người “buôn gánh bán bưng”.
Những người buôn gánh bán bưng ở xứ này có từ xưa, lâu lắm, cái thuở mới hình thành ra Sài Gòn Gia Định.
Lúc đó những gánh đồ ăn đường phố đã thể hiện qua những tiếng rao, tiếng Tàu lẫn tiếng Việt.
Suốt từ sáng sớm tới tối thui, khi đèn leo lét, từ khu sang trọng như Catina tới khu bình dân như hẻm hóc mé Tôn Đản, Khánh Hội, Xóm Củi, Tân Hóa, Bà Hom, Cây Da Xà không lúc nào thiếu tiếng rao của mấy bà, mấy ông quảy gánh đồ ăn.
Dân bán bưng quảy gánh phần đông là dân nghèo ở Sài Gòn, con đông, cha mẹ già yếu. Sau đó do chiến tranh tạo ra một lớp dân bỏ quê chạy loạn về thị thiềng sanh sống, họ lấy cây đòn gánh, hai cái dóng làm vốn nuôi con.
Những khu bình dân như cầu Chữ Y, lò heo Chánh Hưng, Rạch Cát, Khánh Hội, cống Bà Xếp, kinh Tân Hóa, An Dưỡng Địa Phú Lâm …đầy nhóc dân bán hàng rong.
Cứ sáng sớm, dầu mưa hay nắng, dầu nóng hay lạnh chừng năm sáu giờ họ quảy gánh túa ra khắp đô thành, nào là bánh mì ổ, hột vịt lộn, bún thịt nướng, chè các loại, hủ tíu, há cảo, bánh bao, bánh ít trần, bánh cam, bánh bò….
“Nửa đêm ân ái cùng chồng
Nửa đêm về sáng gánh gồng ra đi”
Nhà nghèo, cảnh bần hàn, con đông, vốn rất ít, lấy công làm lời nhưng buôn gánh bán bưng vẫn là “buôn bán”, dạng “phi thương bất phú”. Bán bưng, buôn gánh vẫn ngon hơn mần ruộng, làm mướn, rảo khắp đô thành một ngày chiều về là trong túi rủng rỉnh tiền lời, nhắm mòi thâu nhập tháng còn cao hơn mấy …thầy làm văn phòng.
Khi đã chịu khó “buôn gánh bán bưng” một thời gian, tích lũy được số vốn lớn, người ta sẽ chuyển sang buôn bán lớn, sắm xe, sắm nhà, mướn mặt bằng mở tiệm.
Bao thế hệ, bao nhiêu người đã oằn lưng với gánh đồ ăn, nó là miếng cơm, manh áo, nó vô thơ văn, nó vô ký ức, văn hóa Nam Kỳ.
Không thể tưởng tượng ra nếu Sài Gòn mà không có buôn gánh bán bưng, không có tiếng rao “Ai chè đậu …xanh nước dừa đường cát hôn…” “Ai ăn bún nước lèo hôn” thì nó buồn lắm.
Có ăn hột xoàn, đi xe hơi cũng thấy Sài Gòn sẽ rất vô duyên nếu thiếu những tiếng rao.
Hiện đại mừ, biêt đâu mốt rồi hai cái gánh, cặp dóng sẽ mất tiêu cho coi.
Mà mất thiệt, giờ toàn xe đẩy, giọng rao bằng loa toàn ít giọng Nam. Ví dụ như “Chưng…gai…giò” không thể là di sản của Sài Gòn Gia Định được, nó không tồn tại trong ký ức Sài Gòn của chúng ta.
Hình ảnh những cô Tư, dì Bảy, Chị Tẻo đặt đôi gánh xuống trước nhà, dựa cây đòn gánh vô hàng rào, giở chiếc nón lá tiện tay quạt nhè nhẹ, miệng hỏi “Mày ăn cái gì mậy?” làm gì còn trong hiện tại, xa quá rồi phải hôn?
“Tiếc thay hoài công thôi
Phố đã vắng thưa rồi
Biết rằng chẳng duyên thừa
Để người không gặp nữa
Về nối giấc mơ xưa “
Gánh hát và ghe hát
Khi bàn về nghề hát xưa ở Lục Tỉnh bạn sẽ nghe hai cách gọi rất dễ thương là “ghe hát” và “gánh hát”
Nam Kỳ thời đó chưa có xe cộ nhiều như bây giờ.
