Nền kinh tế Mỹ sau đại dịch đã đi trệch khỏi những kỳ vọng và khiến các chuyên gia kinh tế khó hiểu…
Thị trường việc làm ở Mỹ đang thể hiện sự vững vàng đáng ngạc nhiên – Ảnh: Bloomberg.
Nền kinh tế Mỹ sau đại dịch đã đi trệch khỏi những kỳ vọng và khiến các chuyên gia kinh tế khó hiểu. Không ai có thể đoán chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo – hãng tin CNN nhận định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen thuộc phe những người lạc quan. Trong một cuộc trao đổi với CNN vào tuần trước, bà Yellen bày tỏ tin tưởng rằng nước Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
“Tôi cho rằng một cuộc ‘hạ cánh mềm’ là điều có thể đạt được. Tôi thực sự tin có một con đường để đưa lạm phát giảm xuống mà vẫn duy trì được một thị trường việc làm mà tất cả chúng ta đều cho là vững mạnh”, bà Yellen nói.
Sau nhiều tháng lạm phát ở Mỹ dao động quanh ngưỡng cao nhất 40 năm, tốc độ tăng giá tiêu dùng ở nước này đang dịu đi. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) mới nhất cho thấy lạm phát ở Mỹ đã hạ về mức thấp nhất trong vòng gần 2 năm trở lại đây. PPI tháng 3 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi CPI tăng 5% so với mức tăng đỉnh điểm 9,1% ghi nhận trong mùa hè 2022.
Và thị trường việc làm Mỹ duy trì được sự vững vàng tới mức đáng ngạc nhiên. Tỷ lệ thất nghiệp ở nước này hiện nay là 3,5%, gần mức thấp nhất trong nửa thế kỷ. Dù xét trên phương diện nào, thị trường việc làm của Mỹ hiện nay cũng đều mạnh hơn so với thời điểm tháng 2/2020, trước khi Covid trở thành đại dịch và càn quét nền kinh tế toàn cầu.
Bà Yellen nói rằng việc gần đây, số đơn trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng lên, số công việc mà doanh nghiệp cần tuyển dụng giảm xuống, và tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động tăng lên là bằng chứng cho thấy sự căng thẳng trong một thị trường lao động thắt chặt quá mức đã bắt đầu được giải toả, và đây là một tin tốt.
“Tôi nghĩ thị trường lao động mạnh và lạm phát giảm là hai mục tiêu có thể tương thích với nhau”, bà Yellen nói.
Quan điểm này của vị Bộ trưởng Bộ Tài chính có sự khác biệt so với nhiều chuyên gia kinh tế – những người cho rằng chừng nào thị trường lao động còn thắt chặt, lạm phát sẽ khó giảm về mục tiêu 2% mà Fed đề ra.
Các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs hiện dự báo khả năng chỉ 35% kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay, cho rằng “quy trình tái cân bằng nguồn cung và nhu cầu đang diễn ra”.
Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro lẩn khuất trong nền kinh tế.
Tháng trước, cuộc khủng hoảng ngân hàng bất ngờ bùng lên khiến thị trường tài chính toàn cầu bị sốc. Cuộc khủng hoảng đã nhanh chóng được kiểm soát nhưng vẫn có thể khiến các ngân hàng trở nên thận trọng hơn, thắt chặt hoạt động cho vay.
Căng thẳng trong hệ thống ngân hàng được xem là một “sản phẩm phụ” từ chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo đuổi hơn 1 năm qua để chống lạm phát. Chính sách tiền tệ luôn có độ trễ. Giờ đây, các nhà dự báo vẫn chưa chắc chắn tới lúc nào việc tăng lãi suất mới thực sự ngấm hết vào nền kinh tế.
Đó là lý do vì sao nhiều nhà kinh tế học giữ quan điểm bi quan, trái với những đánh giá của bà Yellen. Một cuộc khảo sát do hãng tin Bloomberg tiến hành cho thấy các chuyên gia đánh giá khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm nay là 65%.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đi kèm với đó là những nhận định bi quan hơn thường thấy. “Mức độ bấp bênh đang cao, và cán cân đang dịch chuyển về phía những rủi ro, và lĩnh vực tài chính vẫn còn bất ổn”, IMF đánh giá, lưu ý rằng việc đưa ra dự báo trong môi trường này là một việc khó khăn.
“Lớp sương mù bao phủ triển vọng kinh tế thế giới đã dày lên”, IMF nhận xét.
Ngay cả những người thuộc phái lạc quan như bà Yellen cũng thừa nhận những rủi ro. Tuy nhiên, sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ ở thời điểm này là điều khó phủ nhận.
Thị trường chứng khoán Mỹ đang ở vào giai đoạn đầu của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023. Loạt ngân hàng lớn đã công bố báo cáo cho thấy sức khoẻ ổn định, nhiều doanh nghiệp khác có doanh thu và lợi nhuận tốt hơn dự báo. Giá dầu thô hiện đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái – dù phản ánh mối lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng cũng giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng.
Và mặc những lo ngại, giá cổ phiếu ở Phố Wall vẫn tăng. Chỉ số Dow Jones đã tăng 2,5% từ đầu năm; chỉ số S&P 500 tăng 8%; và chỉ số Nasdaq tăng 16%.
Một cách lý giải cho sự tăng điểm này của thị trường là đợt giảm năm ngoái đã phả ánh kịch bản xấu nhất cho nền kinh tế Mỹ. Cú giảm năm 2022 của chứng khoán Mỹ là mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Một cách lý giải khác là nếu suy thoái có xảy ra ở Mỹ trong năm nay, thì đó sẽ là một cuộc suy thoái nhẹ và ngắn, với tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh.
Nhưng xét cho cùng, chẳng ai dám chắc điều gì sẽ xảy đến cả.
An Huy (VnEconomy)