Thủ tướng Úc Anthony Albanese, tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Căn cứ Hải quân Point Loma ở San Diego, Hoa Kỳ ngày 13/03/2023
Thu Hằng
Ngày 13/03/2023, lãnh đạo ba nước Mỹ, Anh và Úc công bố kế hoạch hợp tác « chưa từng có » giúp Canberra mua tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Washington, đồng thời cho phép liên minh quân sự bộ ba này đối phó với thách thức đến từ Bắc Kinh. Nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, trên cả vấn đề tầu ngầm, thỏa thuận AUKUS còn cho phép quân đội Mỹ mở rộng sự hiện diện tại Úc.
Theo kế hoạch chi tiết công bố hôm thứ Hai, thỏa thuận tầu ngầm AUKUS mới, phiên bản mở rộng của thỏa thuận quốc phòng AUKUS 2021, bao gồm ba giai đoạn : Tầu ngầm Anh, Mỹ được cập cảng quân sự Úc để hải quân Úc được làm quen ; Úc sẽ có ba tầu ngầm lớp Virginia của Mỹ vào cuối thập niên 2030 và một tầu ngầm mới do Anh thiết kế nhưng với công nghệ Mỹ, lắp ráp tại Úc. Như vậy, với thỏa thuận này, tầu ngầm của Anh – Mỹ sẽ luân phiên cập cảng quân sự Úc, dự kiến bắt đầu từ năm 2027.
Tuy nhiên, trang mạng Responsible Statecraft, ngay từ năm 2021, từng ghi nhận, trong thông báo của thành lập liên minh quốc phòng AUKUS tháng 9/2021, một điểm cốt lõi của thỏa thuận đã không được nhắc đến : Trên thực tế, Mỹ có kế hoạch xây dựng các căn cứ quân sự mới tại Úc.
Trong cuộc họp báo ngày 16/9/2021, bộ trưởng Quốc Phòng Úc thời đó là Peter Dutton công bố kế hoạch thành lập các cơ sở mới cho lực lượng hải quân, không quân và lục quân với sự « kết hợp về hậu cần, duy tu và bảo dưỡng để hỗ trợ cho các hoạt động quân sự nâng cao, bao gồm cả cho tầu ngầm, tầu chiến », cũng như là việc « triển khai luân phiên các loại máy bay quân sự của Mỹ tới Úc ».
Nước Úc hiện đang đối mặt với sự thiếu hụt năng lực tiềm tàng trước khi có được tầu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và lo lắng về việc duy trì khả năng răn đe chống Trung Quốc. Trong khi chờ đợi, Hoa Kỳ muốn triển khai thêm các loại vũ khí tấn công ở Tây Thái Bình Dương để duy trì mức răn đe khả tín của Mỹ vào lúc Trung Quốc không ngừng hiện đại hóa quân đội.
Theo nhận định cơ quan tư vấn Australian Strategic Policy Institue (ASPI) của Úc ngày 01/03/2023, so với Hawaii hay lục địa Hoa Kỳ, nước Úc có một vị trí địa lý thuận lợi, gần với các điểm nóng tiềm tàng như Đài Loan và Biển Đông, nhưng đủ để nằm ngoài tầm bắn của hầu hết các tên lửa của Trung Quốc. Các căn cứ tại Úc tương đối an toàn và có tầm quan trọng chiến lược, còn nước Úc thì đáng tin cậy về mặt chính trị.
Cũng theo ASPI, Úc được xem như là một bàn đạp lý tưởng để triển khai sức mạnh hải – không quân Mỹ vào các chuỗi đảo thứ nhất và phía đông Ấn Độ Dương. Như vậy lựa chọn rõ ràng của Mỹ ở đây là nhằm phân tán lực lượng ra khỏi các căn cứ dễ bị tấn công hơn như ở Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời bố trí lực lượng tiếp viện trong khu vực nếu xảy ra xung đột kéo dài.
Trong tầm nhìn này, ngay từ năm 2012, Hoa Kỳ đã dần tăng quân số thủy quân lục chiến từ 200 người lên thành 2.500 binh sĩ vào năm 2019. Các đợt tập trận chung Mỹ – Úc cũng gia tăng. Căn cứ quân sự Darwin cũng đã được mở rộng và nâng cấp dung tích các kho chứa nhiên liệu.
Cuối cùng, với thỏa thuận này, tầu ngầm của Mỹ và Anh cũng sẽ được cập cảng quân sự Perth. Hải quân Mỹ còn nhắm đến việc biến Úc thành một điểm trung chuyển của tầu ngầm, cung cấp các dịch vụ, bảo trì, tu dưỡng các loại tầu ngầm trong vùng châu Á – Thái Bình Dương.