Kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraina, cũng như từ khi căng thẳng với Trung Cộng gia tăng, Hoa Kỳ đang tìm cách thuyết phục, nếu không muốn nói là ép buộc Ấn Độ phải bày tỏ chung quan điểm về tình hình địa chính trị thế giới. Tuy nhiên, New Delhi dường như không chấp nhận bất cứ cường quốc nào có ý định “lên lớp” họ. Đó là nội dung bài viết đăng hôm 24/04/2023 trên trang mạng Nhật The Diplomat. RFI xin giới thiệu.
Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ không thích ứng với những thách thức của các xu hướng địa chính trị đương đại trên khắp thế giới. Vốn tìm cách thúc đẩy sự liên kết quốc tế theo các mục tiêu kinh tế và an ninh của mình, chính sách của Hoa Kỳ đã trở nên phản tác dụng.
Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ lâu là nhằm tìm cách ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào một mình thống trị khu vực Á-Âu, nơi sinh sống của phần lớn dân số của hành tinh chúng ta và là nơi tập trung sản lượng kinh tế của thế giới. Mặc dù chưa có gì đáng báo động, song chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ gần đây đã khiến các nước thân hữu và đồng minh có tư tưởng độc lập như Ả Rập Xê Út, Pháp hay Brazil xa lánh.
Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ xem thế giới gần giống với một tòa án, nơi mà các luật lệ được thực thi và những kẻ vi phạm pháp luật bị trừng trị để khuyến khích mọi người tuân thủ, hơn là một triều đình, nơi có ban thưởng và có thu hồi, trong đó các triều thần thành lập và phá bỏ các liên minh khi cần thiết. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu linh hoạt, bởi theo truyền thống, đặc trưng của ngoại giao là thỏa hiệp và bảo vệ lợi ích quốc gia. Thành quả của chính sách đối ngoại này gần đây đã được cựu bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Lawrence Summers mô tả là “đơn độc” đối với Hoa Kỳ, “vì những nước dường như không đứng về lẽ phải của lịch sử đang ngày càng liên kết mạnh mẽ với nhau trong nhiều liên minh.” Ông Summers nói thêm : “Một người từ một quốc gia đang phát triển từng nói với ông rằng những gì họ nhận được từ Trung Cộng là một sân bay, còn những gì họ nhận được từ Hoa Kỳ là một bài giảng”.
Tuy nhiên, ông Summers, như phần lớn các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, vẫn bảo vệ quan điểm cho rằng Hoa Kỳ đang dẫn dắt các quốc gia hướng về lẽ phải của lịch sử, nghĩa là một trật tự toàn cầu hậu dân tộc chủ nghĩa dựa trên các giá trị chung và tự do thương mại.
Quan điểm này của Mỹ ngày càng khiến Ấn Độ xa lánh, trong khi đây là quốc gia mà Washington từ lâu đã tìm cách duy trì quan hệ như một đối tác làm đối trọng với Trung Cộng, đặc biệt thông qua các sáng kiến như Đối thoại An ninh Bốn bên, hay còn gọi là Bộ Tứ (QUAD). Các nhà phân tích chính sách đối ngoại đã lưu ý về mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Nga, Trung Cộng và Ấn Độ, cũng như những vấn đề còn tồn đọng giữa những nước này, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị và kinh tế tiếp diễn giữa Trung Cộng và Ấn Độ có thể sẽ không sớm được giải quyết. Nhưng điều này không có nghĩa rằng quan hệ Ấn-Mỹ sẽ mạnh mẽ hơn chỉ vì căng thẳng Trung-Ấn gia tăng.
Có sự khác biệt rất lớn giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ cả về địa chính trị lẫn giá trị nói chung. Hoa Kỳ càng cố gắng thuyết phục Ấn Độ ủng hộ lập trường của mình về những vấn đề này bao nhiêu, thì Washington lại càng khiến New Delhi tỏ ra xa cách bấy nhiêu. Ai cũng biết rằng Ấn Độ – một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, nơi có quân đội và hải quân hùng mạnh, và sắp trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, không muốn làm “đệ tử” của Mỹ hoặc bị phương Tây gây áp lực phải chấp nhận các quan điểm của họ về biến đổi khí hậu, thương mại, tình hình Ukraina, lệnh trừng phạt đối với Nga, hoặc các vấn đề khác.
