Friday, October 4, 2024
No menu items!
spot_img
HomeThế GiớiKhí hậu: Nhân loại còn rất ít thời gian để giữ mức...

Khí hậu: Nhân loại còn rất ít thời gian để giữ mức tăng nhiệt độ không quá 1,5 độ C

RFI – Lãnh đạo các nước và xã hội dân sự sắp có trong tay một tài liệu quan trọng: Báo cáo tổng hợp lần thứ 6 về khí hậu, sẽ được chính thức công bố vào 13 giờ, giờ quốc tế hôm nay, 20/03/2023. Nội dung căn bản, được truyền thông loan tải trước, là tình trạng Trái đất bị hâm nóng nhanh chóng chính là do con người, trước hết do việc sử dụng năng lượng hóa thạch.


Nhân loại không còn nhiều thời gian trước khi mức tăng nhiệt độ vượt mốc 1,5°C. Quá mức này nhiều hệ quả sẽ ‘‘không thể đảo ngược’’, vượt quá khả năng đối phó


Báo cáo tổng hợp lần thứ sáu về khí hậu do nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (GIEC/IPCC) chủ trì, dựa trên hơn 10.000 trang kết quả nghiên cứu khoa học về khí hậu từ năm 2014. Sau một tuần làm việc tại Interlaken, Thụy Sĩ, hôm qua, đại diện các quốc gia thành viên của GIEC đã thông qua báo cáo tổng hợp này. Báo cáo về thực trạng khí hậu, nguyên nhân và các giải pháp được trình bày dưới dạng dễ hiểu đối với đại chúng.


Thông điệp chung của báo cáo về khí hậu của GIEC không có gì mới mẻ, nhưng theo AFP, bản tóm tắt khoảng 30 trang này ‘‘có tầm quan trọng chính trị đặc biệt’’. Bản tổng hợp này sẽ phải được đại diện của toàn bộ 195 quốc gia Liên Hiệp Quốc phê chuẩn từng câu, từng chữ.


Vào thời điểm khai mạc đợt làm việc của nhóm GIEC tại Interlaken, ngày 13/03, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của bản tổng hợp về khí hậu này. Ông giải thích, ‘‘các nhà lãnh đạo cần đến một định hướng khoa học chắc chắn, rõ ràng và chi tiết, để có thể đưa ra được các quyết định phù hợp’’, nhằm ‘‘tăng tốc tiến trình thoát khỏi các năng lượng hóa thạch và cắt giảm khí thải’’.


‘‘Điểm tựa’’ cho xã hội dân sự


Theo AFP, ‘‘bản tổng hợp (về khí hậu) dành cho giới lãnh đạo’’ cũng là một ‘‘điểm tựa’’ quan trọng cho các hoạt động tranh đấu của xã hội dân sự toàn cầu. Điểm hẹn sắp tới của cộng đồng quốc tế về khí hậu là hội nghị COP28 vào tháng 12 tại Dubai. Đây sẽ là lần đầu tiên cộng đồng quốc tế sơ kết việc thực hiện các cam kết toàn cầu về cắt giảm khí thải, theo các mục tiêu đã được đề ra trong Hiệp định Khí hậu Paris 2015.


Để đạt mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2oC so với thời tiền công nghiệp, và tốt nhất là không quá 1,5oC, nhân loại không thể không ‘‘cắt giảm nhanh chóng các nguồn phát thải, trước hết là dầu mỏ, khí đốt và than đá’’. Hiện tại nhiệt độ thế giới chỉ mới tăng quá 1,2oC, mà các hiện tượng thời tiết cực đoan đã xảy ra dữ dội hơn, dồn dập hơn trên khắp các châu lục, như dự đoán trước đó của nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (GIEC/IPCC). Mức tăng 1,5oC được dự báo sẽ diễn ra trong ít năm tới.
Năm 2022 vừa qua, việc Trái đất bị hâm nóng nhanh chóng đã dẫn đến hàng loạt đại thảm họa, như lũ lụt tàn phá Pakistan hoặc Nigeria, đợt nắng nóng ghê gớm ở Achentina và Chile hoặc nhiệt đợt nắng nóng và hạn hán ở châu Âu và Hoa Kỳ, theo mạng khoa học World Weather Attribution.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments