Thursday, July 4, 2024
No menu items!
spot_img
HomeThế GiớiChiến tranh Ukraina : Ba lý do uranium Nga thoát lưới trừng...

Chiến tranh Ukraina : Ba lý do uranium Nga thoát lưới trừng phạt

Các containers chứa uranium nghèo được dùng làm nhiên liệu cho các lò phản ứng trong các nhà máy điện, tại cảng Saint Petersburg, Nga, ngày 14/11/2013.

RFI – Sau 13 tháng chiến tranh Ukraina, uranium của Nga không bị trừng phạt. Khác hẳn với ngành dầu khí, sản xuất và xuất khẩu uranium của tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom không hề sụt giảm. Matxcơva không dám động đến uranium để bắt chẹt các khách hàng phương Tây cho dù Mỹ lệ thuộc đến 25 % vào thị trường Nga và Liên Âu thì tăng tốc phát triển điện hạt nhân để thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch. Làm sao giải thích uranium Nga « bất khả xâm phạm » ?


Để trả lời các câu hỏi trên, RFI tiếng Việt mời giáo sư Teva Meyer, chuyên nghiên cứu về yếu tố địa chính trị trong các hồ sơ hạt nhân sử dụng trong các lĩnh vực dân sự và quân sự, đại học Haute Alsace, tham gia chương trình. Tháng 2/2023 Teva Meyer vừa ra mắt độc giả cuốn Géopolitique du nucléaire -Hạt nhân và địa chính trị, NXB Cavalier Bleu.


Sau tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản vào tháng 3/2011 uranium liên tục mất giá. Ngay cả Kazakhstan, nơi bảo đảm 45 % sản xuất cho toàn cầu trong gần một chục năm đã cân nhắc và chỉ đầu tư một cách có chọn lọc vào một số công trường. Sản xuất của Mỹ đến năm 2021 giảm 95 % so với một thập niên trước đó.


2022 là một « bước ngoặt » : giá uranium trong các hợp đồng mua bán dài hạn tăng 20 % trong vòng sáu tháng. Lý do : Trung Quốc, Nhật Bản và Nga khởi động những dự án phát triển điện hạt nhân. Hai tuần trước chiến tranh Ukraina, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề ra mục tiêu xây dựng 6 lò phản ứng thế hệ mới từ nay đến 2050 và lò phản ứng đầu tiên trong số đó sẽ bắt đầu hoạt động từ 2035.


Tháng 2/2022 Matxcơva đưa quân xâm lược Ukraina, khiến từ châu Âu đến Hoa Kỳ lại càng quan tâm hơn đến mục tiêu phát triển điện hạt nhân để giảm bớt lệ thuộc vào dầu khí, than đá của Nga. Tại Washington chính quyền Biden tăng tốc đầu tư cho ngành công nghiệp uranium. Tại châu Âu, mỏ uranium ở Slovakia hoạt động tấp nập trở lại.


Giáo sư Teva Meyer đại học Haute-Alsace trước hết nhắc lại một số đặc điểm của uranium với ngành điện hạt nhân.
« Quặng uranium phải trải qua bốn công đoạn thì mới trở thành những thanh nhiên liệu để tạo ra năng lượng hạt nhân. Nếu như các mỏ dầu hỏa hay khí đốt chỉ tập trung ở một số nơi, thì ngược lại, uranium là một nguyên tố rất phổ biến trên vỏ của trái đất. Tuy nhiên, có nhiều chênh lệch về giá cả khi khai thác các mỏ uranium. Do vậy thị trường uranium hiện tại tập trung vào một số quốc gia, trên thế giới có 15 nước sản xuất uranium tự nhiên. Đứng đầu Kazakhastan và Ouzbekistan ở Trung Á, kế tới là Úc và Canada. Ở châu Phi, nguồn sản xuất quan trọng nhất là Namibie ».


Bí quyết thành công của Nga
Trong một nghiên cứu gần đây, chuyên gia Teva Meyer cho thấy các quặng uranium hiện diện trên khoảng 53 quốc gia khác nhau, nhưng chỉ có hơn một chục nước trong số đó khai thác nguyên tố này. Nếu như chỉ một mình Kazakhstan chiếm 45 % sản xuất của toàn cầu, Ouzbekistan là 7 % thì nước Nga của Vladimir Putin với vỏn vẹn 5 %, một tỷ lệ không đủ để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ nội địa, nhưng Nga lại là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền năng lượng hạt nhân của thế giới. Chuyên gia Teva Meyer giải thích bí quyết nào đã đưa nước Nga vào vị trí trung tâm như vậy:


