Thursday, July 4, 2024
No menu items!
spot_img
HomeThế GiớiĐài Loan, đấu trường thường trực của Trung Quốc và Mỹ

Đài Loan, đấu trường thường trực của Trung Quốc và Mỹ

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) phát biểu trước báo giới tại Simi Valley, bang California, Hoa Kỳ, ngày 05/04/2023.


RFI – Chủ tịch Hạ Viện Mỹ tiếp lãnh đạo Đài Loan, Bắc Kinh điều tàu chiến và máy bay uy hiếp Đài Bắc. Mỗi lần một phái đoàn Mỹ đến Đài Bắc, hay mỗi lần chính quyền Đài Loan giao tiếp với các quan chức Hoa Kỳ, Trung Quốc lại nổi dóa.


Cuộc gặp gỡ dù chỉ mang tính « cá nhân » giữa chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy với tổng thống Thái Anh Văn tại California lần này không là một ngoại lệ. Báo chí Bắc Kinh chú ý đến sự kiện này nhiều hơn là đến việc chủ tịch Trung Quốc tiếp tổng thống Pháp và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu ngày 06/04/2023.


Không phản ứng mạnh mẽ như lần người tiền nhiệm của ông McCarthy, cựu chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, thuộc đảng Dân Chủ, viếng thăm Đài Bắc vào tháng 8/2022, nhưng đúng vào lúc tổng thống Thái Anh Văn bắt tay nhân vật quan trọng thứ ba trong chính quyền Mỹ, Trung Quốc điều máy bay và tàu chiến đến gần eo biển Đài Loan, đưa cả tàu sân bay đến khu vực nhạy cảm này.


Bộ Ngoại Giao Trung Quốc vừa mạnh mẽ lên án Hoa Kỳ vi phạm nguyên tắc một nước Trung Quốc duy nhất, vừa dọa « có những biện pháp cứng rắn để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ».


Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh phản ứng gay gắt như vậy bởi vì Đài Loan là một vấn đề rất « nhạy cảm » đối với Trung Quốc. Hãng tin Mỹ AP tiết lộ là phía Trung Quốc đã gia tăng áp lực để Hoa Kỳ hủy cuộc tiếp xúc giữa ông McCarthy và tổng thống Đài Loan. Bắc Kinh càng khó chịu bởi vì hoạt động mang tính cá nhân này của lãnh đạo Hạ Viện Mỹ lại rất được công luận quốc tế theo dõi. Như ghi nhận của Bonnie Glaser, giám đốc chương trình nghiên cứu Ấn Độ -Thái Bình Dương, thuộc Quỹ German Marshall, đây là dịp để Đài Bắc chứng minh với thế giới về « tầm mức quan trọng và tính chất mật thiết trong bang giao với Hoa Kỳ ».


Washington mặc dù đang tập trung vào chiến tranh Ukraina, nhưng Đài Loan mới thực sự là một « ưu tiên » của Nhà Trắng. Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần nêu lên khả năng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan kể cả về mặt quân sự nếu như hòn đảo này bị xâm chiếm.


Cũng Washington dưới chính quyền của một vị tổng thống thuộc đảng Dân Chủ không ngừng đẩy mạnh hợp tác với các nước trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, từ Úc đến Philippines, hay Ấn Độ, đề phòng xảy ra xung đột vũ trang trong khu vực eo biển Đài Loan, đồng thời để kềm tỏa « ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực ». Cuối tháng 9/2022, Ủy ban Ngoại giao Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua dự luật « Taiwan Policy Act of 2022 » dự trù « tăng cường viện trợ quân sự » cho đảo này. thậm chí dự trù đối xử với Đài Loan như là « một đồng minh ngoài khối NATO ». Báo Nikkei Asia ngày 21/09/2022 trích lời Robert Daly, giám đốc trung tâm nghiên cứu mang tên cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger, nguyên là đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, nhận định : « Nếu dự luật về Đài Loan 2022 được thông qua thì coi như Washington chấm dứt chính sách một nước Trung Quốc duy nhất ».


Bề nổi của cuộc đọ sức Mỹ-Trung
Nhưng Đài Loan chỉ là bề nổi của cuộc đọ sức « toàn diện » giữa hai siêu cường Hoa Kỳ và Trung Quốc. Washington và Bắc Kinh đang tranh giành ảnh hưởng trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương. Điều này càng rõ rệt hơn nữa khi mà Bắc Kinh đã vươn vòi đến tận Thái Bình Dương chiêu dụ những đảo quốc trong khu vực, như quần đảo Salomon …


Sau cùng, vào lúc chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von der Leyen, hồ sơ Đài Loan có thể làm « nhiễu » thông điệp ngoại giao của Trung Quốc – nhất là cả Paris lẫn Bruxelles cùng đang kỳ vọng Trung Quốc can ngăn Vladimir Putin dừng tay sau hơn 1 năm chiến tranh Ukraina.


Từ khi lãnh đạo họ Tập được chỉ định điều hành đất nước thêm một nhiệm kỳ thứ ba, Bắc Kinh gần như trở thành trung tâm ngoại giao của thế giới. Từ thủ tướng Đức đến thủ tướng Singapore, từ tổng thống Philippines đến tân thủ tướng Malaysia đều phải sang trình diện ông Tập Cận Bình. Lãnh đạo Trung Quốc liên tục tiếp từ tổng thống Iran đến tổng thống Belarus và đương nhiên Bắc Kinh là điểm tựa ngoại giao và kinh tế quý giá của tổng thống Vladimir Putin vào lúc nước Nga đang bị cô lập trên trường quốc tế. Không dễ gì mà Trung Quốc chấp nhận cuộc gặp giữa tổng thống Đài Loan với chủ tịch Hạ Viện Mỹ thu hút chú ý của thế giới ngang bằng với vai trò ngoại giao của ông Tập Cận Bình hiện nay.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments