Logo Ngân Hàng SVB bị vẽ nguệch ngoạc bên trên một lá cờ Mỹ trên một bức hình minh họa chụp ngày 13/03/2023
RFI – Sau khi Ngân hàng SVB (Silicon Valley Bank) chính thức phá sản hôm thứ Sáu, 10/03/2023, ngày hôm qua, 12/03, chính quyền Mỹ đã có nhiều biện pháp khẩn cấp để ngăn ngừa nguy cơ sụp đổ dây chuyền trong lĩnh vực ngân hàng, do không khí hoảng sợ gây ra sau khi ngân hàng SVB phá sản.
Vụ phá sản của Ngân hàng SVB được giới quan sát đánh là vụ sụp đổ ngân hàng nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngân hàng Trung ương Mỹ quyết định triển khai khoản tín dụng 25 tỉ đô la để tài trợ cho các ngân hàng có nguy cơ bị cuốn vào cuộc khủng hoảng tài chính. Theo thông báo của Ngân hàng Trung ương Mỹ, ‘‘Fed sẽ cung cấp nhiều quỹ để bổ sung để cho phép các ngân hàng đáp ứng nhu cầu của tất cả người gửi tiền. Việc này sẽ cho phép tăng cường khả năng của hệ thống ngân hàng bảo vệ tiền gứi và bảo đảm việc tiếp tục cung ứng tiền và tín dụng cho nền kinh tế’’.
Theo AFP, chính phủ Mỹ cam kết bảo đảm toàn bộ số tiền gửi của tất cả các khách hàng của Ngân hàng SVB, bao gồm các cá nhân và doanh nghiệp, kể cả vượt quá mức tiền giới hạn là 250 nghìn đô la. Tiền gửi vào SVB ước lượng trị giá 170 tỉ đô la, theo một ước tính của ngân hàng này đưa ra hôm thứ Tư tuần trước, trước khi chính thức phá sản.
Ngoài SVB, chính quyền Mỹ cũng có biện pháp bảo đảm với một ngân hàng khác, Ngân hàng Signature Bank, cũng vừa bị cơ quan quản lý ra quyết định đóng cửa, một biến cố gây bất ngờ. Ngân hàng Signature Bank là ngân hàng lớn thứ 21 của Mỹ, với tài sản ước tính 110 tỉ đô la.
Trong tuần qua, ngoài hai ngân hàng nói trên còn có một ngân hàng thứ ba bị phá sản, là Silvergate Bank, có quy mô nhỏ hơn, nổi tiếng trong lĩnh vực tiền điện tử.
Theo AFP, cuộc chạy đua gấp rút của chính quyền Mỹ hiện nay để giải cứu lĩnh vực ngân hàng có thể ví với hai ngày đen tối 13 và 14/09 của cuộc khủng hoảng tài chính 2008.