Wednesday, November 20, 2024
No menu items!
spot_img
HomeHOA KỲMỹ đối đầu với Nga và Trung Quốc ở hai chiến tuyến...

Mỹ đối đầu với Nga và Trung Quốc ở hai chiến tuyến cùng một lúc

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Lanham, bang Maryland, Hoa Kỳ ngày 15/02/2023

RFI – Hoa Kỳ đã khẳng định với Trung Quốc rằng việc giao vũ khí cho Nga sẽ gây ra “hậu quả nghiêm trọng”. Điều này không chỉ làm thay đổi sâu sắc bản đồ địa chiến lược ở châu Âu và Đông Á, mà còn là nhân tố bổ sung vào một cuộc leo thang quân sự nguy hiểm. Đó là nội dung bài phân tích được đăng hôm 04/03/2023 trên trang mạng Asialyst. RFI xin trích dịch.


“Trung Quốc sẽ phải có quyết định về cách thức mà họ sẽ tiến hành nếu Bắc Kinh hỗ trợ Matxcơva về mặt quân sự, nhưng nếu họ làm thế, họ sẽ phải trả một cái giá nhất định cho hành động của mình”, cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết như vậy trên kênh truyền hình Mỹ CNN hôm 26/02. Ông cũng nói thêm trên kênh ABC rằng Trung Quốc tuy chưa giao vũ khí cho Nga, nhưng cũng không loại trừ khả năng sẽ làm như vậy.


Cả Hoa Kỳ và các đồng minh trong khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong những ngày gần đây đã bày tỏ lo ngại về khả năng Trung Quốc chuyển giao vũ khí cho Nga và đã nỗ lực ngăn cản chính quyền Bắc Kinh thực hiện hành động này. Hôm 24/02, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công khai tuyên bố rằng Bắc Kinh đã viện trợ “vũ khí không sát thương” cho Matxcơva và hiện họ đang “thực sự cân nhắc” cung cấp cho Nga cả vũ khí sát thương, sau hơn một năm nổ ra cuộc chiến tranh Ukraina. Sau những tuyên bố này của lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ, giám đốc CIA, William Burns cũng phát biểu trên kênh CBS : “Chúng tôi chắc chắn rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang xem xét việc chuyển giao vũ khí sát thương.

Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy Bắc Kinh đưa ra quyết định cuối cùng vào thời điểm này và chúng tôi không có bằng chứng về việc gửi các vũ khí sát thương cho Nga.”
Trong khi đó, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul thuộc đảng Cộng Hòa nói đến những thông tin về việc Bắc Kinh có kế hoạch chuyển giao drone cho Nga. Theo ông McCaul, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chuẩn bị chuyến công du Matxcơva để gặp tổng thống Nga Vladimir Putin…


Hồi tháng 02/2022, chỉ vài ngày trước khi chiến tranh ở Ukraina nổ ra, Nga và Trung Quốc đã công bố một mối quan hệ đối tác “không giới hạn”, nhưng hai bên không cho biết thêm chi tiết cụ thể. Chính thuật ngữ “không giới hạn” được sử dụng trong chuyến thăm Bắc Kinh của tổng thống Putin đã gợi ý rằng sự hợp tác này có thể mở rộng sang lĩnh vực quân sự.
Luc de Barochez, biên tập viên của tuần báo Le Point hôm 28/02 cho biết rằng nếu Trung Quốc đưa ra quyết định cung cấp vũ khí cho Nga, chẳng hạn như đạn pháo hoặc drone chiến đấu, thì “tác động địa chính trị sẽ rất lớn”. “Khi trở thành, cho dù qua ủy quyền, một tác nhân tham chiến trên lãnh thổ châu Âu, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh quá trình xa cách với phương Tây. Bắc Kinh sẽ tự khẳng định mình là một siêu cường không chỉ về kinh tế và chính trị mà còn về quân sự.”


Tính trung lập hình thức (bề ngoài)


Nhưng thực tế là Tập Cận Bình không thể để Vladimir Putin thua cuộc chiến này. Giả thuyết về một sự thay đổi chế độ ở Matxcơva rất có thể mở ra khả năng Nga xích lại gần phương Tây và đó là một cơn ác mộng về mặt chiến lược đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc, bởi khi đó, Bắc Kinh sẽ bị cô lập hơn bao giờ hết trên trường quốc tế. Vì vậy, mối quan tâm thực sự của Bắc Kinh là kéo dài cuộc chiến ở Ukraina.


Một mặt, cuộc xung đột ở Ukraina khiến Hoa Kỳ không tập trung vào sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và do đó, tạo điều kiện cho Bắc Kinh tiếp tục âm thầm chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự vào Đài Loan. Mặt khác, cuộc chiến này duy trì Nga trong tình thế thấp kém, nếu không muốn nói là chư hầu so với Bắc Kinh, và điều đó chỉ có lợi cho Trung Quốc.


Một nước Nga độc tài, thù địch với phương Tây, và đồng thời phụ thuộc vào viện trợ của Trung Quốc, là một kịch bản lý tưởng cho giới lãnh đạo Trung Quốc, bởi điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho Bắc Kinh có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên khổng lồ dưới lòng đất của Nga, tiếp cận với công nghệ quân sự tiên tiến nhất của Nga và tiếp cận với tuyến đường biển phía bắc, dọc theo bờ biển Siberia ở Bắc Băng Dương, con đường ngắn nhất nối Trung Quốc với châu Âu.