« Nga sản xuất rất, rất ít uranium và phải nhập khẩu gần như toàn bộ nguyên liệu này từ Kazakhstan để đáp ứng nhu cầu nội địa về điện hạt nhân. Đặc điểm của Nga là ở chỗ, dù phải nhập khẩu đến 95 % uranium nhưng quốc gia này lại làm chủ công đoạn tinh chế và nhất là kỹ thuật là giàu uranium. Nhờ bí quyết ấy Nga xuất khẩu trở lại uranium dưới dạng uranium được làm giàu và thanh nhiên liệu cho phần còn lại trên thế giới. Toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Nga sử dụng uranium nhập khẩu của Kazakhstan. Tất cả những hợp đồng cung cấp uranium và thanh nhiên liệu cho các đối tác quốc tế của Nga tùy thuộc vào khối lượng uranium do Kazakhstan cung cấp cho Nga. Nước Nga làm chủ 2 trong số 4 công đoạn then chốt để uranium có thể được đưa vào sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân. Hai khâu đó gồm : làm giàu uranium và chế biến uranium được làm giàu thành những viên bỏ vào những cái ống và chúng được gọi là những thanh nhiên liệu. Trong cả hai lĩnh vực này, Nga chiếm lợi thế bởi hai lý do : thứ nhất là giá thành sản xuất tại Nga rất thấp –chỉ bằng phân nửa so với ở những nơi khác trên thế giới như (ở Mỹ hay Pháp trước kia chẳng hạn). Lý do thứ nhì là nhân công cũng như giá năng lượng của Âu-Mỹ đắt hơn rất nhiều so với ở Nga ».


« Giá thành rẻ » : Mỹ không dám trừng phạt uranium của Nga
Ngay từ tháng 3/2022 các tập đoàn năng lượng hạt nhân của Mỹ đã ra sức vận động chính quyền Biden duy trì tất cả các hợp đồng với Rosatom. Mỹ lệ thuộc đến 25 % vào uranium được làm giàu của Nga. Tháng 8/2022 tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace cho biết trong Pháp vẫn nhập khẩu 210 tấn uranium được làm giàu của Nga, tương tự hồi 2021. Cũng Greenpeace hôm 11/03/2023 công bố một báo cáo về « mức độ lệ thuộc của Pháp vào Rosatom ».


Thêm một lá chủ bài khác của Nga : Rosatom là tập đoàn duy nhất có khả năng cung cấp thanh nhiên liệu cho một số các nhà máy điện hạt nhân châu Âu. Lý do : « Nga nắm giữ bí quyết ở khâu cuối cùng », trước khi uranium được làm giàu dưới dạng một thứ bột màu đen được hun đúc lại thành từng viên bi với kích cỡ đặc biệt. Những viên bi đó được cho vào một những cái ống kim loại, mà người ta gọi là « thanh nhiên liệu ».


Vấn đề đặt ra theo như giải thích của Teva Meyer « mỗi thanh nhiên liệu đã được cân đong đo đếm để sử dụng cho 1 kiểu lò phản ứng ». Chỉ có Rosatom mới có những viên uranium thích hợp với các lò phản ứng mà Rosatom đã xây dựng cho các khách hàng.


Nói một cách đơn giản Phần Lan, Solvakia hay Hungary, Séc sử dụng lò phản ứng VVER-400 của Nga nên bắt buộc phải dùng thanh nhiên liệu do Nga cung cấp. Cộng Hòa Séc đã mất đến 7 năm mà vẫn chưa tìm được giải pháp thay thế cho những thanh nhiên liệu, những viên uranium được làm giàu của Nga.


Nga cũng sợ « bỏng tay »
Thế còn về phía Nga : nếu như đã chiếm một vị trí then chốt như vậy trên thị trường uranium và nhất là trong lĩnh vực cung cấp các thanh nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới thì tại sao trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, tổng thống Vladimir Putin không ra lệnh cho Rosatom « trừng phạt » các khách hàng, như Gazprom đã từng khóa van cung cấp dầu khí cho các đối tác châu Âu ?


« Nga không dám bởi hai lý do. Một là thế giới hiện nay thừa sức và thừa khả năng làm giàu uranium. Điều đó có nghĩa nếu muốn, ngay lập tức các nhà máy tại châu Âu hay ở Mỹ đều có thể khởi động lại trong một sớm một chiều và như vậy các bên sẽ không bị lệ thuộc vào những hợp đồng đã ký kết với tập đoàn Rosatom của Nga nữa. Matxcơva không có lợi ích gì khi dùng uranium như một công cụ để bắt bí phương Tây như họ đã làm với dầu hỏa hay khí đốt. Lý do thứ nhì là uranium của Nga rất dễ để chuyển đến các thị trường khác trên thế giới. Có nghĩa là bất kỳ một quốc gia nào cũng có thể nhanh chóng tìm một nguồn cung cấp khác để thay thế vào chỗ mà các tập đoàn Nga để lại vì ở đây chúng ta không bị ràng buộc vì những hệ thống đường ống dẫn dầu hay đường ống dẫn khí đốt chôn trong lòng đại dương hay trên mặt đất… ».


1 tấn uranium = 3 triệu tấn than đá
Vẫn giáo sư Meyer đại học Haute Alsace trong một bài tham luận gần đây đưa ra những con số cụ thể để so sánh : Chẳng hạn như tại Pháp, một lò phản ứng trung bình tiêu thu 1 mét khối uranium một năm. Để có được một khối lượng điện tương đương, thì người ta cần đến 3 triệu tấn than đá. Một mét khối chất uranium được làm giàu, rất dễ để vận chuyển kể cả bằng đường hàng không, tránh xung đột quân sự trên mặt đất.


Trong các cuộc xung đột tại Ukraina hồi 2014 và nhất là từ năm ngoái, Rosatom vẫn đều đặn cung cấp uranium cho các nhà máy điện hạt nhân Hungary, Séc và Slovakia bằng đường hàng không. « Mỗi chuyến bay chở một khối lượng đủ để cho 1 lò phản ứng tại những nơi này hoạt động trong vòng 1 năm ».


Uranium : giới hạn đặt ở phía « cầu »
Nói như vậy tham vọng phát triển điện hạt nhân của Pháp và nhiều nước châu Âu khác, cũng như của Mỹ không sợ bị giới hạn vì nguồn cung cấp uranium ? Chuyên gia Teva Meyer nhận định:


« Tôi không nghĩ rằng những quốc gia muốn phát triển năng lượng hạt nhân bị cản trở vì sợ thiếu uranium. Chúng ta đã tập trung vào trường hợp của Nga, một nhà cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân trên thế giới. Đó là về phía cung. Nhưng nhìn về phía cầu, đây cũng sẽ là một vấn đề. Bởi ngoài Pháp ra, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang muốn phát triển điện hạt nhân để bớt lệ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Tôi muốn nói đến trường hợp của Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu như cùng một lúc, cả thế giới lao vào cuộc chạy đua phát triển điện hạt nhân thì mọi người đều tranh giành uranium giá rẻ của Nga. Đó mới thực sự là một vấn đề. Thành thử, Nga là một yếu tố then chốt trên thị trường uranium nhưng đừng quên rằng đang có những quốc gia khác trên tế giới rất cần uranium cho cuộc chạy đua phát triển điện hạt nhân ».


Do thế giới không khan hiếm uranium, nguyên tố này lại không tập trung tại một số nơi trên mặt đất, do không bị ràng buộc ở các khâu vận chuyển, các nhà máy làm giàu uranium, các nhà điện hạt nhân có thể lắp đặt ở bất kỳ nơi nào (miễn là ngoài các vành đai lửa của động đất).


Nga dù không có nhiều quặng uranium nhưng vẫn có thể trở thành tâm điểm của thị trường này nhờ công nghệ làm giàu uranium và chế tạo thanh nhiên liệu phục vụ cho các lò phản ứng hạt nhân.


Phương Tây không dám đưa uranium Nga vào danh sách trừng phạt. Matxcơva thì biết rõ những giới hạn nếu dùng uranium sử dụng trong lĩnh vực dân sự như một vũ khí phục vụ các mục tiêu chiến lược.


Dù không hoàn toàn lệ thuộc vào uranium của Nga nhưng, đối với các tập đoàn điện lược trên thế giới đã trang bị lò phản ứng của Rosatom, không dễ để thoát Nga.
Ngoài bí quyết chế biến uranium được làm giàu thành thanh nhiên liệu, Nga còn làm chủ công nghệ tái xử lý các thanh nhiên liệu này. Chỉ có 4 % thanh nhiên liệu bị xếp vào hạng « rác thải hạt nhân ».


Trong trường hợp của Pháp, tuy không lệ thuộc vào uranium tự nhiên của Nga, và có công nghệ làm giàu uranium nhưng tập đoàn Điện Lực Quốc Gia đã chọn trao khâu « tái xử lý » các thanh nhiên liệu trong lò phản ứng trên lãnh thổ quốc gia cho nhà máy Seversk, đặt tại Tomsk trong vùng Siberie. Seversk là một chi nhánh trực thuộc Rosatom.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments