Sunday, June 30, 2024
No menu items!
spot_img
HomeKiến ThứcVUA DỤC ĐỨC-VỊ VUA BẤT HẠNH CỦA NHÀ NGUYỄN

VUA DỤC ĐỨC-VỊ VUA BẤT HẠNH CỦA NHÀ NGUYỄN

VĨNH ANH

Nếu đem so với các vị vua của triều đại nhà Nguyễn, quả thật vua Dục Đức là một vị vua ” bạc mệnh” nhất, do bởi thời gian trị vì ” ba ngày” ngắn ngủi của mình; đặc biệt, cái chết hết sức bi thảm của nhà vua. Ai bảo rằng được sinh vào cửa nhà đế vương là may mắn, là đại phước, nhưng đối với Ưng Chân (vua Dục Đức) thì hoàn toàn ngược lại, đó là một sự bất hạnh hay bạc phước.

Hoàn cảnh lên ngôi

Ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi ( tức ngày 17 tháng 7 năm 1883), vua Tự Đức băng hà, trị vì được 36 năm, thọ 54 tuổi, miếu hiệu là Dực Tôn Anh Hoàng đế. Nhà vua không có con nên nhận nuôi ba người cháu, con của các em mình làm con nuôi, đó là Ưng Chân (con của Kiến Thụy Quận Vương Hồng Y, thường gọi là Thoại Thái Vương), và hai người con của  Kiên Thái Vương Hồng Cai là Ưng Sý ( còn được gọi là Chánh Mông) và Ưng Đăng (còn có tên Dưỡng Thiện). Trước lúc băng, vua Tự Đức viết di chiếu truyền ngôi cho Thụy Quốc Công Ưng Chân đồng thời ủy thác cho các ông Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết làm Phụ chính đại thần để phò trợ tân quân.

   Cũng cần nói thêm, do có sự vận động của Thái hậu Từ Dũ và bà Trang Ý là mẹ nuôi của vua Tự Đức, nên nhà vua mới chọn Thụy Quốc Công Ưng Chân làm người kế vị. Vua Tự Đức biết rằng Ưng Chân lên làm vua khó được triều thần kính mến, bởi vì ông có nhiều thói hư tật xấu. Chính vì thế nên trong di chiếu nhà vua có viết rằng: “Ưng Chân có mục tật (mắt hơi có tật), tính thì hiếu dâm ham chơi, e không đương được việc lớn, nhưng vua lớn là phước cho xã tắc…” . Lúc bấy giờ, được biết rằng các quan Phụ chính đại thần lo sợ di chiếu để lại không hay gì lại làm mất thể diện vua nối ngôi nên mới dâng sớ lên vua Tự Đức để xin cắt bỏ đoạn có liên quan đến tính nết xấu ấy đi. Vua Tự Đức kiên quyết không chịu, nhà vua bảo: ” Phải giữ lại những câu đó để nhắc nhở người kế vị phải tự răn mình tu tỉnh”.

Làm vua được ba ngày và bị phế truất 

     Ngày 18 tháng 6 năm Quý Mùi, hai ngày sau khi vua Tự Đức băng, Thụy Quốc Công Ưng Chân cho triệu ba quan Phụ chính đại thần vào cung để xin đừng đọc đoạn di chiếu đề cập đến các mục tật và tính xấu của ngài ( Ưng Chân). Các quan Phụ chính thỏa thuận với Thụy Quốc Công rằng xóa đi thì không được, chỉ có cách lúc đọc thì bớt đi không đọc. Hôm sau (ngày 19 tháng 6 năm Quý Mùi) tại điện Cần Chánh, tân quân (vua Dục Đức) ngự trên ngai vàng, phía dưới là các hoàng tử, hoàng thân quốc thích, và các triều thần quỳ lắng nghe Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành tuyên đọc di chiếu. Khi đọc đến đoạn có mấy câu mà vua Dục Đức muốn cắt bớt, Trần Tiễn Thành cố ý đọc thật nhỏ  để không ai nghe được. Thấy vậy, Tôn Thất Thuyết bèn đàn hặc rồi bắt lỗi nhà vua rằng muốn sửa đổi di chiếu (chứng cớ là đã sai Trần Tiễn Thành đọc bớt đi), rồi yêu cầu Tham tri Nguyễn Trọng Hợp ra đọc lại di chiếu. Thế là lễ tấn tôn được đình lại để định bàn về việc lập hay phế bỏ vua Dục Đức. Ba ngày sau ( ngày 22 tháng 6 năm Quý Mùi), tại buổi lễ thiết đại triều, Nguyễn Văn Tường đứng ra tuyên bố phế bỏ vua Dục Đức bằng việc gán ghép các tội danh cho nhà vua như sau: 1/ Vua Dục Đức đã tự ý cắt bỏ 41 chữ trong di chiếu hoàn toàn không tốt đẹp cho nhà vua. 2/ Vua Dục Đức đã đưa một giáo sĩ vào trong nội cung để làm việc riêng. 3/ Vua Dục Đức đã thờ ơ với việc tang lễ của vua cha Tự Đức bằng việc cho mang vào nội cung một chiếc áo lụa màu xanh.  4/ Vua Dục Đức đã thông gian với các phi tần của tiên đế.

 Thân phận chốn ngục tù   

    Sau khi cho công bố xong các tội danh của Vua Dục Đức, bọn Tường, Thuyết liền giam giữ nhà vua ngay tại Dục Đức đường, cũng chính là nhà học của nhà vua trước khi lên nối ngôi. Tại đây, người ta cho cơm nước qua một cái lỗ nhỏ để nhà vua dùng. Về tội danh kết án nhà vua sửa đổi di chiếu và việc phế truất vua Dục Đức, cả triều thần đều tỏ ra ngơ ngác và không một ai dám nói. Bởi vì tất cả các quan lớn nhỏ đều khiếp sợ oai phong của bọn Tường, Thuyết, duy chỉ có quan Ngự sử Phan Đình Phùng dũng cảm can ngăn rằng: ” Tự quân chưa có lỗi gì mà vội phế bỏ thì sao phải lẽ?”. Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết liền bắt giam ông vào ngục Cẩm Y ở trong thành rồi cách chức đuổi về. Về phần vua Dục Đức, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết sợ rằng việc giam giữ nhà vua ở Dục Đức đường, bên ngoài kinh thành sẽ sinh đại biến, nên đã chuyển nhà vua sang giảng đường của Thái Y viện để tiện việc canh phòng.

      Đến đầu tháng 9 năm Giáp Thân (tháng 10 năm 1884), dưới thời vua Hàm Nghi, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lại một lần nữa chuyển giam vua Dục Đức vào Trấn phủ, một ngục thất của Phủ Thừa Thiên nằm ở góc tây bắc kinh thành Huế và cũng là nơi để giam giữ các trọng phạm của triều đình. Nguyên nhân của việc chuyển đổi nơi giam giữ nhà vua không một ai được biết. Có sách ghi chép lại rằng sở dĩ Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cho dời chuyển nơi giam cầm nhà vua, vì họ cho rằng nhà vua đã liên lạc móc nối với bọn phỉ nhân ở bên ngoài. Ở đó, nhà vua bị giam giữ nghiêm ngặt và đồng thời và đồng thời không được cho ăn uống gì, vì thế sau sáu ngày bị bỏ đói và khát, nhà vua qua đời (ngày 6 tháng 9 năm Giáp Thân tức ngày 24 tháng 10 năm 1884), thọ 33 tuổi. Nhà vua mất đi, để lại tám người vợ, 11 người con trai ( người thứ bảy là Bửu Lân, vua Thành Thái sau này), và 8 người con gái.

Cái chết bi thảm

    Theo người kể lại rằng, khi vua Dục Đức mất, vợ con không có ai ở đó. Một viên suất đội và hai tên lính gác khiêng thi hài của nhà vua đến chân một ngọn đồi có tên là Phước Quả ( gần núi Ngự Bình)  tại thôn Tứ Tây, làng An Cựu thì bỗng nhiên rơi xuống ngay một vũng nước. Thấy vậy, họ cho rằng đây chính là nơi ” thiên táng” nên đào huyệt chôn cất ở đấy. Vài ngày sau, họ báo cho gia quyến của nhà vua biết để phát tang. Về sau, khi vua Thành Thái lên ngôi, liền cho xây dựng lăng vua cha và đặt tên là An Lăng; đồng thời truy tôn miếu hiệu là Cung Tôn Huệ Hoàng Đế, rồi cho xây điện Long  n làm nơi thờ phụng.

      Là con cháu của nhà Nguyễn, chúng tôi thật đau lòng và xót xa khi biết được cái chết rất bi thảm của Vua Dục Đức. Có rất nhiều người nghĩ rằng có đại phúc mới đầu thai vào cửa Đế vương, nhưng cũng có khi vì bạc phước nên mới sinh vào làm con vua cháu chúa.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments