Phi cơ MiG-31K của Không quân Nga mang tên lửa hành trình siêu thanh Kinzhal. Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga cung cấp ngày 19/02/2022, trong lúc tổng thống Nga chuẩn bị giám sát một cuộc tập trận phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa hành trình.
RFI – Ngày 23/02/2023, chỉ một ngày sau khi thông báo « ngừng tham gia » hiệp ước New Sart về giải trừ vũ khí nguyên tử với Hoa Kỳ, tổng thống Vladimir Putin cho biết quân đội Nga sẽ tăng cường lực lượng hạt nhân.
Theo phát biểu của tổng thống Putin được điện Kremlin công bố sáng sớm hôm nay và được AP trích dẫn, Nga « sẽ gia tăng chú ý tăng cường bộ ba nguyên tử », ý muốn nói đến những tên lửa hạt nhân được triển khai trên đất liền, trên biển và trên không. Lần đầu tiên, các tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat – có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân – sẽ được triển khai ngay trong năm nay. Nguyên thủ quốc gia Nga cũng khẳng định : « Chúng ta sẽ tiếp tục sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu thanh Kinzhal và sẽ cung cấp hàng loạt tên lửa siêu thanh trên biển Zircon ».
Quyết định của Nga « ngừng tham gia » hiệp ước New Start đã bị tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích là « một sai lầm nghiêm trọng ». Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình ABC News tại Ba Lan trước khi lên đường về Mỹ, ông Joe Biden cũng cho biết là « chưa có » những yếu tố cho thấy tổng thống Nga « đang suy tính về việc sử dụng vũ khí nguyên tử hoặc việc gì đó tương tự ».
Mỹ sẽ hỗ trợ quân sự cho đến khi Nga rút khỏi Ukraina
Tổng thống Mỹ đã kết thúc chuyến công du Ukraina và Ba Lan kéo dài bốn ngày. Trong cuộc họp ngày 22/02 tại Vacxava với lãnh đạo 9 nước thuộc nhóm « Bucharest Nine » (gồm Bulgari, Cộng Hòa Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Rumani và Slovakia), ông Joe Biden nhấn mạnh đến vai trò « phòng thủ tập thể trên tuyến đầu » của những nước nằm dọc sườn đông NATO. Tổng thống Biden nhắc lại sự ủng hộ « không lay chuyển » của Mỹ để đẩy lùi quân Nga khỏi lãnh thổ Ukraina, vì theo ông, « thách thức của cuộc xung đột này không chỉ là đối với riêng Ukraina mà còn đối với cả tự do của các nền dân chủ khắp châu Âu và trên thế giới ».
Trong cuộc họp, tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO Jens Stoltenberg đã nhắc lại những hành động của Nga ở Gruzia và Ukraina, và tuyên bố : « Chúng ta không thể cho phép Nga tiếp tục làm suy yếu an ninh châu Âu. Chúng ta phải phá vỡ vòng xâm lược của Nga ».