Hơn nữa, điều này cũng buộc Matxcơva phải im lặng trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Trung Á. Cái gọi là “kế hoạch hòa bình” 12 điểm mà Trung Quốc đề xuất vào ngày 24/02, nhân một năm Nga xâm lược Ukraina, minh họa một cách rõ rệt về ý đồ của Bắc Kinh. Với việc thể hiện bản thân là một cường quốc có trách nhiệm, Trung Quốc tìm cách đánh bóng hình ảnh quốc tế của mình, phần lớn đã bị hoen ố trong những năm gần đây bởi sự hiếu chiến đối với các nước láng giềng ở châu Á : cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, không ngừng đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông và áp dụng chính sách tồi tệ với đại dịch Covid-19.
Nhưng với việc không lên án trực tiếp quốc gia xâm chiếm Ukraina, khi từ chối kêu gọi quân đội Nga rút khỏi các vùng lãnh thổ Ukraina bị chiếm đóng và đề cập đến “tâm lý chiến tranh lạnh” của phương Tây cùng với việc đổ trách nhiệm về cuộc chiến cho phương Tây cho thấy tính trung lập của Trung Quốc chỉ là vẻ bề ngoài. Những tuần tới sẽ cho thấy Bắc Kinh có thực sự từ bỏ mọi giới hạn để hỗ trợ Matxcơva hay không.


Ngăn chặn vòng xoáy


Washington không ngây thơ về ý nghĩa của sự hợp tác Nga-Trung. Theo Wall Street Journal và kênh NBC trích dẫn các quan chức giấu tên, Trung Quốc sẽ cung cấp drone và đạn dược cho Nga. Tuần báo Der Spiegel của Đức đưa tin hôm 24/02 rằng một công ty Trung Quốc có kế hoạch sản xuất drone “trinh sát” cho quân đội Nga với mục đích tấn công các mục tiêu ở Ukraina. Bắc Kinh cật lực phủ nhận những cáo buộc này.


Theo Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Joe Biden, cuộc chiến ở Ukraina gây ra “những vấn đề nghiêm trọng” với Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh quyết định cung cấp vũ khí cho Matxcơva, đất nước của Tập Cận Bình sẽ phải “trả một cái giá đáng kể”. Washington từ chối nêu chi tiết “cái giá” này, nhưng Hoa Kỳ có hàng loạt các biện pháp trừng phạt có thể gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Đích thân tổng thống Biden đã nói hôm 24/02 trong một cuộc phỏng vấn trên kênh ABC rằng ông đã trao đổi về chủ đề này với ông Tập, và tổng thống Mỹ nhắc lại rằng cuộc chiến ở Ukraina đã dẫn đến việc nhiều tập đoàn nước ngoài phải rời khỏi Nga. Trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 03/03, nhà lãnh đạo các nước khối G7 cũng đe dọa các quốc gia hỗ trợ Nga lách lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ phải trả một cái giá lớn.


Cuộc chiến ở Ukraina là một hồ sơ nhạy cảm đối với Bắc Kinh vì mối quan hệ kinh tế và ngoại giao khăng khít với Matxcơva, được thúc đẩy bởi lợi ích chung là sự đối trọng với Washington. Cho đến nay, Trung Quốc đã không thể hiện lập trường về cuộc xâm lược của Nga. Nhìn từ Washington, Bắc Kinh đang tìm cách “làm vừa lòng cả hai bên”, một hành động “đi dây” ngày càng khó thực hiện.


Trong một bài phân tích do CNN đăng, Stephen Collinson, nhà báo chuyên trách Nhà Trắng, gần đây đã nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ hiện đang phải đối mặt với hai mặt trận cùng lúc : Nga và Trung Quốc, một tình huống chưa từng có kể từ năm 1945. Có lẽ vẫn chưa muộn để Washington ngăn chặn cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh trở thành một cuộc chiến tranh lạnh thực sự, khiến mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát và đẩy thế giới vào tình trạng chiến tranh.

Ông Collinson nhận định rằng cả Mỹ lẫn Trung Quốc cùng duy trì lợi ích chung trong việc ngăn chặn một vòng xoáy có thể gây ra tổn thất kinh tế khổng lồ.


« Đảm trách vai trò đi đầu (hoặc đầu tầu) »


Hôm 01/03, bên lề hội nghị G20 ở New Delhi, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc gặp “chớp nhoáng” với đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov. Đó là lần đầu tiên hai ngoại trưởng gặp nhau kể từ khi Nga xâm lược Ukraina. Ông Blinken đã nói rõ với người đồng nhiệm rằng Washington sẽ sát cánh cùng Kiev cho đến khi quân đội Nga bị đánh bại.


Về phần mình, tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp thủ tướng Đức Olaf Scholz vào ngày hôm sau tại Nhà Trắng. Theo phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby, “những thách thức do Trung Quốc đặt ra” là trọng tâm của cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo. Nhà Trắng công khai bày tỏ sự hài lòng về lập trường của thủ tướng Olaf Scholz, người đã công khai cảnh báo Bắc Kinh về việc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga.


Các chiến lược gia Mỹ tin rằng cuộc đối đầu Mỹ-Trung vốn đã căng thẳng trong những tháng gần đây sẽ còn tiếp tục gia tăng ở những khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Theo một tài liệu sắp được công bố, chính quyền Biden trình bày chi tiết chiến lược của Mỹ trong khu vực và giới chiến lước gia đánh giá rằng Trung Quốc sẽ “đẩy nhanh tham vọng soán ngôi Hoa Kỳ”

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments