Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad, phải, họp báo cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Bratislava, Slovakia, ngày 17/3/2022
VOA – Slovakia, từng là vệ tinh của Liên Xô, là thành viên NATO từ năm 2004, nhưng thực tế chỉ chứng tỏ thuộc về liên minh quân sự lớn nhất thế giới này sau khi Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái.
Quốc gia nhỏ ở trung tâm châu Âu hiện có hàng nghìn binh sĩ NATO và các máy bay đồng minh tuần tra trên không, tạo điều kiện cho Bratislava tính chuyện trở thành quốc gia đầu tiên gửi máy bay chiến đấu tới nước láng giềng Ukraine – đồng thời loại bỏ các máy bay thời Liên Xô cồng kềnh của họ.
“Tôi muốn nói rằng Cộng hòa Slovak là một quốc gia an toàn hơn trong một thế giới kém an toàn,” Bộ trưởng Quốc phòng Jaroslav Nad nói với AP trong một cuộc phỏng vấn ở Bratislava.
Đất nước 5,4 triệu dân này là nơi đóng quân của một lực lượng chiến đấu với các binh sĩ từ Hoa Kỳ, Đức, Ba Lan, Hà Lan, Slovenia và Cộng hòa Czech, khi NATO tái trấn an các thành viên ở sườn phía đông trước mối lo về đe dọa tiềm tàng của Nga.
Các đơn vị tương tự đã được thành lập ở Hungary, Romania và Bulgaria sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Chúng bổ sung cho bốn đơn vị khác được triển khai vào năm 2017 tại ba quốc gia Baltic và Ba Lan, nhằm mở rộng sự hiện diện của NATO từ Baltic đến Biển Đen.
Tại khu vực huấn luyện quân sự Lest ở trung tâm Slovakia, giữa những ngọn đồi phủ đầy tuyết, quân đội gần đây đã tổ chức các cuộc tập trận chung với các tình huống bao gồm tấn công bằng máy bay không người lái hoặc pháo binh, đáp trả một cuộc tấn công hóa học hoặc tái chiếm các khu vực bị quân địch chiếm giữ.
Slovakia cũng đang nỗ lực nâng cấp lực lượng vũ trang của mình theo tiêu chuẩn của NATO. Và điều đó đã chứng tỏ một lợi ích đối với Ukraine, nơi mà phần lớn vũ khí hạng nặng thời Liên Xô cũ của Slovakia được đưa tới.
Số này bao gồm phi đạn phòng không S-300, máy bay trực thăng, hàng nghìn rốc-két cho bệ phóng đa năng Grad và hàng chục xe bọc thép. Đổi lại, Slovakia có các giàn phóng phòng không Patriot của Hoa Kỳ tạm thời được triển khai cùng với quân đội Mỹ, Đức và Hà Lan, đồng thời nhận được xe tăng Leopard và hệ thống phòng không Mantis của Đức.
Nhìn chung, Slovakia đã trao cho Ukraine số vũ khí trị giá gần 179 triệu đô la, và cũng đã thu lại hơn 82,87 triệu đô la thông qua một quỹ chuyên dụng của EU.
Trong bối cảnh các nước phương Tây vừa mới kêu gọi cung cấp máy bay chiến đấu, Slovakia đang xem xét trao cho Ukraine 10 trong số 11 máy bay MiG-29 do Liên Xô sản xuất – chiếc thứ 11 được dành cho một bảo tàng Slovakia, theo Bộ trưởng Quốc phòng Nad.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã trực tiếp yêu cầu các máy bay này từ Thủ tướng Slovakia Eduard Heger tại hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp châu Âu ở Brussels trong tháng này.
Nếu Slovakia đồng ý, đây sẽ là thành viên NATO đầu tiên làm như vậy.
Slovakia đã cho nằm ụ những chiếc MiG của mình vào mùa hè do thiếu phụ tùng thay thế và các chuyên gia bảo trì sau khi các kỹ thuật viên Nga trở về nước. Nhưng lực lượng không quân Ukraine, vốn sử dụng những chiếc MiG 29, sẽ rất vui khi có chúng.
Quyết định cuối cùng được dự kiến trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.
Kể từ khi các máy bay MiG của Slovakia bị cho nằm ụ, các thành viên NATO là Ba Lan và Cộng hòa Czech đã giám sát không phận Slovakia, với Hungary sẽ tham gia vào cuối năm nay.
Bratislava đã ký thỏa thuận mua 14 máy bay chiến đấu F-16 Block 70/72 của Mỹ nhưng thời điểm bắt đầu giao hàng đã bị hoãn lại hai năm đến đầu 2024.
Ông Nad nhấn mạnh rằng đất nước của ông đã đáp ứng nhu cầu về vũ khí của Ukraine bất chấp một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài dẫn đến việc chính phủ sụp đổ vào tháng 12 năm ngoái sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Ông nói: “Việc Ukraine có thể tự bảo vệ mình trước sự xâm lược của Nga nhất định là lợi ích quốc gia, nhà nước, an ninh và quốc phòng của chúng tôi.”
Không phải ai ở Slovakia cũng nghĩ như vậy.
Tổng thống Zuzana Caputova đã yêu cầu chính phủ duy trì quyền hành hạn chế cho đến cuộc bầu cử sớm vào tháng 9, cuộc bầu cử mà phe đối lập có cơ hội chiến thắng.
Nhưng ông Nad nói với AP rằng sự sắp xếp về MiG sẽ “thực sự là mọi bên cùng có lợi cho tất cả những người tham gia.”
Ông nói thêm: “Và từ quan điểm đó, tôi thực sự không thể tưởng tượng được bất cứ ai có suy nghĩ hợp lý sẽ nói rằng họ không muốn giúp đỡ Ukraine, (cứu) mạng sống con người trong khi tăng cường khả năng phòng thủ của chúng tôi”.