RFI – Sự kiện Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC theo tiếng Anh hay CPI theo tiếng Pháp) vào cuối giờ chiều thứ Sáu 17/03/2023 ra lệnh bắt giữ tổng thống Nga Vladimir Putin vì tội ác chiến tranh, được các báo hết sức chú ý, dù chưa kịp đưa lên báo giấy. Cú đòn choáng váng này được đưa ra vào lúc chỉ vài ngày nữa Tập Cận Bình thăm Matxcơva, trong bối cảnh số nước « bạn bè » của Nga vốn hỗn tạp, đang giảm xuống.
Định chế quốc tế duy nhất có thể truy nã Putin đã ra tay
Trang web Le Figaro nêu ra câu hỏi « Putin có thể bị xét xử hay không ? ». Đây là lần đầu tiên đối với một nguyên thủ đương nhiệm, ngoài châu Phi. Cũng với cáo buộc tội phạm chiến tranh, cựu tổng thống Bờ biển Ngà Laurent Gbagbo là nguyên thủ đầu tiên bị ICC tống giam vì các vụ thảm sát năm 2002. Đến 2009, lệnh bắt giữ lần đầu được đưa ra cho một tổng thống đương nhiệm là Omar el-Béchir của Sudan, vì tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại và diệt chủng ở Darfour.
Theo tờ báo, tin này là một đòn sấm sét, tạo uy tín lớn cho Tòa án Hình sự Quốc tế. Ngay từ tháng 3/2022, Tòa đã mở điều tra trong thời gian kỷ lục, sau khi Nga oanh kích vào thường dân Ukraina. Công tố viên người Anh Karim Khan đã chủ động, vì Ukraina chưa phê chuẩn quy chế Roma. Mọi việc diễn tiến rất nhanh từ hôm 03/04 sau khi phát hiện các hố chôn người tập thể ở Bucha, 39 quốc gia thành viên ICC bật đèn xanh cho cuộc điều tra quy mô.
Theo giáo sư Julia Grignon, đại học Laval ở Canada, việc Tòa án phát lệnh bắt cho thấy đã có đủ những yếu tố để truy tố Vladimir Putin. Nhưng do Nga không chấp nhận quy chế Roma, cơ hội điệu được ông chủ điện Kremlin ra trước tòa hết sức mỏng manh. ICC không thể gởi một đơn vị đặc nhiệm để áp giải ông ta sang La Haye, cũng không có việc Putin tự nộp mình hay cảnh sát Nga đưa sang, hoặc một nước thứ ba giải giao. Mọi việc còn tùy thuộc vào diễn biến cuộc chiến, và sự hợp tác của các Nhà nước khác. Tuy nhiên bà Grignon lưu ý, trừng phạt quốc tế hiện nay cũng đã cản trở Vladimir Putin ra khỏi nước Nga.
Luật sư Clémence Bectarte của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) nhấn mạnh trên Libération cuối tuần : « Tòa án Hình sự Quốc tế là định chế tư pháp duy nhất có thể khởi tố Vladimir Putin », thế nên việc tổ chức này ra lệnh bắt giữ là sự kiện vô cùng quan trọng. Là nguyên thủ đương nhiệm, Putin có được quyền đặc miễn trước tất cả những tòa án quốc tế khác. Điều này được chờ đợi bởi tất cả những người kêu gọi đặt lên hàng đầu cuộc đấu tranh chống lại tình trạng kẻ xâm lăng lại được thoát tội.
« Trung lập mang màu sắc Trung Hoa »
Trong bối cảnh đó, mọi cặp mắt đều đổ dồn vào chuyến thăm Matxcơva của chủ tịch Trung Quốc từ 20 đến 22/03. L’Express cho rằng phía sau bề ngoài « trung lập », Bắc Kinh vẫn tiếp tục hỗ trợ Nga, đối tác quan trọng trong việc đối địch với Mỹ. Courrier International nhận thấy phương Tây lo ngại về thái độ của « nhà hòa giải » Tập Cận Bình.
Libération cuối tuần mỉa mai, « Nga-Trung bước vào ‘kỷ nguyên mới’, đâm sau lưng Ukraina ». Tháng 12/2022 Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã trao đổi rất lâu qua video, và ba tháng trước đó đã gặp gỡ nhân thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan. Cũng đừng quên chuyến thăm Bắc Kinh của Putin trong dịp Thế vận hội mùa đông, tháng 2/2022, chỉ vài ngày trước khi tổng thống Nga khởi động « chiến dịch quân sự đặc biệt ».
Phải chăng theo yêu cầu của Tập, Putin đã chờ đợi đến khi Olympic kết thúc mới tung ra đoàn xe tăng và máy bay tấn công Kiev ? Hết chuyến thăm cấp Nhà nước đến những thỏa thuận chung, điện đàm với nhau thường xuyên, trong khi một cuộc điện thoại với nạn nhân bị xâm lược là Ukraina cũng không có, phải chăng đây là sự « trung lập mang màu sắc Trung Hoa » ?
Nhà nghiên cứu Triệu Thông (Zhao Tong) trên L’Express cảnh báo cộng đồng quốc tế không nên chờ đợi có sự thay đổi nào trong quan điểm của Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ không bỏ rơi Nga để cải thiện quan hệ với phương Tây, đơn giản vì coi Matxcơva là đồng đội để chống lại Hoa Kỳ. Tập Cận Bình cho rằng phương Tây sử dụng cuộc chiến tranh Ukraina để làm Nga yếu đi, và sợ rằng một khi Nga bị đánh bại, đến lượt Trung Quốc sẽ chịu áp lực. Rất thực dụng, Bắc Kinh khai thác tình thế hiện nay – một nước Nga yếu kém sẽ ngày càng lệ thuộc Trung Quốc, và phe dân tộc chủ nghĩa Hoa lục đã nghĩ đến việc đòi lại những vùng đất ở Viễn Đông.
Quân Nga đã đuối sức ở Bakhmut ?
Về tình hình chiến sự Ukraina, Courrier International dự báo tại Bakhmut, gió có thể đổi chiều thuận lợi cho Kiev. L’Express nhận định chiến thuật mới của Nga tại đây là con dao hai lưỡi, còn La Croix cuối tuần nhấn mạnh đến sự đoàn kết cao độ và tinh thần bất khuất của người Ukraina.
Đã có những tiếng nói tố cáo cái giá quá cao của việc bảo vệ thành phố nhỏ bé này, nhưng từ vài ngày qua, giọng điệu đã thay đổi. Theo trang TSN, nhịp độ tấn công của quân Nga đã giảm hẳn, do thiệt hại quá nhiều nhân mạng cũng như thiết bị ; còn trang Fokus cho rằng lính đánh thuê Wagner không còn đủ sức chiếm Bakhmut. Quân Nga chuyển sang chiến thuật dùng những đơn vị nhỏ từ 12 đến 15 binh sĩ để tấn công trực diện nên gặm nhấm được một ít đất, nhưng quá rủi ro cho những người lính xung kích.
Về phía Ukraina, người dân đồng tâm nhất trí phía sau những tấm gương anh hùng. Những hình ảnh trên mạng xã hội : hai cha con cùng chết vì pháo trong cùng một chiến hào, một tù binh hiên ngang hô « Vinh quang cho Ukraina » và bị bắn thẳng vào đầu…càng làm sôi sục tinh thần ái quốc.
Đã sai lầm với Vladimir Putin, cần tỉnh táo trước Tập Cận Bình
Trên bình diện địa chính trị, Le Point giới thiệu cuốn sách của nhà kinh tế kiêm nhà sử học Nicolas Baverez « Dân chủ chống lại các đế chế toàn trị ». Thế giới sẽ đi về đâu, khi Nga tìm lại sự ngạo mạn độc tài xưa kia, còn Trung Quốc cảm thấy mọc thêm đôi cánh đế quốc ? Bị hai bạo chúa khổng lồ đe dọa, liệu về lâu về dài, các nền dân chủ còn tiếp tục trăn trở với chủ nghĩa cá nhân cao độ, mất đi ý thức về lợi ích chung ? Tự do và dân chủ không phải là thủ đắc vĩnh viễn, mà là những cuộc chiến đấu thường xuyên.
Tin rằng phương Tây đang suy tàn, Trung Quốc và Nga muốn chèn ép « những đứa trẻ được nuông chiều » này. Phải chăng Bắc Kinh đang biến Matxcơva thành chư hầu ? Cuộc xâm lăng Ukraina bộc lộ sự cố kết Nga-Trung, cũng như sự yếu kém về quân sự của châu Âu. Đã đành phương Tây đã phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ một cách bất ngờ trước cuộc chiến của Putin, nhưng chưa đủ. Châu Âu, người khổng lồ kinh tế nhưng là chú lùn về chính trị và quân sự, chỉ có thể trông cậy vào NATO và sự bảo vệ của Mỹ.
Sau khi bị lừa dối, bị mù quáng về bản chất của Vladimir Putin, Nicolas Baverez cho rằng không nên lặp lại sai lầm tương tự với Tập Cận Bình. Ông Tập đã thẳng thừng đòi hỏi vị trí lãnh đạo thế giới về kinh tế cũng như quân sự từ nay đến 2049, đồng thời đang nắm quyền lực tuyệt đối, với chính sách tôn sùng lãnh tụ như thời Mao Trạch Đông – tội phạm lớn nhất trong lịch sử loài người với 70 triệu người chết. Liệu trong đầu ông Tập có điều gì tốt đẹp cho nhân loại ? Tác giả cho rằng yếu tố thiếu vắng nơi phương Tây là sự sáng suốt, kêu gọi « tái vũ trang » về kinh tế, quân sự và nhất là tinh thần : khát vọng tự do của con người làm nên sức mạnh cho phe dân chủ.
Bắc Kinh làm châu Âu bừng tỉnh giấc mộng 20 năm
Le Point cũng nhận thấy « Sự tách biệt rạch ròi giữa châu Âu và Trung Quốc ». Các nước châu Âu lần lượt đứng vào một « liên minh chống Bắc Kinh » dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Tờ báo nhắc lại năm 2003, ngỡ rằng mở cửa kinh tế sẽ dẫn đến tự do hóa chính trị, châu Âu mong muốn trở thành « đối tác chiến lược toàn diện » với Trung Quốc. Hai mươi năm sau, đảng cộng sản Trung Quốc bóp nghẹt mọi ý hướng tự do và nhất quyết chống phương Tây, khiến quan hệ đang ở mức thấp nhất.
Trong lúc Pháp đang loay hoay, các nước thành viên khác của Liên Hiệp Châu Âu (EU) dần dà tỏ rõ thái độ. Đức vừa có quyết định chiến lược : xem lại việc sử dụng các thiết bị 5G Trung Quốc (Huawei, ZTE) trong mạng viễn thông. Hà Lan, vốn chủ trương tự do mậu dịch, đã buộc tập đoàn ASML không bán cho Bắc Kinh máy công cụ để sản xuất chip bán dẫn. Một động thái đầy ý nghĩa nữa là các định chế châu Âu ra lệnh cho viên chức phải xóa ứng dụng TikTok trên điện thoại.
Khi ủng hộ Matxcơva về mặt chính trị trong cuộc xâm lăng Ukraina, Tập Cận Bình chứng tỏ tham vọng của ông ta không phải là hợp tác, mà nhằm chế ngự thế giới dân chủ. Còn nước Mỹ với việc dẫn đầu về viện trợ quân sự cho Kiev, cho thấy vẫn là người bảo đảm an ninh cho châu lục. Thực tế này thúc đẩy các quốc gia dân chủ châu Âu siết chặt hàng ngũ xung quanh Washington, và Trung Âu tuy đang bị dẫn dụ trước « Con đường tơ lụa mới », đã cắt đứt với Bắc Kinh. Một trong những động thái đầu tiên của tân tổng thống Cộng hòa Sec, Petr Pavel sau khi đắc cử là gọi điện cho tổng thống Đài Loan bày tỏ sự ủng hộ.
Liên Hiệp Châu Âu giờ đây hoàn toàn đồng tình với Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn Bắc Kinh, không cho tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất về bán dẫn và tin học lượng tử. Lâu nay Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn dựa vào trọng lượng kinh tế để ép châu Âu không đứng về phía Mỹ, nhưng đã tự hại mình bằng chính sách ngoại giao chiến lang hung hăng. Theo thăm dò của Pew Research, hình ảnh Bắc Kinh đang vô cùng xấu xí : có đến 74 % người Đức không ưa Trung Quốc, tỉ lệ này ở Anh là 69 %, Pháp 68 %.
« Bạn bè » của Nga còn những ai ?
Nhìn chung, The Economist trong bài « Ngoại giao Potemkin » nhận định những người bạn của Nga là một nhóm hỗn tạp, và số lượng đang giảm sút. Trên lý thuyết, trọng lượng địa chính trị của Matxcơva rất đáng kể : Nga có quân đội và lính đánh thuê đóng tại ít nhất 16 nước. Có nơi nhằm hỗ trợ các nhà độc tài cánh hẩu như Mali và Syria ; nơi khác để duy trì những cuộc « xung đột đóng băng » như ở Gruzia nhằm chận con đường đến NATO của nước này.
Trong thập niên qua, Nga chiếm hơn phân nửa trong số vũ khí xuất khẩu sang 22 nước, kể cả những nước lớn như Trung Quốc và Ấn Độ ; là nhà cung cấp khí đốt chính cho hơn một chục nước. Tại Liên Hiệp Quốc, Matxcơva được khoảng vài chục quốc gia hoặc bỏ phiếu ủng hộ, hoặc vắng mặt có lợi cho Nga. Tuần báo Anh đã xem xét theo 11 tiêu chí để phân những « bạn bè » của Nga làm ba nhóm : « liên minh những kẻ thất bại », « nhóm hoài niệm Liên Xô » và « trục cơ hội ».
Trước hết là « những kẻ thất bại ». Trên giấy tờ, Matxcơva có năm đồng minh chính thức trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (OTSC) gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tadjikistan. Tuy liên kết bằng hiệp ước hỗ tương nhưng chẳng có thành viên nào đưa quân đến giúp Nga tấn công Ukraina, ngoài Belarus cho mượn đất. Matxcơva hầu như hoàn toàn bị cô lập, chỉ có vỏn vẹn bốn nước (Bắc Triều Tiên, Syria, Belarus, Nicaragua) là luôn bỏ phiếu chống các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Liên minh này có điểm chung là phi dân chủ, một số như Erythrea thì bản thân bị thế giới coi như « hủi ».
Khoảng 30 nước khác có xu hướng vắng mặt trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc về Ukraina. Trong nhóm không chịu « Goodbye Lênin » này, một số có cảm tình với Nga nhờ mối liên hệ với Liên Xô trong quá khứ, nhưng chừng như họ quên rằng Ukraina cũng từng là một bộ phận của Liên bang Xô viết. Số khác ở châu Phi, đảng cầm quyền hoặc chính khách cần Nga tài trợ hay ủng hộ tranh cử. Nhóm thứ ba là những nước cơ hội, coi trừng phạt của phương Tây là dịp để kiếm những món lợi béo bở khi buôn bán với Nga : Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhảy vào thay thế hàng hóa của châu Âu và Mỹ, Ấn Độ tranh thủ mua dầu giá rẻ…
AUKUS, mô hình cho đồng minh phương Tây
Tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, The Economist đánh giá « Hiệp ước AUKUS là hình mẫu cho các đồng minh phương Tây » : Tập trung nhân tài và nguồn lực là phương cách duy nhất để đối phó với sức nặng của Trung Quốc.
Trong nhiều thập niên, các thủy thủ Anh và Úc vẫn thường xuyên thăm các tàu ngầm Mỹ. Tuy là đồng minh thân thiết nhưng họ không thể bước qua một cánh cửa của phòng máy, vì tại đây che giấu công nghệ bất khả xâm phạm của Hoa Kỳ : động cơ phản lực nguyên tử, mà Mỹ chỉ bắt đầu chia sẻ cho Anh kể từ 1958. Giờ đây AUKUS đã mở cánh cửa này cho Úc, đồng thời khởi đầu một giai đoạn mới trong sự cạnh tranh với Trung Quốc. Ba nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Úc và những người kế nhiệm của họ cam kết lâu dài là sẽ không khoanh tay ngồi nhìn Bắc Kinh thống trị Á châu. Ngân sách quân sự Trung Quốc nay đã cao hơn cả Úc, Ấn Độ và Nhật Bản họp lại.
Mỹ phải san sẻ những bí mật quý giá nhất về nguyên tử, nhưng được Úc đầu tư lớn vào kỹ nghệ, có thêm cảng biển ở Thái Bình Dương và hỏa lực lớn của đồng minh tại châu Á. Úc có được công nghệ hàng hải đẳng cấp thế giới, kỹ nghệ Anh cũng hưởng lợi. Không chỉ về tàu ngầm, cột trụ thứ hai của AUKUS còn liên quan đến công nghệ cao như trí thông minh nhân tạo, lượng tử và hỏa tiễn siêu thanh.
Trung Quốc : Không có công lý cho những nạn nhân của Mao
Nhìn lại lịch sử, The Economist lý giải « Vì sao những nạn nhân của Mao không tìm được công lý ». Đối với tất cả những chế độ quyết tâm xóa nhòa những tội ác khủng khiếp trong quá khứ, những nạn nhân cuối cùng còn sống sót là nhóm người gây phiền hà. Trường hợp ông Wang Kangfu, thầy giáo dạy môn Văn của một trường tiểu học vùng quê thuộc tỉnh Giang Tây là một ví dụ.
Lúc Cách mạng Văn hóa nổ ra, thầy giáo họ Vương mới 24 tuổi bị bắt ngay trong lớp học, bị buộc tội chống Mao và cưỡng hiếp các nữ sinh, bị cải tạo lao động 10 năm. Vài năm sau khi Mao Trạch Đông chết, tình hình tương đối cởi mở hơn, Vương tìm được 10/12 « nhân chứng », người nói rằng hoàn toàn không biết về vụ án, người thú nhận đã bị buộc khai man. Nhưng tư pháp từ chối mở lại hồ sơ.
Cuộc đấu tranh đòi công lý đã cướp đi nhiều thời gian và sức lực của gia đình ông Vương. Đối với nhà cầm quyền, sự kiên trì này gây rắc rối, nhưng thời gian đứng về phía họ. Ông Vương qua đời vào năm ngoái, thọ 80 tuổi. Chẳng bao lâu nữa thế hệ tương lai chỉ còn biết đến Cách mạng Văn hóa qua sử sách, và lịch sử thì do đảng viết ra.
Tựa chính các tuần san Pháp
Trang bìa các tuần báo Pháp kỳ này chủ yếu đề cập đến nội tình trong nước. Le Point chạy tựa « Xì-căng-đan thực sự về nước », phê phán những người lý tưởng và cực đoan ngăn trở những giải pháp cho khí hậu. L’Obs dành hồ sơ cho vấn đề an tử và trợ tử, một câu hỏi luôn nhức nhối và đầy phức tạp. L’Express đăng hình tổng thống Pháp được vẽ theo bức tượng « Người suy tư » với dòng tít lớn « Emmanuel Macron, những tham vọng cho năm 2027 ». Courrier International đưa tít « Hưu trí : Nước Cộng hòa (Pháp) bị chia thành nhiều mảnh vụn », nhận định việc chính phủ mạnh tay thông qua cải cách sẽ đè nặng lên giai đoạn cuối nhiệm kỳ của tổng thống Emmanuel Macron. Riêng The Economist đặt vấn đề « Điều gì sai lầm đối với các ngân hàng » sau một loạt vụ phá sản gần đây.