Ảnh tư liệu: Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) bắt tay tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại thượng đỉnh ASEAN, Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 13/11/2022
RFI – Tổng thống Hàn Quốc sẽ công du Tokyo hai ngày 16-17/03/2023, họp thượng đỉnh với thủ tướng Fumio Kishida và tiếp xúc với các quan chức chính phủ Nhật Bản. Thông báo mới này, nằm trong chuỗi sự kiện dồn dập những ngày gần đây, cho thấy hai nước láng giềng Đông Á mong muốn cải thiện quan hệ nhằm củng cố mặt trận trước mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.
Trước đó, Seoul thông báo hai quyết định quan trọng ngày 06/03. Thứ nhất, Hàn Quốc ngừng khiếu nại Nhật Bản tại Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Thứ hai, Seoul lập Quỹ vì nạn nhân cưỡng bức lao động tại Nhật, trực thuộc bộ Nội Vụ.
Nhật-Hàn cùng « đấu dịu » vì đại cục
Quyết định để các công ty Hàn Quốc, thay vì doanh nghiệp Nhật Bản, đứng ra bồi thường cho các nạn nhân cưỡng bức lao động thời Nhật hoàng là một thiện chí của tổng thống Yoon Suk Yeol, người chủ trương bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản. Ngân sách của Quỹ « sẽ do các công ty tư nhân tự nguyện quyên góp và từ các dự án của quỹ ». Thực ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã được hưởng 500 triệu đô la từ Nhật Bản trên danh nghĩa « hợp tác kinh tế » trong khuôn khổ thỏa thuận bình thường hóa quan hệ song phương năm 1965. Tuy nhiên, Seoul vẫn tỏ mong muốn Tokyo « tích cực ủng hộ thông qua các khoản đóng góp của các doanh nghiệp Nhật Bản và xin lỗi đầy đủ ».
Dù khẳng định không chính thức xin lỗi lần nữa, chính quyền Tokyo tỏ thiện chí « giúp cải thiện quan hệ song phương ». Theo một quan chức ngoại giao cấp cao Nhật Bản, được trang Kyodo trích dẫn, Tokyo có thể sẽ cho phép các doanh nghiệp Nhật Bản tình nguyện đóng góp vào quỹ của Hàn Quốc và bày tỏ ăn năn đối với nạn nhân cưỡng bức lao động Hàn Quốc. Chuyên gia về Đông Á Karoline Postel-Vinay, Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế CERI của trường Sciences Po, trả lời RFI ngày 06/03, cho rằng những công ty Nhật Bản sẽ tham gia « vì lợi ích chung » hướng đến « bình thường hóa quan hệ ».
Sức ép từ Mỹ lập mặt trận chung
Tại sao hai nước lại thúc đẩy cải thiện ngoại giao vào lúc này ? Theo chuyên gia Karoline Postel-Vinay, yếu tố đầu tiên là bối cảnh địa chính trị hiện nay, đặc biệt là chiến tranh tại Ukraina : nếu Nga gây chiến được ở Ukraina thì « Trung Quốc cũng có thể làm như vậy với Đài Loan ».
Mỹ cần lập một mặt trận chung với hai nước đồng minh quan trọng ở trong vùng để đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc, cũng như những mối đe dọa hạt nhân ngày càng lớn của Bắc Triền Tiên. Tiến trình hòa giải này một mặt nhờ vào việc chính quyền tổng thống Joe Biden và ngành ngoại giao Mỹ không ngừng gây sức ép và cuối cùng đã thuyết phục được Hàn Quốc chấm dứt tranh chấp lịch sử, và mặt khác nhờ vào tư tưởng cởi mở hơn, thân Mỹ hơn của tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, nhậm chức tháng 05/2022.
Ngoài lĩnh vực an ninh, hai nền kinh tế lớn của châu Á sẽ hợp tác trong lĩnh vực thương mại và công nghệ cao. Hàn Quốc ngưng khiếu nại Nhật Bản lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Đổi lại, Tokyo cũng dự kiến dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với xuất khẩu chất bán dẫn sang Hàn Quốc, được áp dụng từ tháng 07/2019 và đưa Hàn Quốc trở lại « danh sách trắng » các đối tác thương mại đáng tin cậy để được hưởng đãi ngộ.
Theo nhà nghiên cứu Karoline Postel-Vinay, những sự kiện dồn dập gần đây của Hàn Quốc và Nhật Bản cho thấy hai nước thực sự muốn tháo gỡ những bất đồng, hiện được coi là « điều kiện quan trọng, cấp thiết để đối phó với sức ép từ Trung Quốc và bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện nay ».