Gánh hát là nguyên bầu đoàn thê tử sẽ đi bộ, đồ đạc sẽ gánh trên vai. Cả đoàn gánh hết, đi từ tỉnh này qua tỉnh khác, từ xứ nọ qua xứ kia. Sau đó thì có xe trâu, nhưng xe trâu chỉ chở phông màn mà thôi, người hát vẫn phải lội bộ muốn rả cặp giò.
Gánh hát phổ biến ở Sài Gòn, Gia Định và các tỉnh Miền Đông khi đó còn có nhiều cánh rừng chồi xung quanh đô thị.
Hồi đó xứ Nam Kỳ lục tỉnh của chúng ta đất rộng người thưa mà sông rạch chằng chịt, khúc Miền Tây thì như ma trận sông rạch, đường lộ đâu có nhiều, người ta di chuyển bằng ghe xuồng là chủ yếu.
Các gánh hát Miền Tây xưa phải vô làng xã hát bằng ghe bầu.
Thường là phải chèo tay len lỏi trong những con rạch xa xôi cách trở.
Dân kêu là “ghe hát”.
Xưa gánh hát hay ghe hát về làng chỉ có hai thứ, một là hát bội, hoặc là cải lương.
Sân khấu là khoảnh sân đình, nếu đúng dịp kỳ yên thì hát trong nhà võ ca của đình làng.
Còn nếu làng nghèo thì hát luôn trên ruộng, trên mui ghe luôn.
Gánh nước mướn
Sài Gòn hồi xưa không có khái niệm nước phông tên. Chúng ta lạc hậu dữ dằn, chỉ gánh nước sông, nước giếng về xài, cộng thêm nước mưa chứa trong lu chậu.
Pháp qua thì có cái Hồ Con Rùa-vốn là một cái tháp nước. Pháp bắt đầu xây các phông tên (fontaine) công cộng dọc theo các con lộ để người dân đến lấy nước sinh họat.
Chiều chiều cả xóm quảy thùng ra vòi nước sắp hàng chờ hứng nước. Nghề gánh nước mướn ra đời.
Nghề này cực khổ trần ai khoai củ, một gánh nước chỉ có một cắc tiền công. Người làm nghề gánh nước mướn đều là những lao động nghèo.
Gánh nước chai vai, trẹo xương sống, đôi chưn không đi trên bờ lộ.
Họ đi từng đoàn, nước nhỏ lon ton xuống lộ thành những vệt dài, tiếng đòn gánh quảy thùng kẽo kẹt, dẻo quẹo.
Thời kỳ đầu gánh nước bằng thùng cây rất nặng, sau có thùng sắt, thùng thiếc.
Ngày nay khi nước tới từng nhà thì không còn ai gánh nước mướn nữa, nhưng nhìn lại hình cũ thấy dâng trào cảm xúc.
Ăn đám giỗ ăn đám quảy
Đám giỗ Miền Nam còn kêu là kỵ thần, húy thần, đám giỗ đám quảy, giỗ quảy, đám quảy.
Vì sao người Nam Kỳ kêu đám giỗ là giỗ quảy và cúng quảy?
Trước nhứt nói về chữ “quày quả” của người Nam Kỳ khi chỉ cái tướng đi rất nhanh, quày quả là cái dáng đi nhanh gọn.
Quày quả là một chữ mặc định.
Quày quả là đi có cái dóng vắt trên vai.
Người Nam Kỳ kêu một người gánh bằng đòn gánh là quảy gánh.
Người Bắc kêu là quẩy, quẩy gánh, thí dụ:
“Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút“
Như vậy “quảy” là một hành động ám chỉ gánh gồng.
Đám giỗ là một nghĩa vụ thiêng liêng của con cháu với tổ tiên, con cháu không được quên, nó là nhiệm vụ, là trách nhiệm, là quy tắc, là đạo lý con cháu phải mang trên vai.
Thành ra đám giỗ được đọc trại thành giỗ quảy là cách nhắc nhớ cháu con về cái gánh trên vai này.
Một nghĩa đen nữa là khi xưa đám giỗ Nam Kỳ rất lớn. Hai ngày trước con cháu thường quảy gánh, quảy thúng ra chợ quận mua đồ từ nửa khuya. Vai gánh kẽo kịt, cót két, hành động đó đã in sâu vào những dịp giỗ chạp, thành ra kêu thành giỗ quảy.
Nhiều người giỡn nói đi ăn đám giỗ còn xách đồ về, quảy đồ gia chủ nên kêu đám quảy là sai, Nam kỳ ăn không có hỗn tới nỗi “quảy” đồ người ta về nhà.
Theo tôi, cách giải thích quảy gánh nghĩa vụ là ổn hơn hết.
Cái gánh đã đi vào thành ngữ văn hóa của xứ Việt chúng ta
Quảy gánh giữa đường mà gãy đòn gánh mà một chuyện cực kỳ xui, hình ảnh này đi vào thơ nhạc và tâm thức.
Hình tượng ”gãy gánh” giữa đường ám chỉ cho sự tan nát, chia ly giữa tình cảm hai người đang mặn nồng
“Chuyện tình là em với anh
Trót thương nguyện đi hai đứa chung đường
Đâu ngờ gãy gánh giữa đường
Cuộc từ ly đớn đau đoạn trường”
“Giữa đường gãy gánh” cũng ám chỉ người đàn bà bị chết chồng, người đàn ông chết vợ.
Đôi vai người đờn bà yếu đuối, nhưng đảm đương nuôi chồng nuôi con, gầy dựng sản nghiệp được ví như đang gánh cả “tam cang ngũ thường”.
“Nặng gánh cang thường
Thình lình giữa đường gãy gánh
Trăm năm dốc nguyện đá vàng
Dè đâu gãy gánh giữa đàng khó toan”
Tam cang Ngũ thường, Tam tòng, Tứ đức là những luân lý trong Nho giáo, là đạo làm người.
Tam cang là:
– Quân thần cang là quan hệ vua tôi.
– Phụ tử cang là quan hệ cha con. Có thể hiểu là quan hệ giữa cha mẹ và con cái, kể cả dâu rể. Đó là “hiếu để”.
– Phu thê cang là quan hệ vợ chồng. Hãy giữ “hòa thuận”.
Tam cang bao gồm hầu hết các mối liên hệ giữa người và người.
Ngũ thường là Nhơn, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.
Trong một gia đình, vợ chồng có đủ Tam cang Ngũ thường, và Tam tòng Tứ đức là một gia đình hoàn toàn hạnh phúc.
Đôi vai người đờn bà yếu đuối nhưng giữ cả tam cang ngũ thường của nhà chồng, đó là điều cao cả nhứt trong đời.
Thành ra hồi xưa vua hay phong cho những bà mẹ nuôi con thành đạt là “Phu nhơn” và câu đề bảng “Tiết hạnh khả phong”.
Bài nhạc vàng ” Sương trắng miền quê ngoại” là của nhạc sĩ Đinh Miên Vũ viết năm 1970.
“Sương trắng miền quê ngoại” cho ta lòng thành kính, lòng nhớ miên man về những gì thuộc về thiêng liêng của tình cảm con người.
Đó là quê ngoại.
Một anh lính Việt Nam Cộng Hòa gian lao chiến trận chạnh lòng nhớ về những lúc êm đềm của đời mình đặng lấy đó làm vui, để có thể thổn thức, thậm chí trào dâng cảm xúc tình thân, đặng mà tự an ủi mình trước sương gió:
“Nào những khi ôm thép súng tê tay
Đắm mắt theo bao hư ảo thở dài
Nơi chốn xa cuộc đời mẹ quẳng gánh
Em còn khêu sáng ánh đèn từ sương mai”
Nhớ tới mẹ già ở quê nhà đang ngày đêm thương nhớ con, ngày ngày quảy gánh tảo tần. Anh lính mơ mẹ già “quẳng gánh” đặng an vui.
Người mẹ của anh lính chiến từ sáng sớm đã thức dậy quảy gánh ra chợ khi sương mai vẫn còn đọng trên mái hiên nhà và mẹ lụm cụm khêu đèn cho tỏ.
Dáng mẹ tất tả ra đi khi trời chưa hửng sáng mà đèn vẫn còn sáng trong căn nhà nhỏ ven đường đã thành một hình ảnh thiêng liêng.
Nguyễn Gia Việt