Ấn Độ, giống nhiều quốc gia khác ngoài phương Tây, không chấp nhận khuôn khổ mà chính quyền Biden đề ra phân chia thế giới thành khối các nước dân chủ cạnh tranh với khối các nước chuyên chế.
Trong một cuộc khảo sát gần đây, người dân Ấn Độ đánh giá Mỹ là mối đe dọa quân sự lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc. Nhận xét này không được lấy từ các phân tích của những nhà địa chính trị châu Á, mà là cái nhìn của người dân bình thường ở Ấn Độ cho rằng xã hội Mỹ và các phương tiện truyền thông Mỹ hoàn toàn không “hiểu” Ấn Độ và có thể đang vô tình làm suy yếu nhà nước Ấn Độ, mặc dù đây chắc chắn không phải là ý muốn của chính phủ Hoa Kỳ. Điều này được thể hiện thông qua việc Hoa Kỳ gây áp lực với Ấn Độ, muốn New Delhi “suy nghĩ lại” về mối quan hệ quân sự giữa Ấn Độ với Nga.
Một điều nữa khiến New Delhi không hài lòng là cách mà truyền thông phương Tây và các nhà hoạt động mô tả Ấn Độ. Viết trên tờ Washington Post, nhà báo nổi tiếng người Ấn Độ Barkha Dutt ghi nhận sự “thiếu hiểu biết” của phương Tây về các vấn đề mà Ấn Độ coi là mối đe dọa nghiêm trọng về an ninh quốc gia, chẳng hạn như cuộc truy lùng nhà thuyết giáo và chiến binh cực đoan Amritpal Singh ở Punjab. Thay vào đó, “phương Tây lại chỉ trích việc Ấn Độ cắt internet ở Punjab trong lúc truy lùng Singh”. Theo ông Jaishankar, phương Tây không cảm thấy thoải mái với chủ nghĩa dân tộc như của Ấn Độ và các nước châu Á khác. Phương Tây thường không hiểu tại sao các chính sách của họ, ngay cả đối với các vấn đề tương đối nhỏ, như tư cách thành viên trong các tổ chức quốc tế, lại khiến Ấn Độ tỏ ra xa lánh.
Theo nghĩa rộng hơn, xã hội Ấn Độ và Mỹ diễn giải nhiều giá trị một cách khác nhau. Ví dụ, cả hai đều coi trọng quyền tự do ngôn luận, nhưng ranh giới của quyền tự do này khác nhau ở hai quốc gia. Theo một số khảo sát về giá trị toàn cầu, Ấn Độ đề cao các giá trị truyền thống hơn là quyền tự do cá nhân, và điều này được phản ánh trong luật pháp và các tập tục xã hội. Tuy nhiên, khi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tiếp tục dựa trên các giá trị, điều này có thể gây xích mích với Ấn Độ và dẫn đến nhận thức rằng Hoa Kỳ đang tìm cách can thiệp vào các chuẩn mực xã hội và chính trị nội bộ Ấn Độ.
Mặc dù cùng chia sẻ một hệ thống dân chủ và cùng đề phòng Trung Cộng, Hoa Kỳ và Ấn Độ không có chung một nhãn quan về thế giới. Lập trường của Hoa Kỳ đối với Ukraina và Nga, cũng như những lời chỉ trích về những diễn biến trong nước ở Ấn Độ, chẳng hạn như việc nghị sĩ đối lập Rahul Gandhi bị khai trừ khỏi Quốc Hội, đều khiến Ấn Độ xa lánh Hoa Kỳ.
Ấn Độ tự xem mình là một nền văn minh cổ xưa với tầm ảnh hưởng rộng lớn, đang giành lại vị trí xứng đáng của mình trên trường quốc tế, tương tác với các quốc gia khác theo lợi ích của mình và là một quốc gia không cần các nước khác “lên lớp” về cách điều hành công việc nội bộ. Một chính sách đối ngoại của Mỹ không tôn trọng điều này có nguy cơ khiến Ấn Độ thêm xa lánh và có thể góp phần làm New Delhi xích lại gần các nước đối đầu với Washington về kinh tế đến địa chính trị.
(Phan Minh, RFI)